Nhận ít 'like' trên mạng xã hội làm tăng trầm cảm, lo âu?

Tạ Ban
Tạ Ban
30/09/2020 00:08 GMT+7

Nghiên cứu mới cho thấy, nhận được ít luợt 'like' (thích) ở các post (bài đăng) trên mạng xã hội gây ra sự đau khổ về cảm xúc, gia tăng trầm cảm, lo âu ở một số thanh thiếu niên.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Texas-Austin (Mỹ) đã khám phá những tác động tâm lý của việc nhận không đủ phản hồi tích cực trực tuyến.
David Yeager, đồng tác giả của nghiên cứu và là phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Texas-Austin, cho biết: “Rất nhiều nghiên cứu về mạng xã hội sức khỏe tinh thần sử dụng phương pháp khảo sát, nhưng mối tương quan không đảm bảo nhân quả. Nghiên cứu này là một tiến bộ khoa học quan trọng bởi vì nó sử dụng thử nghiệm và nó cho thấy rằng việc không có đủ lượt "like" (thích) thực sự khiến thanh thiếu niên giảm cảm giác về giá trị bản thân... Những kết quả rất ấn tượng vì thanh thiếu niên không bị bắt nạt hoặc quấy rối, họ chỉ không được thích nhiều như họ muốn, và điều đó khiến họ có các triệu chứng trầm cảm”, theo utexas.edu.

Lượt "like" trên mạng xã hội ảnh hưởng đến cảm xúc của người trẻ

Ảnh minh họa: Shutterstock 

Thông qua 3 thử nghiệm, kết quả nghiên cứu đăng lại trên utexas.edu cho thấy:
Những thanh thiếu niên nhận ít lượt thích có nhiều cảm giác bị từ chối và các cảm xúc tiêu cực khác hơn những người nhận được nhiều lượt thích hơn.
Thanh thiếu niên phản ứng tiêu cực mạnh nhất khi nhận không đủ lượt thích nhiều khả năng bị triệu chứng trầm cảm và có độ nhạy cảm cao hơn với các tác nhân gây căng thẳng hằng ngày.
Đặc biệt, những người từng là nạn nhân của bạn bè ở trường có phản ứng tiêu cực nhất khi nhận được ít lượt thích hơn và cũng có xu hướng cao nhất cho rằng mình nhận ít lượt thích là do khuyết điểm trong tính cách của bản thân.
Địa vị xã hội trở thành trọng tâm trong những năm phát triển của con người ở lứa tuổi vị thành thiên và các em nhận thức sâu sắc về mức độ nổi tiếng tương đối của mình ngay cả khi không có phản hồi tiêu cực rõ ràng.
Chris Beevers, đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Texas-Austin, chia sẻ: “Thanh thiếu niên có giá trị bản thân thấp hơn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Phản hồi từ bạn bè đồng trang lứa là nguồn thông tin quan trọng giúp định hình cách nhìn nhận của thanh thiếu niên về bản thân”, theo utexas.edu.
Các tác giả lưu ý rằng mạng xã hội có khả năng làm trầm trọng thêm cảm giác bị từ chối và kém cỏi ở thanh thiếu niên. Lý do là bởi những người thấp nhất trong phân cấp mức độ nổi tiếng có thể tìm đến mạng xã hội với hy vọng nhận được sự công nhận mà họ bị từ chối trong cuộc sống hằng ngày, nhưng rồi lại trải qua sự thất vọng tương tự.
Hae Yeon Lee, tác giả chính của nghiên cứu, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ) nói: “Nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu sức mạnh của sự chấp thuận của bạn bè và địa vị xã hội ở tuổi vị thành niên”, theo utexas.edu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.