Nhân viên CGV tung 'ảnh nóng' của khách trong rạp chiếu

31/07/2018 11:34 GMT+7

Phía CGV cho biết đã đình chỉ công tác tạm thời một nhân viên cụm rạp của mình vì hành vi chụp lại màn hình camera giám sát trong cụm rạp với hình ảnh cặp đôi nam nữ thân mật quá đà rồi tung lên mạng.

Sự việc rò rỉ ảnh nóng của khách xem phim ở cụm rạp CGV gây ra tranh cãi trái chiều từ cộng đồng mạng. Nhiều vấn đề về bảo mật thông tin khách hàng, cả về đạo đức lẫn khía cạnh pháp lý được đặt ra, trong đó văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng cũng được mổ xẻ.
Theo nhà phát hành phim lớn nhất Việt Nam, các quy định về văn hóa xem phim đều được phổ biến rất rõ trước mỗi giờ chiếu phim. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình chiếu phim, nhân viên rạp sẽ quản lý chung các hoạt động trong phòng chiếu để tránh các hành vi gây rối, mất trật tự hoặc các sự cố ngoài ý muốn xảy ra với khách hàng. Cụ thể, nhân viên sẽ luân phiên ra vào rạp trong một khoảng thời gian cố định để kiểm tra tình hình rạp chiếu và lưu ý đến khách hàng nếu cần bất kỳ hỗ trợ nào từ bộ phận rạp, cũng như nhắc nhở các khách hàng có những hoạt động gây ảnh hưởng đến không gian chung khi xem phim.
Tuy nhiên với sự việc làm lộ hình ảnh cá nhân của khách hàng gây xôn xao dư luận, phía nhà rạp đã nhận trách nhiệm. Theo đó, CGV phản hồi đây là hình ảnh được chụp từ camera trong rạp trước đó. Việc hình ảnh này được phát tán ra ngoài do sự thiếu ý thức của một nhân viên trong cụm rạp. "Trong quá trình theo dõi camera tại phòng chiếu để tìm ví bị mất theo yêu cầu của khách hàng, nhân viên này đã chia sẻ hình ảnh ra ngoài. Sau sự cố trên, chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm khắc nhân viên liên quan đến vụ việc bằng việc đình chỉ công việc tạm thời, song song với việc mở cuộc họp để có quyết định cụ thể đối với hành vi của nhân viên này", phía CGV cho hay.
CGV cho rằng điều này chưa từng xảy ra ở CGV từ trước đến nay, và khẳng định đặt camera chỉ để kiểm soát các vấn đề an ninh Ảnh: CGV cung cấp 
Bên cạnh lời hứa sẽ xử lý sự việc theo quy định của pháp luật, phía CGV cũng bày tỏ mong muốn khách hàng tuân thủ đúng quy định rạp chiếu đưa ra, nhằm xây dựng môi trường văn hóa - giải trí văn minh, lành mạnh. 
Trước đó, khi ra mắt dạng ghế giường nằm, ông Vương Thế Phong, quản lý vùng miền Nam của hệ thống rạp CGV, cho biết: “Khán giả văn minh sẽ luôn ý thức cao để hiểu đâu là hành vi phản cảm nơi công cộng. Nếu khán giả có hành vi phản cảm hay gây rối thì chúng tôi mời ra khỏi rạp. Nhưng từ trước đến nay, chúng tôi chưa từng gặp những trường hợp đó”.
Trên các diễn đàn mạng, hành động thân mật nơi công cộng của cặp nam nữ cũng trở thành đề tài tranh cãi. Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn ở góc độ xa hơn, văn hóa ứng xử cộng đồng và ứng xử với con người của một bộ phận người trẻ thực sự có vấn đề. Còn tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM, nhận định: “Văn hóa ứng xử của không ít người trẻ hiện nay đang có vấn đề, họ thực hiện các hành vi trong văn hóa ứng xử không chuẩn mực, hơi lệch lạc”.
Theo luật sư Lê Thế Nhân, Chủ tịch Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội (Codes), quyền riêng tư có ý nghĩa trực tiếp bảo vệ đời sống hằng ngày của mỗi người. Quyền này góp phần giúp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, những bí mật của cuộc sống riêng tư và gia đình.
"Chẳng ai muốn người khác soi mói vào đời tư, đem cuộc sống riêng tư của mình ra bêu giữa xã hội. Mỗi người sống với cái quyền của họ. Có thể một số người chưa sử dụng quyền của họ vì những lý do nào đó và không phải vì thế mà không đảm bảo quyền của người khác. Kiện tụng là một trong những cách thức để đòi quyền và quyền riêng tư là điều hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày chứ không phải tới lúc đòi thì nó mới có. Cho nên, tính khả thi không nằm ở chỗ tâm lý ngại kiện tụng hay không, mà nằm ở chỗ nó đang là quyền của tất cả mọi người trên thế giới này", ông nói.
Thu Hằng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.