Nhật ký 'Gặp gỡ Mùa thu' năm thứ 7: Nhìn những mùa thu đi…

Mùa thu năm nay, một mùa thu của rất nhiều biến động. Ít nhất là với tôi.

Tôi thấy mình như bị vắt kiệt trong lồng quay của đủ thứ chuyện trên đời, chuyện trong nhà, chuyện ngoài ngõ, chuyện người thân, chuyện bao đồng… Mùa thu đến không gõ cửa, tôi và chiếc kịch bản dở dang mặt đối mặt.
Cảm giác cái ngưỡng ở rất gần. Tôi thấy sợi dây sắp đứt.
Tôi cần phải đi thôi.
Tôi chat với Di, cho em vào Gặp gỡ Mùa thu. Ừ, để nghĩ xem em vào dạy được gì, casting nhé? Không, cho em đi học. Anh Hùng về rồi, em cần học lắm. Ừ, thế hứa là sau khi học sẽ tập trung cho xong kịch bản nhé. Vâng.
Book vé máy bay trong day dứt, vì cả bố lẫn mẹ đều nằm kia, mình đi là thảy gánh nặng lên vai thằng em trai. Nhưng thật may mắn lần này lòng như chiếc bình trống rỗng, chẳng nghĩ quá nhiều, sắp xếp xong là lên đường.
Điều này khác hẳn 6 năm qua. Mỗi lần làm gì đều suy đi tính lại, áy náy, ân hận, tự vấn lương tâm và thường là phút cuối… ở nhà! Buông, không làm nữa, để bớt cảm giác tội lỗi rằng sao mình có thể A khi người thân vẫn đang B.
Một ngày 3 ca cho mẹ ăn, hỏi han bố, cố nghĩ rằng bố cũng vẫn nhận ra mình. Rồi lại về nhà, cho con đến trường, đi đi về về 6 lượt trên đường, mỗi lượt 9 cây số. Vị chi 54 cây nếu chạy đúng lộ trình chưa bao gồm chợ búa, trường lớp, quán xá, kiếm sống.
 
“Một cách nào đó, thứ điện ảnh tinh sạch và cao quý (qua những gì anh Hùng truyền đạt) đã được chúng tôi sung sướng “phát hiện ra”. Ban đầu rụt rè, sau có nhiều hăm hở. Ban đầu cầm chưa chắc, cứ hay tuột, hay rơi. Sau bắt đầu biết giữ lại - nhẹ nhàng. Và từ đây, sự chứng nghiệm bắt đầu”
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp
Có một cái gì đó tuột đi, rất nhanh. Nội tạng của tôi có lắm khi như bị kéo hết ra ngoài, còn lại… vẫn là tôi. Nhưng tôi có lúc ở bên ngoài mình và nhìn vào thấy mình như một túi khí có tóc lông và một ít hồng cầu đang chạy nhảy.
Vẫn là tôi xách vali từ sân bay Đà Nẵng về thẳng lớp học mùa thu. Khách sạn đẹp hơn tôi tưởng tượng. Đại bản doanh của Mùa thu năm nay sẽ ở đây, các lớp rải ra ở khắp các không gian. Hội An mát, mềm và rất mịn.
Tôi thấy mình an toàn ở đây, dù chu kỳ xa lánh loài người đang ở những ngày cực điểm.
Nhắn tin cho lớp trưởng, chị đến giữa giờ, em ra mở cửa nhé.
Cửa mở và anh Hùng ở đó, tay cầm cái bút dạ màu xanh, miệng đang ở khẩu hình định thốt ra điều gì đó quan trọng. Mọi thứ như ngừng lại, cả nỗi bối rối của tôi. Vì anh Hùng đã lại gần, ôm một cái đủ chặt và hỏi gì tôi cũng chịu chẳng nhớ ra.
Lớp học đa quốc tịch, anh Hùng giảng bằng tiếng Anh. Thỉnh thoảng mở từ điển để tra nghĩa của một từ nào đó. Bằng một cách nào đó, anh Hùng đã chỉ ra - gọi lên đích xác những điều mà người làm phim thường lờ mờ, lơ mơ, loay hoay trong vòng cảm tính.
Thứ tiếng Anh đơn giản - hiệu quả và nhiều khi rất thú vị mà Trần Anh Hùng sử dụng, ban đầu làm tôi hơi hụt hẫng. Vì tôi vốn biết, tiếng Việt của anh thực sự rất đẹp đẽ và giàu có. Tôi đã kỳ vọng lần này… nhưng rồi sau một ngày học, tôi nhận ra, anh Hùng có diễn tả sự tế vi của điện ảnh theo một cách cực kỳ xuất sắc. Bằng bất cứ ngôn ngữ nào.
Tôi ngồi góc lớp trong vai trò học viên dự thính, xem phim, nghe giảng. Chẳng thảo luận gì nhiều, vì hầu hết những câu hỏi lặp đi lặp lại của anh Hùng: Chúng ta nhìn thấy gì? Chúng ta có thể nói gì? Phân tích đi như một người làm phim ấy, đừng bằng ngôn ngữ phê bình. Nào chúng ta đã thấy gì? Điều đó có nghĩa là gì?
Đáp lại hầu hết là im lặng, tần ngần, rụt rè, bối rối. Câu trả lời nào cũng hoặc không đúng, chưa chính xác, hoặc lại giọng của phê bình.
Hết giờ học là đến giờ ăn, rồi lại vào giờ học. Anh Hùng hay kết thúc buổi sáng hoặc buổi chiều bằng câu: "Thấy chưa? Dễ không? Làm đi chứ".
Có một điều gì đó rất kỳ lạ ở đây, một đằng chúng tôi thấy mình đang khổ sở khi cứ lặng im trước những câu hỏi đều đều. Một đằng, chúng tôi như bị gây nghiện, cứ bám sát từng khắc, hít thở từng miligram hiểu biết, bằng thứ cảm hứng tươi mới - chưa từng có trước kia.
Có điều gì khơi dậy ở bên trong tôi, một thứ khao khát trung thực - thuần khiết - tươi nguyên. Tôi lờ mờ nhớ ra, cách đây 12 năm, tôi đã từng được trải qua cơn chấn động này. Cơn chấn động cũng đến từ Trần Anh Hùng.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Ảnh: BTC

Nhưng tôi không có thời gian và cảm xúc để so sánh hay nhớ về. Tôi bận rộn với mỗi phút trôi qua trong phòng học 701. Mỗi phút đều có một thứ gì xảy đến, vỡ lẽ, nghiền ngẫm và “chứng nghiệm”.
Tôi ở đây, vừa ích kỷ hơn, vừa rộng mở hơn. Tôi không quan tâm nhiều đến xung quanh, đóng lại những ăng ten râu dò sóng thời sự xã hội, không để ý ai đang làm gì xung quanh, tôi chỉ tập trung vào đúng bản thân mình, não trạng của mình. Xem nó phản ứng thế nào - tiếp nhận thế nào những gì anh Hùng mang đến.
Một mặt khác, tôi cũng ở yên đó, không nhúc nhích, xem cho bằng hết, bóc tách cho bằng sạch những phim không thuộc gu mình. Tránh tuyệt đối phán xét. Kỳ lạ thay là… tôi làm được.
Hôm nay xem Dreamers, ngày mai xem Rosetta, ngày kia xem Barry Lyndon, ngày nữa xem New World… chen lẫn vào đó những khoảng dành cho âm nhạc, cho những cuốn phim khác, những trích đoạn từ các bộ phim chúng tôi hoặc đã từng nghiền nát vì mê, hoặc chưa từng nghe nói đến.
Và từng cảnh từng phân đoạn từng trường đoạn, đều được bày lên bàn soạn. Con cá tươi mang tên điện ảnh nằm yên đó, chờ con dao sắc trong tay anh Hùng mổ, moi, lọc xương, tách da, thái lát mỏng tang. Những thớ thịt ngon tuyệt vời. Tôi thấy mình đã nếm điện ảnh, một cách thật sang trọng và tinh vi.
Nhưng không chỉ điện ảnh mới cần đặt lên bàn soạn. Lũ học viên, là những đạo diễn từ khắp nơi đến đây cũng phải tự soạn mình. Tôi như người đã bị nô lệ hóa bởi bột ngọt - chất điều vị lâu năm, nay phải làm sạch lưỡi, họng, dạ dày, để bắt đầu một quá trình nếm lại từ đầu. Khám phá lại từ đầu. Tích lũy lại từ đầu.
Một cách nào đó, thứ điện ảnh tinh sạch và cao quý (qua những gì anh Hùng truyền đạt) đã được chúng tôi sung sướng “phát hiện ra”. Ban đầu rụt rè, sau có nhiều hăm hở. Ban đầu cầm chưa chắc, cứ hay tuột, hay rơi. Sau bắt đầu biết giữ lại - nhẹ nhàng. Và từ đây, sự chứng nghiệm bắt đầu!
Thật khó tin, nhưng tôi cuối cùng nhận ra rằng mình đến Gặp gỡ Mùa thu, không giống các học viên khác là về với nhà của họ. Như trên slogan.
Tôi đến gặp gỡ mùa thu. Để detox.
Bằng phương pháp tinh vi và mẫn tiệp, hoặc mùa thu hoặc thứ điện ảnh thuần khiết mà anh Hùng mang đến 10 tiếng một ngày trong suốt tuần Autumn Meeting, đã khiến cái “túi hồng cầu chạy nhảy vẫn là tôi” kia dần đầy trở lại.
Hôm nay, khi xem The New World của Terrence Malick, tôi biết mình sẽ khóc khi Pocahontas bắt đầu yêu, khi nàng đang hạnh phúc. Biết rõ như là biết rằng, vào lúc ấy, ở hàng ghế trước tôi, anh Hùng cũng sẽ lau nước mắt. Có những thứ 12 năm trôi qua, chẳng hề thay đổi.
10 giờ tối, tôi mặc áo mưa cho bớt lạnh, phóng chiếc honda thuê về căn nhà một người bạn mến thương. Nhà gần biển An Bàng, lớp học thì gần phố cổ. Đường chẳng xa, tôi cũng chẳng nghĩ gì nhiều.
Một vài cảnh phim từ tốn hiện ra. Tôi sẽ phải nhẩm đi nhẩm lại để kịp ghi ra trước khi trí nhớ phản bội mình.
Sáng mai, 8 tiếng điện ảnh thuần khiết đang chờ. Chúng ta đã thấy gì? Chúng ta có thể nói gì? Gần hơn nữa, chính xác hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa. Như thế có nghĩa là gì? Chắc tôi cũng chẳng trả lời được mấy câu.
Nhìn những mùa thu đi, một sự náo nức khiến dạ dày tôi quặn nhẹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.