Nhập hộ khẩu ở TPHCM: Nỗi niềm của những... "công dân hạng hai"

19/11/2005 23:09 GMT+7

Không biết tự bao giờ những người tạm trú ở các TP được gắn với cụm từ "công dân hạng hai", và rõ ràng họ bị phân biệt đối xử so với những người có hộ khẩu (HK) chính thức. Trong những ngày đầu thực hiện chủ trương mở cánh cửa HK ở các TP, sôi động nhất vẫn là TP.HCM, chúng tôi đã được nghe nỗi niềm tâm sự của những người bị coi là... "công dân hạng hai" này.

Vẫn giằng co chuyện "hộ khẩu đòi nhà, nhà đòi hộ khẩu" !

Gần 1 tuần lễ qua, "nhiệt độ" ở các quận vùng ven đông dân KT3 đã trở nên "rất nóng", nhất là tại các đội quản lý hành chánh về trật tự xã hội (QLHC-TTXH) công an các quận Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, quận 7..., ngay sau khi báo chí đăng tải về việc TP.HCM cho nhập HK đại trà một số lượng được coi là hy hữu từ trước tới nay - gần nửa triệu người. Thông tin này đã làm xáo trộn cuộc sống của hơn 1,2 triệu người nhập cư.

Tại Phòng QLHC-TTXH Công an TP.HCM (PC13), đến chiều 18.11 - tức đã qua ngày làm việc thứ 5, số lượng hồ sơ dân mang lên nộp tuy đã giảm so với ngày đầu tiên, nhưng vẫn còn khá đông. Một cán bộ thụ lý của phòng cho biết, vướng mắc lớn nhất của người dân là việc xác nhận tình trạng nhà. Theo thông tin chúng tôi có được thì có không ít phường, xã nại 1.001 lý do để không xác nhận cho dân: tranh chấp lối đi chung trong hẻm, nhà trong khu "quy hoạch treo", nhà thuê của Nhà nước có "hợp đồng xanh", kể cả nhà đã có đủ giấy tờ hợp pháp nhưng ở trong khu vực chưa có quy hoạch 1/2000...

Nhưng khổ nhất có lẽ là các trường hợp có hồ sơ đầy đủ, giấy tờ hợp pháp, đã được chính quyền địa phương "xác nhận" đàng hoàng mà vẫn không được công an thụ lý như trường hợp của anh Nguyễn Anh Kỳ Thơ ở P.12, Q.Gò Vấp. Anh Thơ mua một căn nhà có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, được UBND phường xác nhận như sau: "Căn nhà số..., ở đường Phạm Văn Chiêu, P.12, Q.Gò Vấp do ông Nguyễn Anh Kỳ Thơ làm chủ sử dụng, hiện nay không tranh chấp, nhà thuộc khu dân cư". Anh Thơ cho biết hồ sơ được Phòng PC13 đồng ý hầu hết nội dung, nhưng vẫn bị trả lại vì thiếu mục xác nhận: Nhà không nằm trong khu quy hoạch có thông báo phải di dời. Thật ra nội dung "nhà thuộc khu dân cư" cũng đồng nghĩa là "không nằm trong khu quy hoạch". Tuy nhiên, không hiểu sao chính quyền P.12, Q.Gò Vấp lại... né nội dung yêu cầu của công an. Anh Thơ cho biết, chỉ vì một chi tiết nhỏ như vậy mà anh phải chạy tới chạy lui rất nhiều lần.

Mong được là công dân thành phố

Trong hàng trăm trường hợp phản ánh về Báo Thanh Niên, có lẽ trường hợp của anh Lê Văn Trung có HK gốc ở phường Tân Hòa, TP Biên Hòa là lạ lùng nhất. Anh cho biết, lâu nay anh và con anh vẫn ở bên nhà vợ ở phường Phú Trung, Tân Phú, TP.HCM. Vợ con anh đã có HK thường trú tại TP.HCM. Trước đây, do thấy cũng không có nhu cầu gì bức xúc nên anh chần chừ không nhập HK theo vợ. Nay sẵn dịp, anh xin nhập về TP.HCM cho tiện công việc. Nhưng khi tiếp xúc hồ sơ, những cán bộ thụ lý hồ sơ "phán" rằng giấy đăng ký kết hôn của anh với vợ đã cũ, yêu cầu anh về Biên Hòa lục lại hồ sơ rồi làm lại theo mẫu đăng ký kết hôn mới thì hồ sơ mới được nhận (?). Anh Trung bức xúc: "Vô lý, không lẽ giấy kết hôn theo mẫu mới thì chúng tôi mới là vợ chồng, còn mẫu cũ thì không phải là vợ chồng hay sao?". Bức xúc là bức xúc, chứ anh Trung cũng đã phải nhờ đến người em ruột ở Biên Hòa đến phường Tân Hòa lục giùm và làm lại giấy kết hôn theo yêu cầu của cán bộ thụ lý. Nhưng Công an phường Tân Hòa sau khi xem hồ sơ cho rằng, mẫu giấy đăng ký kết hôn của ngành tư pháp Biên Hòa - Đồng Nai là hợp lệ nên không cần phải làm lại. Đứng ở cửa giữa anh Trung không biết phải làm thế nào.

Người dân đọc quy định mới về nhập HK - (ảnh: Đàm Huy)

Nhưng không phải chỉ toàn là chuyện buồn quanh cái HK. Sau 5 ngày làm việc, tại Phòng PC13 chúng tôi nhận thấy có nhiều trường hợp đã được nhận hồ sơ sau nhiều lần phải bổ túc. Anh Trần Văn Thành ngụ P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú là một trong những người may mắn đó. Anh Thành tâm sự: "Tôi gần 18 năm sống ở thành phố. Tất cả những ký ức tuổi thơ của tôi đều ở thành phố này. Nhưng tôi lại là người dân 6 "không": không nhà, không HK, không chứng minh nhân dân, không bằng lái, không xe và cả... không vợ vì làm gì có HK mà làm đăng ký kết hôn. HK gốc Bến Tre thì đã bị cắt từ lâu". Sau vài giờ đồng hồ chờ đợi đến khi hồ sơ của anh đã được "thông qua", anh gần như muốn nhảy lên vì sung sướng rồi nói thật to: "Hồ sơ tui được nhận, được nhận là ổn rồi". Còn bác Lê Ngô Hoàng, 60 tuổi, ngụ P.11, Q.Gò Vấp, tuy bị trả hồ sơ lại để bổ túc thêm, chẳng những không buồn phiền, mà còn hồ hởi bắt tay chị cán bộ tiếp nhận hồ sơ với một câu nói chân thành: "Cám ơn cô rất nhiều vì đã hướng dẫn tôi tận tình". Hỏi ra mới biết, bác Hoàng đã trên dưới vài chục lần ôm hồ sơ đi đăng ký HK, nhưng lần nào cũng thất vọng trở về. Lần này có hy vọng không bị "loại" như mọi lần nữa, mà chỉ cần hoàn chỉnh hồ sơ là sẽ được nhận nên bác rất phấn khởi. Bác nói: "Tuy đã gần đất xa trời, nhưng bác vẫn mong được công nhận là công dân thành phố, dù chỉ một ngày".

Ngay lần đầu tiên đăng ký, hồ sơ của chị Trần Thị Thu Sương (ngụ Q.Tân Bình) được nhận ngay. Tuy chưa biết kết quả thế nào, nhưng với chị được nhận hồ sơ đã là vui quá rồi. Chị chạy ra trước sân Phòng PC13, ôm chầm lấy người bạn hàng xóm đi cùng và khoe: "Sau 17 năm, giờ tui có HK rồi. Chiều nay, gia đình tui sẽ tổ chức ăn mừng". Cũng chung niềm vui sắp trở thành "công dân thành phố" nhưng vẫn còn chút ưu tư, đó là trường hợp của bà Huỳnh Thị Chót (ngụ P.2, Q.8). Hai vợ chồng bà đã sinh sống tại TP từ những năm 1978. Bà cho biết, hiện chỉ còn mỗi mình bà được đăng ký HK vì ông đã "đi xa" cách đây một năm. "Ông ấy không còn dịp để tận hưởng niềm hạnh phúc là công dân thành phố như tôi", bà Chót nói trong xúc động. Nhưng không chỉ có mình bà Chót ưu tư vì "niềm vui chưa trọn vẹn". Hớt hơ, hớt hải với tập hồ sơ dày cộm trên tay, anh Phạm Vĩnh Hòa gặp ai cũng hỏi thăm: "Nhà em có hai anh em hà, cha mẹ đi nước ngoài hết rồi. Giờ có cách nào hai anh em nhập chung một HK luôn được không?". Hoàn cảnh của gia đình anh cũng khá trớ trêu, hai anh em được cha mẹ cho một cái nhà để ở lại Việt Nam sinh sống. Nhưng trên giấy tờ tay cha mẹ cho thì chỉ ghi mỗi tên anh Hòa nên theo quy định chỉ có anh và vợ được nhập HK. Tuy thuộc diện được nhập HK nhưng mặt anh vẫn buồn thiu: "Chỉ có mỗi hai anh em, ăn chung, ở chung. Giờ đứa vào được, đứa không. Thằng em tui nó chẳng nói gì, nhưng nhìn nó sao mà buồn quá". Đợt này tuy chưa được nhưng theo những quy định hiện hành thì trường hợp của em anh Hòa xem ra vẫn chưa phải là hết cách.

Trao đổi với chúng tôi chung quanh vấn đề xét nhập HK cho dân, thượng tá Trần Văn Trình - Phó trưởng Công an quận Tân Bình tâm tình: "Dân mừng lắm. Nếu mình trong hoàn cảnh đó cũng vậy thôi. Có người học rất giỏi nhưng do không có HK TP nên không thể vào trường công được. Rồi điện, nước và nhiều thứ khác nữa... Được nhập HK, cái lợi lớn là người dân sẽ yên tâm công tác, yên tâm làm ăn; con cái họ được học hành tốt hơn và người dân cũng sẽ có trách nhiệm hơn với xã hội, cộng đồng; doanh nghiệp cũng mừng hơn vì sử dụng người có HK vẫn thích hơn là người không có HK. Không cho họ nhập, họ ăn ở trong điều kiện tạm bợ thì còn nguy hiểm hơn. Mà dù có không cho thì thực tế họ cũng đã ở đây rồi. Chủ trương của nghị định này, theo tôi là hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ, là người dân VN thì họ được quyền ở bất cứ nơi nào mà họ thấy thuận lợi".

N.T (ghi)

Ghi chép của Nguyên Thủy - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.