Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ 7: Tình đồng đội: núi rừng ấm áp

28/09/2005 23:06 GMT+7

1/5/1971 Giữa lưng chừng đèo, chúng tôi gặp một đơn vị nữ thanh niên xung phong đang khẩn trương vá lại một đoạn đường vừa bị bọn địch làm sạt lở. Không ai bảo ai, tất cả đều tự nhìn lại mình, sửa sang tư thế. Có cậu chàng đặt vội balô từ xa, mặc lại quần dài kẻo "khó coi" khi đi qua tốp thanh niên xung phong đó.

Các cô gái ngừng tay xẻng tay cuốc, né tránh sang một bên nhường lối cho chúng tôi đi. Một cô có khuôn mặt tròn, thân hình đẫy đà đứng trên mỏm cao của một bậc đá với tay xuống cho các chiến sĩ bíu vào. Tôi giơ cao tay cho cô ta cầm, rồi lấy đà nhún chân bước mạnh lên bậc cao. Cô ta kéo khá khỏe, giọng đặc miền Trung hỏi tôi:

- Nặng lắm không eng?
- Thường thôi - tôi trả lời - Các o vào đây lâu chưa?
Tôi đi đã quá người con gái vừa kéo tay tôi lên, thành thử câu hỏi đâm ra trống không. Nhưng những cô gái khác đứng phía trên tôi đã lập tức đón câu hỏi đó:
- Chúng em vào đây hai năm rồi!
- Quê các o ở đâu?
- Quảng Bình có. Hà Tĩnh có. Nghệ An có. Cả người khu Ba các eng cũng có!

oOo

Anh em tụ tập nghỉ ngơi trên đỉnh dốc - một phần đất phẳng, quen gọi là "yên ngựa". Leo được tới đó là mừng rồi. Giờ chỉ còn xuống dốc nữa thôi. Một số khỏe hơn, đặt balô xuống, quay lại đón đỡ hộ đồ đạc cho những đồng chí yếu vất vả leo lên. Mưa đổ xuống rào rào. Một cơn giông kéo dài không ngớt hạt. Anh em tháo vội các nắp túi cóc, lấy ni-lông che chùm lên người và balô. Một số tản vào các hốc đá khô ráo mà ẩn nấp. Đất và lá rừng ướt sũng những nước là nước. Lên dốc đá đã khó, xuống dốc cũng khó. Đường ở những quãng đất rất trơn, chân phải bấm chặt, xuống dần từng bước. Đã đi chậm, sợ trượt ngã, nhưng cả khối nặng trên balô thì cứ dồn xuống, nặng trĩu đôi vai, buộc phải đi nhanh. Đi trên những mầm đá tai mèo nham nhở, phải ngồi xổm, nắm lấy từng "tai mèo" mà tuột dần dần xuống. Những khúc đường này, thường là đi rất chậm. Anh em dồn lại đằng sau chờ người đằng trước.

Có anh đứng lâu, mỏi, hỏi giọng sốt ruột:

- Sao mà chậm thế?
Một giọng miền Trung từ xa đáp lại:
- Không mắc chi mà vội. Chỗ ni, đi ẩu, bổ... thì có mà lòi ruột!

Có những đoạn một bên là sườn đá nhỏ cheo leo, một bên là thành vực sâu hoắm. Người qua được trước đứng lại đỡ cho người đi tới. Người đi tới vừa qua lại đỡ cho người sau tới. Cứ thế mà nhích dần, nhích dần. Mưa vẫn rơi đều, không ngớt. Nước mưa hắt rào rào từ trên lá cây đổ xuống. Anh em không còn phân biệt được đâu là mồ hôi, đâu là nước mưa trên trán, trên má mình nữa. Thỉnh thoảng nghe đánh "huỵch", một  anh chàng  nào sơ ý, tuột chân, ngã ngồi cả người lẫn balô, ướt bê ướt bết. Những tiếng cười trêu chọc nổi lên:

- Chỗ ấy tớ đo rồi, không cần cậu đo nữa đâu!
- Ếch to không đấy?
Anh chàng vừa bị ngã, mặt méo xệch vì đau, nhưng không nhịn được, cũng phì cười theo và không quên lời "khủng bố":
- Tớ không phải là người cuối cùng đâu. Rồi còn được cười nữa. Không chừng kẻ cười tớ nhiều là kẻ sẽ ngã đau nhất đấy!

Nền đất ẩm ướt. Nước theo chỗ trũng của sườn núi tuôn thành dòng xối ầm ầm xuống vực sâu. Nhiều anh chàng sợ vắt, thỉnh thoảng lại kêu tướng lên, cuống quýt xát hai bàn chân vào cho con vắt bật ra ngoài. Nhưng những con vắt đói mồi nào có chịu, càng bám chặt hơn. "Kẻ thù gặp phải đầu tiên!" - anh chàng Bảo lè lưỡi lắc đầu nói với tôi vẻ hài hước. Quả vậy, hễ mưa xuống là chúng tôi ngày càng nhiều khó khăn, mà khó khăn bởi những chú vắt đói mồi, rướn cao thân lẩy bẩy đón lấy bàn chân chiến sĩ mà bám lấy cũng đáng kể lắm. Cậu Kha bị vắt cắn ở nách, máu chảy ra loang lổ một vạt áo. Anh em hỏi đùa:

- Bị thương mặt trận nào ra đấy?
Kha chọc ngón tay trỏ lên cao, huơ qua huơ lại mấy vòng, ra vẻ:
- Ở A Sầu, A Lưới đây!

oOo

Trời trở lạnh đột ngột. Mây trắng dâng đầy, che lấp các mỏm núi. Mưa nặng hạt rải rác rồi ngớt dần.

Chúng tôi tới đỉnh đèo "một không không một" lúc trời về chiều. Đơn vị trú đêm bên một con suối lớn. Nước suối sôi réo tung bọt trắng xóa. Ăn được bữa cơm, nắm một vắt cơm để mai ăn đường, mắc vừa xong tăng võng thì mưa lại sập xuống lộp độp trên mái tăng và to dần khiến nước bắn cả dưới đáy võng. Nước tuồn xuống tụ họp thành dòng chảy ra suối. Đất rừng ẩm lạnh. Mưa một lúc lại tạnh, mưa trên Trường Sơn là thế. Chỉ còn nghe tiếng ầm ầm của suối lũ. Những giọt nước tụ dần trên các nhành cây, được một cơn gió lại thi nhau tuột xuống. Con vật gì kêu "chà bóc", "chà bóc" phía xa xa. Tôi ngồi tán chuyện với Bảo, đang say sưa nghe Bảo kể chuyện chăn vịt đồng nước, lỗ lãi ra sao thì Hải từ võng bên mò sang.

- Các anh còn thuốc không?
- Ký ninh à? - Bảo hỏi tinh nghịch.
- Thuốc là thuốc hút cơ!
- Đây. Thuốc lá thì hết, nhưng thuốc lào thì sẵn - Bảo mở túi áo đưa cho Hải một bao nhỏ bằng ni-lông.
Tôi mời Hải ngồi chơi, Hải vui vẻ:
- Em bị phồng rộp mấy ngón chân anh ạ. Em lo ngày mai không biết có đi được nổi không đây.
- Này, đừng có mà bóp mạnh chỗ phồng đấy nhé kẻo nó vỡ - Bảo phổ biến - Lấy kim chỉ xâu qua chỗ phồng nước, cắt để lại đoạn chỉ trong đó, nó sẽ xẹp xuống dần dần.
- Ôi! Đi thật vất vả anh ạ. Từ nhỏ đến giờ đây là lần đầu tiên em cảm thấy mệt quá sức. Mà cũng chẳng còn là "cảm thấy" nữa. Nó thực tế ngay trước mắt. Nhìn các anh đi thoải mái, em thèm được đôi bàn chân như thế quá!...

Tôi hỏi:
- Cậu nhập ngũ lâu chưa?
Hải nhìn tôi rồi lại nhìn sang Bảo:
- Mới đây thôi anh ạ. Lần đầu tiên em đi xa đấy. Hồi ở nhà, chỉ một trận đá bóng nhỏ, chạy chưa được vài vòng trên sân là đã thở dốc rồi. Hai bên mạng sườn đau ê ẩm. Chẳng bù cho hôm nay, sau này về, đá liền cả hai hiệp cũng chả "mùi" gì nữa!

Còn tiếp

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.