Nhật đau đầu vì tình trạng người trẻ chết do làm việc quá sức

Khánh An
Khánh An
26/03/2018 09:49 GMT+7

Một số công ty ở Nhật đang có sáng kiến như buộc nhân viên mặc 'áo xấu hổ', mở nhạc nhằm xua đuổi những người ở lại làm việc muộn.

Các công ty ở Nhật Bản đang tìm mọi cách để nhân viên về sớm sau khi có nhiều trường hợp các nhân viên trẻ chết do làm việc quá sức, theo Business Insider.
Ở Nhật, áp lực công việc nặng đến mức có hẳn một từ để diễn tả về chết do làm việc quá sức là “karoshi”.
Vào năm 2013, phóng viên Đài NHK là Miwa Sado (31 tuổi) tử vong vì trụy tim sau thời gian làm thêm đến 159 giờ mỗi tháng ngoài thời gian chính thức, tương đương làm thêm 5 giờ mỗi ngày.
Một trường hợp khác là nữ nhân viên 24 tuổi của tập đoàn quảng cáo Dentsu tự sát vào năm 2015 sau khi làm việc quá sức.
Theo các chuyên gia, văn hóa làm việc vượt cả sức chịu đựng có nguồn gốc từ thời hậu chiến nhằm phục hồi sự phát triển của nền kinh tế. Thủ tướng Nhật Shigeru Yoshida khi đó chỉ đạo các tập đoàn lớn đảm bảo việc làm cả đời cho công nhân, đổi lấy sự trung thành và tận tụy của họ.
Tình trạng làm việc quá sức vẫn tiếp diễn đến ngày nay và thậm chí một số công ty bị tố chỉ đạo nhân viên khai bớt thời gian làm thêm để né quy định của chính phủ.
Theo một thống kê năm 2016, hơn 20 % trong số 10.000 người được hỏi cho biết họ làm thêm khoảng 80 giờ mỗi tháng.
Trước tình trạng này, một công ty công nghệ thông tin ở Tokyo đã có sáng kiến buộc những nhân viên phải khoác thêm “áo choàng tím xấu hổ” nếu như ở lại công ty muộn. Quy định chỉ áp dụng vào ngày thứ tư của tuần thứ 3 mỗi tháng.
Quy định mới đã giúp giảm một nửa số nhân viên làm việc quá giờ, theo ông Yoshi Komuro, giám đốc một công ty chuyên hỗ trợ đối tác giảm tình trạng nhân viên làm việc quá sức ở Nhật.
Thậm chí một số công ty còn đang hợp tác phát triển thiết bị bay không người lái để lượn quanh văn phòng và mở nhạc để “đuổi” những nhân viên cố ở lại làm việc.
Chính phủ cũng đã cam kết giảm số giờ làm thêm và chi trả nhiều hơn cho những người làm bán thời gian. Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của chính sách do mức phạt các công ty vi phạm là quá nhẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.