Cơ quan chức năng cũng thu giữ được một số hung khí được cho là của các nhân viên bảo vệ tham gia đánh nhau. Đến nay, công an chưa có kết luận cuối cùng nhóm bảo vệ hay nhóm HS đã sai trước; tuy nhiên, có một sự thật rất rõ ràng là nhóm HS đã “no đòn”.
Thời gian qua, ngành dịch vụ bảo vệ phát triển rầm rộ hơn, hình ảnh các bảo vệ cũng chuyên nghiệp hơn với đồng phục thẳng thớm, công cụ hỗ trợ sẵn sàng. Việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong công tác bảo vệ là cần thiết, nhưng nếu các công cụ này rơi vào tay những người không có đủ tư cách, tác phong, hành xử đúng mực thì quả thực rất tai hại. Các công cụ hỗ trợ, vốn được sử dụng với mục đích bảo vệ tài sản và bản thân, lại trở thành hung khí để nhiều bảo vệ chiếm phần ưu thế trong nhiều cuộc xô xát mà các phương tiện thông tin đại chúng từng đề cập. Va chạm giữa bảo vệ Công ty Long Hoàng và nhóm HS lần này, bằng các công cụ hỗ trợ, các bảo vệ cho nhóm HS “no đòn” như đã nói. Cho nên, tư cách của các bảo vệ là một vấn đề cần quan tâm, nhất là khi dịch vụ bảo vệ phát triển rầm rộ và số lượng nhân viên bảo vệ cũng tăng nhanh.
Mỗi khi xảy ra các va chạm, các công ty bảo vệ thường lên tiếng cho rằng vì khách hàng hành xử quá mức, nên các nhân viên bảo vệ đã không kiềm chế được. Tại sao các công ty này không nhận lỗi ngay trước những hậu quả hiển hiện như việc hành hung các em HS trong vụ việc nói trên. Quả thực, công việc bảo vệ, nhất là bảo vệ các đơn vị kinh doanh -dịch vụ, sẽ thường xuyên tiếp xúc nhiều người với nhiều tính cách khác nhau nên rất dễ mất kiềm chế khi có các bất đồng. Tuy nhiên, cũng vì vậy, các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ càng cần phải tuyển chọn và đào tạo các nhân viên bảo vệ một cách bài bản hơn, trang bị cho họ khả năng kiềm chế, chứ không phải là lấy lý do thiếu kiềm chế để biện giải cho các xô xát diễn ra. Tại một số hệ thống bán lẻ lớn, một quy định nghiêm ngặt dành cho các nhân viên bán hàng là tuyệt đối không được cự cãi với khách hàng, bất luận khách hàng sai hay đúng. Các nhân viên bán hàng cũng thường xuyên tiếp xúc với nhiều người có những tính cách khác nhau, nên quy định trên như một cách để các hệ thống bán lẻ hạn chế việc nhân viên mình mất kiềm chế. Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ nên học hỏi điều này, bởi nếu các nhân viên bảo vệ mất kiềm chế thì hậu quả cũng sẽ khó “kiềm chế” khi họ luôn có công cụ hỗ trợ bên mình. “Kiềm chế” hoàn toàn không phải là “nhu nhược”!
Các công ty bảo vệ cần hiểu được đâu là tiêu chí quan trọng và đâu là nguy cơ có thể xảy đến trong dịch vụ bảo vệ của mình. Trong đó, tư cách đạo đức cũng như kỹ năng hành xử mới chính là tiêu chí quan trọng hàng đầu dành cho các bảo vệ, chứ không phải sức khỏe hay kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)