Nhập nhèm giá vé công viên

16/09/2011 08:20 GMT+7

Giá một đằng, thu một nẻo, vé gửi xe thành vé vào cổng, người đi tập thể dục vào tự do, người đi chơi thì thu vé… là thực trạng lộn xộn tại công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Có mặt lúc 17 giờ, tại cổng Đại Cồ Việt, công viên Thống Nhất, sau khi đưa xe máy vào bãi, tôi nhận được một vé xe và yêu cầu nộp 7.000 đồng.

Khi tôi hỏi sao vé xe đắt thế, người thu vé hỏi: vào lần đầu à? rồi chị ta giải thích, đó là tiền cho cả vé xe và vé người vào cổng.

Theo quan sát, ở đây không có biển quy định giá vé vào cổng và trông xe, trong khi vé xe máy chính là vé gửi xe đạp, in giá 1.000 đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, mỗi khung giờ, người dân vào cổng bị “làm vé” một giá khác nhau. Với hai người và một xe máy, đôi bạn trẻ tên Nam và Phương cho biết, họ vào lúc 17 giờ từ cổng phía đường Lê Duẩn và phải trả 13.000 đồng, một đôi nam nữ khác cho biết họ vào lúc 18 giờ qua cổng phía đường Đại Cồ Việt với phí 15.000 đồng. Những người được chúng tôi hỏi đều chỉ có một tờ vé gửi xe.

 
Người dân bị “làm vé” tại cổng phía đường Đại Cồ Việt - Ảnh: Thu Hường

Anh Ngọc Điệp, nhân viên công ty FPT thường vào công viên Thống Nhất mỗi dịp cuối tuần, mách nước: “Tôi biết họ thu đắt vài nghìn, nhưng đi với bạn gái nên không muốn thắc mắc, trong bốn cổng thì cổng Đại Cồ Việt thu… vớ vẩn nhất nên đừng có dại mà vào cửa đó”.

Khảo sát bốn cổng chính của công viên Thống Nhất mở ra các đường Nguyễn Đình Chiểu, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn và Đại Cồ Việt, chúng tôi thấy hầu hết những ai mặc quần áo thể thao, đi giày thể dục thì thoải mái vào cổng, thậm chí có người đi thẳng cả xe máy vào phía trong công viên, còn những đôi nam nữ, vợ chồng đi dạo, các nhóm học sinh, sinh viên vào chơi thì phải mất tiền.

Trò chuyện với một người phụ nữ trung niên đi bộ trong công viên, cô cho biết: “Các cô là người làng hay vào, nhân viên quen mặt nên không mất tiền, các cháu nếu đi giày vào tập thể dục sẽ không phải mua vé, nhưng nếu ăn mặc lịch sự, đi guốc tức là vào chơi thì phải trả tiền”.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hán, Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Thống Nhất (đơn vị trực tiếp quản lý công viên Thống Nhất) thẳng thắn cho biết: “Đơn vị rất cảm ơn quý báo đã phản ánh những bất cập đang tồn tại để công ty có thể giám sát chặt chẽ hơn. Chúng tôi sẵn sàng kỷ luật người lao động nếu làm sai quy định khi được phản ảnh có đầy đủ chứng cứ. Trong kinh doanh mục đích của chúng tôi là phải tận thu, chống thất thoát nhưng cũng có những khó khăn trong việc quản lý, không phải lúc nào công ty cũng có thể giám sát hết người lao động”.

Trước các vấn đề Báo Thanh Niên nêu, ông Hán khẳng định: Theo quy định, người vào công viên phải có vé (vé người hoặc vé xe), trên bàn bán vé phải có biển đề giá vé. Trường hợp nhân viên bán vé không chấp hành một trong hai quy định trên là sai.

Cũng theo ông Hán, công viên Thống Nhất cũng đang lúng túng trong việc phân biệt giữa người đi tập thể dục và người đi chơi. Theo đó, những người đi tập thể dục sẽ không mất tiền vé vào cổng mà chỉ mất tiền gửi xe (nếu có). Còn người đi chơi phải trả cả hai khoản trên theo giá Cục thuế niêm yết.

Tuy nhiên, theo ông Hán, nhân viên thu vé cao hơn giá niêm yết một phần do người vào công viên làm cho nhân viên làm sai khi không thắc mắc(!?).

Về giá vé niêm yết, ông Hán cho biết: “Giá vé vào cổng không phân biệt sáng tối, người lớn là 4.000 đồng, trẻ em 2.000 đồng, vé xe máy 2.000 và 3.000 đồng cho ban ngày, ban đêm, tương tự, xe đạp 1.000 và 2.000 đồng… Nếu bị thu sai, khách nên hỏi lại nhân viên bán vé, nếu có đủ chứng cứ chứng minh mình đã bị “làm giá”, người dân có thể báo cho chúng tôi để xử lý người vi phạm”.

Thu Hường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.