Nhập siêu vọt hơn 3,7 tỉ USD

Nguyên Nga
Nguyên Nga
30/08/2021 16:52 GMT+7

Diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến cán cân thương mại tháng 8 tiếp tục thâm hụt.

8 tháng năm 2021, nhập siêu lên đến 3,71 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 13,69 tỉ USD. Tháng 8 cũng là tháng thứ tư liên tiếp Việt Nam ghi nhận nhập siêu. Tính chung 8 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu đạt 212,55 tỉ USD, tăng 21,2%; nhập khẩu đạt 216,26 tỉ USD, tăng 33,8%.
Về tình hình nhập khẩu, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8 kim ngạch nhập khẩu đạt 27,5 tỉ USD, giảm 5,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,65 tỉ USD, giảm 5,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,85 tỉ USD, giảm 5,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 tiếp tục tăng hơn 21%. Tính chung 8 tháng, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu đạt 76,05 tỉ USD, tăng hơn 29%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỉ USD, tăng 36,4%.
Đáng lưu ý, trong 8 tháng, cả nước có 33 mặt hàng nhập khẩu có trị giá trên tỉ đô, tăng thêm 4 mặt hàng so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Trong đó, nhập khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện lên đến 46,2 tỉ USD (chiếm 21,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vị trí thứ 2 là nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 31,2 tỉ USD, tăng 35,5%; điện thoại và linh kiện đạt 12,5 tỉ USD, tăng 42,7%; vải đạt 9,5 tỉ USD, tăng 27,8%; chất dẻo đạt 8,1 tỉ USD, tăng gần 54%; sắt thép đạt 7,8 tỉ USD, tăng 43,5%; kim loại thường khác đạt 5,9 tỉ USD, tăng 57,3%; ô tô đạt 5,7 tỉ USD, tăng 64,2%; sản phẩm chất dẻo đạt 5,3 tỉ USD, tăng 18,3%; sản phẩm hóa chất đạt 5,1 tỉ USD, tăng gần 43%; hóa chất đạt trên 5 tỉ USD, tăng 59,3%.
Theo Tổng cục Thống kê, về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, trong 8 tháng qua, nhóm hàng tư liệu sản xuất nhập khẩu tăng mạnh, ước tính đạt 204,16 tỉ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 94,4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 96,6 tỉ USD, tăng 27,2% và chiếm 44,7% (giảm 2,3 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu đạt 107,56 tỉ USD, tăng 41,6% và chiếm 49,7% (tăng 2,7 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 12,1 tỉ USD, tăng 24% và chiếm 5,6% (giảm 0,4 điểm phần trăm).
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, tất cả thị trường cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu lớn cho Việt Nam đều có kim ngạch nhập khẩu trong 8 tháng tăng mạnh. Dẫn đầu là thị trường Trung Quốc, có kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 47% so cùng kỳ, đạt 72,5 tỉ USD. Thị trường lớn thứ 2 là Hàn Quốc với 34,6 tỉ USD, tăng 20,5%. Thứ 3 là thị trường ASEAN với 28,2 tỉ USD, tăng 47,4%. Thứ 4 là thị trường Nhật Bản với 14,5 tỉ USD, tăng 13,7%. Thứ 5 là thị trường EU với 11 tỉ USD, tăng hơn 17%. Thứ 6 là thị trường Mỹ với 10,4 tỉ USD, tăng 12,3%.
Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô, tăng thêm 3 mặt hàng so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm hơn 63%. Xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỉ USD, tăng gần 13%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỉ USD, tăng 50%; dệt may đạt 21,2 tỉ USD, tăng 9,7%; giày dép đạt 12,6 tỉ USD, tăng 16%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỉ USD, tăng 42%...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.