Các cô gái Nhật Bản sẽ trở thành đội châu Á đầu tiên đăng quang nếu vượt qua cựu vô địch thế giới Mỹ trong trận chung kết World Cup nữ 2011 lúc 1 giờ 45 sáng mai (Bóng đá TV trực tiếp).
Sau khi lật đổ chủ nhà Đức và đè bẹp Thụy Điển, các cô gái đến từ xứ sở hoa anh đào đã đi vào lịch sử của thể thao Nhật Bản khi lần đầu tiên được vào chơi một trận chung kết World Cup. Sau thành tích đó, họ đã được người hâm mộ gọi tên bằng loài hoa Nadeshiko - dùng để ca ngợi vẻ đẹp cao thượng của phụ nữ Nhật Bản, vì đã góp phần an ủi phần nào và hun đúc thêm nghị lực để người dân Nhật Bản đứng lên sau thảm hoạ sóng thần và động đất.
Nhật Bản sẽ lại có niềm vui lớn rạng sáng mai? - Ảnh: AFP |
Trong trận chung kết, dù tuyển Mỹ được đánh giá nhỉnh hơn nhờ bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc tốt hơn, nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng Nhật Bản sẽ lần đầu tiên mang Cúp vô địch về cho châu Á. Bởi họ đang sở hữu một tập thể đầy khát khao và gắn kết. Chuyên gia April Heinrichs - một thành viên của nhóm nghiên cứu kỹ thuật của FIFA và từng là HLV tuyển nữ Mỹ đánh giá: “Mỗi cầu thủ Nhật là những bậc thầy về giữ bóng, điều tiết bóng và có một tinh thần tập thể rất cao. Đa phần họ đều thuận cả 2 chân, di chuyển linh hoạt và chơi ăn ý với nhau khiến hàng thủ đối phương luôn rơi vào rối loạn. Đó là đội Nhật cảm hứng nhất mà tôi từng chứng kiến”. Đáng nói hơn, giống như Barcelona, các cầu thủ đất nước mặt trời mọc đã từng chơi với nhau từ lúc còn đá cho đội trẻ nên rất hiểu ý trong từng pha tấn công.
Lịch sử hiện đang đứng về phía Mỹ với thành tích bất bại trong 22 lần đối đầu với Nhật Bản kể từ năm 1986. 2 lần gặp nhau trước đây trong khuôn khổ World Cup 1991 và 1995, Mỹ đều thắng Nhật Bản 3-0 và 4-0. Ngoài ra, trong quá khứ, Mỹ từng 2 lần lên ngôi vô địch thế giới (năm 1991 và 1999), trong khi thành tích tốt nhất của đại diện châu Á là lọt vào tứ kết World Cup 1995. Sự chênh lệch này đem lại một lợi thế tâm lý lớn cho các cô gái Mỹ bên cạnh việc sở hữu những cầu thủ có thể hình cao lớn hơn hẳn đối phương. Nhưng ở trận bán kết, tuyển Nhật Bản đã thắng Thụy Điển, đội bóng có lối chơi và lực lượng gần giống Mỹ. Trận chung kết còn là “cuộc chiến” giữa đội trưởng Homare Sawa (Nhật Bản - 4 bàn) và tiền đạo Abby Wambach (Mỹ - 3 bàn) cho danh hiệu “Vua phá lưới”.
Nguyên Khoa
Bình luận (0)