Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - Kỳ I: Một cuộc đời huyền thoại và một người lính tài hoa

22/09/2005 23:06 GMT+7

Nhật ký thay cho “di chúc” Ngày 3/2/1968 Kể cũng nhanh, mới đó còn về phép thăm nhà, còn ăn bữa cơm với ba mẹ và các em, còn chụp ảnh, còn ra bến xe Văn Miếu mua vé... Thế mà, lúc này lại là lúc đang chuẩn bị cho đêm mai lên đường đi chiến đấu.

Mình sẽ chiến đấu cho thật tốt, có mất mạng mình thì sẽ cũng phải đổi lấy vài ba mạng Mỹ đã, chẳng có gì đáng sợ lắm. Người ta đánh được, mình cũng đánh được thôi. Quý hồ đừng có mà chết sớm quá, phải khôn, phải cho thật nhanh nhẹn, tháo vát, ít nhất cũng phải được vài ba trận đã chứ. Có lẽ nào mới chỉ trận "đụng độ" đã quy tiên, đã "ngoẻo" rồi!

 

"Cũng như các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm, cuộc đời chiến đấu và hy sinh của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân tiêu biểu cho những thanh niên trí thức Hà Nội đã vì Tổ quốc ngã xuống ở tuổi 20 - độ tuổi đẹp nhất của đời người". Đó là câu mở đầu của nhà thơ Đặng Vương Hưng in ở bản thảo cuốn nhật ký Tài hoa ra trận của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân. Nhật ký này sẽ được ấn hành vào tháng 10.2005 tới đây. Báo Thanh Niên sẽ lần lượt trích một số đoạn tiêu biểu trong nhật ký. Để các bạn tiện theo dõi. Dưới đây, chúng tôi đăng lời giới thiệu của nhà thơ Đặng Vương Hưng:

Hoàng Thượng Lân (tức Lâm) sinh năm 1946 tại Hà Nội. Là một người tài hoa, anh chơi thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ: ghi-ta, sáo, kèn ácmônica... Ngay từ nhỏ, cậu bé Lân đã nhiều lần đoạt giải cuộc thi vẽ tranh quốc tế tại Ấn Độ và Ba Lan. Nguyên là sinh viên của Trường Mỹ thuật Hà Nội (bạn cùng trang lứa với các họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng,...), Lân xung phong vào bộ đội tháng 7.1967, khi vừa tròn 21 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện tại Hòa Bình, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 395, thuộc Sư đoàn 320B và hành quân vào chiến trường miền Nam.

Đầu năm 1968, đơn vị của Lân đã vào đến Vĩnh Linh, sau đó thì sang hẳn với đồng bào Gio Linh - Cam Lộ để bám dân, chống càn và giữ đất. Đó là một địa bàn vô cùng ác liệt. Máy bay địch quần đảo suốt ngày trút bom đạn. Các trận địa pháo của chúng từ các tàu chiến ngoài biển, từ các căn cứ trên đất liền luôn sẵn sàng dội xuống bất cứ lúc nào. Đơn vị của Lân được trang bị chủ yếu là các loại vũ khí hạng nhẹ (các loại súng bộ binh như AK, B40, DKZ...), nên họ phải ngồi trong hầm cát, lăn lê, bò, trườn dưới cái nắng đổ lửa của vùng "gió Lào cát trắng" chống lại với các loại xe tăng, đại bác và máy bay hiện đại của kẻ thù...

Chàng trai Hà Nội tài hoa Hoàng Thượng Lân vốn chỉ quen vẽ tranh, chơi đàn, thổi kèn... đã trực tiếp tham dự hàng chục trận đánh đẫm máu với bọn lính Mỹ - ngụy. Tiêu biểu như trận chống càn ở Đại Độ (Cam Lộ) bên sông Cửa Việt, suốt ngày quần nhau với giặc, cả đơn vị thương vong hết, chỉ còn một mình Lân; anh bị thương, đi lạc đường nhưng tối đến vẫn tự dò đường để trở về hậu cứ... Sau trận đánh này, anh đã được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và Huân chương Chiến công giải phóng. Ba tháng sau, Lân bị thương lần thứ hai trong một trận đánh ở Mai Xá (Gio Linh)... Đầu năm 1970, Hoàng Thượng Lân được ra Bắc an dưỡng. Tiếp đó, anh được đi học Trường Bồi dưỡng văn hóa thuộc Bộ Tư lệnh Công binh để thi vào Đại học Kiến trúc. Cũng thời kỳ này, những trang nhật ký với tựa đề Viết dưới chiến hào của anh đã được một số báo như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tiền Phong... giới thiệu, trích đăng và gây được tiếng vang.

Hồi đó, các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Lữ Huy Nguyên... đều đánh giá rất cao các tập nhật ký của Hoàng Thượng Lân. Sau khi đọc các trang ghi chép của anh, họ đều xúc động và có một nhận xét chung: Đó là những trang viết xương máu của cuộc đời người chiến sĩ. Điều đáng quý và hiếm hoi là ít người ra trận lại viết nhật ký được lâu bền, trong một hoàn cảnh khắc nghiệt và gian nan đến thế!

Chính vì vậy, khi biết tin Hoàng Thượng Lân không có ý định thi vào Đại học Kiến trúc nữa (vì mặc cảm ngón cái tay phải bị mất), nhà thơ Xuân Miễn và nhà báo Dân Hồng đã đề nghị anh về Tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân làm biên tập cho trang Văn hóa - văn nghệ. Thế nhưng Hoàng Thượng Lân đã có một quyết định khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và không ai ngăn cản nổi: Xin được lại vào chiến trường B! Vậy là, tháng 4.1971, một lần nữa Hoàng Thượng Lân vượt Trường Sơn vào chiến trường!

(...) Tháng 10.1971, trong một lần vượt sông Xê Băng Hiên đi làm nhiệm vụ, Hoàng Thượng Lân mang theo tập bản thảo mới viết định gửi ra Hà Nội, nhưng khi anh còn đang bơi giữa dòng, thì một loạt bom B52 dữ dội của kẻ thù đã trút xuống... Mộ của anh được đồng đội đặt trên một quả đồi cao, gần binh trạm, sau đó được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Khi biên soạn cuốn sách này, chúng tôi thống nhất giữ nguyên tắc: tôn trọng tối đa bản thảo gốc (bản chép tay của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân). 

Đây chính là những trang viết máu thịt còn lại của cuộc đời anh - những trang viết bằng cả trái tim yêu thương, trong trẻo, nồng nàn của một trong muôn vàn người lính bình dị đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đọc mỗi trang sách này, ta luôn có cảm giác ấm nóng như có lửa - ngọn lửa yêu nước và khát vọng hòa bình còn cháy mãi, sáng mãi cho muôn đời sau...

Hà Nội, tháng 10/2005

 Đ.V.H

Đêm ngủ, mình với H. nằm tâm sự, dặn dò nhau. Mình dặn nó:

- Nhỡ tao có việc gì rồi thì mày cứ tìm về nhà tao mà báo lại ở H4 Nguyễn Công Trứ, chắc mày chưa quên địa chỉ ấy chứ?
Nó cũng dặn mình:
- Nhớ tên cô Lạng ở 106 Hàng Buồm nhé!
H. khá lắm, người bé tí xíu thế mà dai phong ra phết. Hành quân từ ngoài vào đây, chưa hề bị một trận ốm đau nào cả. Hắn có đức tính tốt, tự tin ở mình, luôn lạc quan yêu đời và rất thân, rất thông cảm với mình.

Ngày 22/4/1968

...Ba ạ, ba có nhớ những cốc bia hơi con vẫn mua về ? Một ổ khóa hỏng hóc, những kiểu tủ, bàn ghế mới lạ, những tờ giấy di chuyển và quyết định ?... Con muốn nói nhiều, nhưng không thể diễn tả được. Đầu óc rối bời. Máy bay vừa làm xoạch một loạt bom "tọa độ" gần đây - chắc ở Vĩnh Long. Nó bay rất cao, không nghe thấy tiếng động, chỉ bất thình lình nghe thấy tiếng bom rơi vút xuống và nổ liên tục - có thể là bom phá, có thể là bom bi. Đơn vị con, mới đây, một đồng chí đã mất một chân vì bom "tọa độ". Hai người khác cáng đồng chí đó đến bệnh viện, dọc đường lại gặp bom, mảng văng đến cướp mất một miếng thịt ở cổ họng đồng chí đi cáng phía trước. Thật may là nó chưa ăn sâu vào cuống họng!

Hậu cứ, nơi nghỉ ngơi an toàn của chúng con là như vậy đấy! Huống hồ khi ở chiến trường? Ba có thể hình dung được không?

Chúng con sắp vào trận nữa rồi. Chỉ chừng nửa tháng nữa thôi. Mỗi người chuẩn bị ba ngày lương khô (gạo rang). Xuất phát từ 16 giờ chiều nay, sáng mai đã có thể ở bên kia bờ Nam rồi. Đêm qua đò Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn hay Cửa Tùng; sáng ngủ ở Cát Sơn, Thụy Bạn hay Cánh Gian; cái đó không cần thiết và quan trọng lắm nữa. Đâu cũng là bom, cũng là đạn. Một bãi cát trắng trải dài, từ xa phải nhìn kỹ lắm mới thấy được những chiếc hầm làm theo kiểu Triều Tiên, được ngụy trang khéo léo. Cây cối tiêu điều xác xơ, một cây to, lá còn xanh tốt, sống đàng hoàng bên cạnh một hố bom, âu cũng là nhờ sự may mắn! Chỉ có trong những chiếc hầm kia, sự sống mới thấy rõ rệt nhất: Bộ đội ngủ, ngáy khò khò mệt mỏi; bộ đội nấu cơm, vắt từng nắm để mang theo, chiều hành quân vào trận địa; bộ đội lau súng đạn, lách ta lánh tách với những "khóa nòng", "thoi", "ốp che tay"... Đêm qua hành quân, tránh pháo câu đến không biết bao nhiêu lần, ngã sấp ngã ngửa, cát dính vào súng nhiều quá!

Ba mẹ ạ! Con còn nhớ, cũng như trên cách đây gần ba tháng, con cũng mệt mỏi sau một đêm hành quân dài vượt sông, ngái ngủ (nhưng không thể ngủ được), lo lắng nhìn khẩu súng đầy cát và nước, rỉ bám vàng khè. Khẩu trung liên độc nhất của tiểu đội bắn không nổ. Lò xo đã quá yếu, quân khí không kiểm tra kỹ lưỡng, con đã khổ sở vác khẩu súng "bù nhìn" đó vào công sự chiến đấu. Rồi trận đánh đầu tiên của đời con đã xảy ra, con dùng khẩu súng trường, máu me còn dính bê bết ở quai và báng súng của một đồng chí đã hy sinh trong trận chiến đấu ngày hôm trước.

Ba mẹ ạ. Thú thật, ngày đầu con đã hoảng sợ một cách ghê gớm khi thấy đồng chí Du nằm chết, đầu óc vỡ toang. Mới hôm nào, khi hành quân qua đất Hà Tĩnh, trên đò sông La, anh ấy nói: "Tao chấm cho đất Hà Tĩnh của mày được 10 điểm!". Thế mà bây giờ anh ấy đã chết rồi đấy! Đồng chí Thám cũng vậy, 8 giờ sáng anh ấy chết nhưng cách 2 giờ trước đó, con còn gọi anh ấy bò sang hầm cùng hút chung điếu thuốc lá!

Nông trường Cửu Long - Hòa Bình, đi vào đây có 10 người, mới một tháng chiến đấu đã hy sinh mất 5 người (Quang, Xuân, Thơ, Trọng, Huệ), còn bị thương Lâm và Chiêu, xây xát nhẹ là Ri, duy nhất có anh Thiện không hề bị gì cả.

Cái chết đến nhanh và bất ngờ vô cùng, không làm sao mà có thể biết nó sẽ đến lúc nào cả. Ở đây, những ngày căng thẳng nhất, con đã viết nhật ký vào một tập pôluya gấp nhỏ. Con muốn kể lại những gì con đã thấy, những cảm nghĩ và lòng quyết tâm chiến đấu của con đến hơi thở cuối cùng. Cũng là bản “di chúc” dặn dò, nếu nhỡ con có hy sinh, người ta sẽ gửi ra cho ba mẹ. Con mang đi theo hai chiếc ảnh, một cái chụp ba, con và em Ly, một cái chụp ba, con và em Phượng (cái này đã mất ở trong Nam) để xem cho đỡ nhớ. Lúc nào con cũng giở áo ra xem và mỗi lần như vậy, ruột gan bị cồn cào quá chừng. Những lúc chờ địch lên, ngồi trong công sự, con nhìn ảnh và thầm gọi tên từng người, trong bầu không gian tĩnh mịch, cái xú khí nặng mùi chết chóc, con thường tự hỏi và tưởng tượng ra: lúc này, ba đang làm gì? mẹ đang làm gì? các em đang làm gì?...

Có những đêm trăng, đứng gác, pháo sáng địch lơ lửng xa xa, sóng biển vỗ ầm ầm, con chim biển lạc lõng kêu trong một bụi dương nào đó, lòng con như thắt lại, con nhớ nhà vô cùng !

Con muốn nói sang chuyện khác, kẻo con không muốn nghĩ đến những điều trên kia nữa. Rời khu xóm 9, xóm 8 này sau 9 ngày chốt cứ, cầm cự với địch giữ đất, chúng con chuyển vào vùng Cam Lộ. Địch đóng trên đồn, dân ở dưới đồn (khu tập trung) và ở cả đất nhà mình. Chúng con trà trộn vào với dân. Đêm ngủ với họ, ngày tản ra vị trí chiến đấu.

(Xem tiếp kỳ sau)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.