Nhật ký tiếp viên trưởng chuyến bay Guinea Xích đạo: 'Thật thương lắm những đồng bào xa xứ'

30/07/2020 10:55 GMT+7

Tiếp viên Phạm Xuân Trường, người từng tham gia các chuyến bay chở công dân Việt từ Đức, Hà Lan, Pháp về nước trong đợt dịch Covid-19 trước, cũng là 1 trong 125 tiếp viên xung phong tham gia chuyến bay đặc biệt tới Guinea Xích đạo .

Những cảm xúc khó quên trên chuyến bay "có 1 không 2" đưa người lao động Việt về nước, với 129 hành khách dương tính Covid-19 có lẽ sẽ đi theo anh Trường và phi hành đoàn suốt sự nghiệp.
Thanh Niên xin trân trọng gửi nhật ký hành trình được tiếp viên Phạm Xuân Trường ghi vội trong hành trình hơn 30 tiếng bay thẳng Hà Nội - Bata - Hà Nội.
"Máy bay Airbus A350 chở theo phi hành đoàn và đội ngũ y, bác sĩ cùng nhiều trang thiết bị y tế đáp xuống sân bay BATA - Ginê Xích Đạo lúc 13 giờ 30 giờ địa phương, 1 sân bay nhỏ với cơ sở hạ tầng nghèo nàn.
Nơi đây có hơn 200 công nhân Việt Nam đã ngóng chờ từng phút chiếc máy bay màu xanh có lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên bầu trời Ghi-nê, họ thở phào nhẹ nhõm, vẫy tay chào từ xa với nét mặt vui tươi và tràn đầy hy vọng như cố quên đi những mệt mỏi, những triệu chứng của căn bệnh Covid-19 như sốt, ho, khó thở đang siết lấy họ trong những ngày qua.
Những đồng hương của chúng ta được tập trung từ rất sớm tại 1 hanga, nơi đó họ chỉ đứng, khi mệt quá lại ngồi bệt xuống đất. Nơi tập trung cho hành khách không 1 ghế ngồi, không quạt mát, không nước uống. Thật thương lắm những đồng bào xa xứ nơi đất khách quê người.
Cửa máy bay mở, công việc được kết nối giữa phi hành đoàn và mặt đất. Hơn 200 bộ đồ bảo hộ chuyển đến cho hành khách. Hơn 90 tấn dầu được bơm cho máy bay, đây thực sự là công việc khó khăn của 1 sân bay địa phương với chỉ duy nhất 1 xe bồn dung tích 16 tấn. Vậy là thời gian chờ đợi khoảng 6 tiếng đồng hồ cho việc tiếp nhiên liệu.
Trong hanga xa xa, hành khách đã mặc đồ bảo hộ, mắt luôn hướng về chiếc máy bay màu xanh, hết đứng rồi ngồi xuống đất và chờ đợi giờ phút được ra máy bay. Thỉnh thoảng tiếp viên chúng tôi lại mang lá cờ Việt Nam ra cửa máy bay vẫy chào để họ yên tâm, tạo thêm động lực ở nơi đây tình người Việt luôn bên mọi người.
Trời nhá nhem tối và cơn mưa cũng nặng hạt thêm, lúc này hành khách mới được thông báo ra máy bay, từng tốp 5 người giãn cách, vừa đi vừa chạy dưới cơn mưa và quãng đường khoảng 200 m, thật nhanh chóng tạm biệt đất nước châu Phi, nhanh để về quê hương, về với gia đình, nơi đó người thân, bạn bè đang ngóng chờ, những cái bắt tay, những cái ôm hôn thật chặt và những giọt nước mắt chực chờ.
Bước chân lên máy bay là một không khí ấm cúng, các tiếp viên chào đón và hướng dẫn thân thiện, nhạc và hình ảnh boarding trên các màn hình về đất nước con người Việt Nam càng gần gũi hơn, cảm giác như đã được về nhà rồi đấy.
Hành khách của chúng ta rất đoàn kết và trật tự. Thực hiện tốt các hướng dẫn của tiếp viên về chỗ ngồi, đồ ăn thức uống, sử dụng phòng vệ sinh, cách ly từng khoang khách và cách phòng chống dịch bệnh.
19 giờ 30, máy bay cất cánh hướng về thủ đô Hà Nội. Một hành trình dài 13 tiếng giờ bay cũng là một hành trình khó khăn đang chờ phi hành đoàn và y, bác sĩ.
Khoảng 1 giờ sau khi cất cánh, những tín hiệu từ khoang hành khách dương tính SOS đưa lên cần sự trợ giúp của bác sĩ. Một bệnh nhân sốt cao, rồi 2 -3 người, và cứ thế số, bệnh nhân cần trợ giúp tăng lên, thêm 1 bệnh nhân tiêu chảy, lại thêm 1 bệnh nhân khó thở....
Cứ thế, sự liên lạc Ding Dong giữa các khoang vang lên, 2 anh điều dưỡng viên đi lên, đi xuống. Phía trên, bác sĩ nắm tình hình bệnh nhân và đưa ra y lệnh, các tiếp viên chung tay hỗ trợ. Với chuyên môn nghiệp vụ cùng kinh nghiệm và sự phối hợp ăn ý. Chúng ta đã giải quyết mọi vấn đề khó khăn nhất.
Đúng 15 giờ địa phương, máy bay VN06 đã hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài. Cả máy bay chúng tôi làm thủ tục di chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, cơ sở 2, thực hiện 14 ngày cách ly theo quy định.

Chuyến bay đón hơn 120 người Việt nhiễm Covid-19 từ Guinea Xích đạo đã về Nội Bài

Chúc cho các hành khách của chuyến bay VN06 nhanh về cùng với gia đình, các bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh.
Dịch bệnh Covid-19 còn ở phía trước, nguy hiểm, phức tạp, khó lường. Chúng tôi lại sẵn sàng lên đường góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào cho xã hội.

Tiếp viên Phạm Xuân Trường

Ảnh L.T

Máy bay đón người lao động Việt từ sân bay Bata đêm 28.7

Ảnh L.T

Người lao động từ Guinea Xích đạo tập trung trong hanga tại sân bay Bata

Ảnh NVCC

Phi hành đoàn trước giờ lên đường sang Bata (Guinea Xích đạo)

Ảnh L.T

Phạm Xuân Trường
− Năm sinh: 1975
− Năm vào VNA: 2003
− Chức vụ: Tiếp viên trưởng
− Đã tham gia các chuyến bay giải cứu: Đức, Hà Lan, Pháp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.