Nhật ký World Cup 2018: Nửa đêm xuôi xuống Samara

08/07/2018 11:31 GMT+7

Tôi đang đứng giữa sân ga Nizhny Novgorod, chợt xuất hiện hai gã ngoại quốc tóc đen, mập ú: “À, anh đây rồi, đi theo chúng tôi, để tôi xách hành lý cho”.

Tan trận đấu giữa Pháp và Uruguay, tôi theo dòng người hâm mộ từ sân Nizhny Novgorod đổ về nhà ga xe lửa. Tôi đã kiểm tra nhiều ngày trước nhưng không có hy vọng đặt được vé tàu vào thời điểm này, dù nước chủ nhà luôn tăng cường 1 - 2 chuyến tàu miễn phí cho mỗi trận đấu để phục vụ khán giả. Vài chục ngàn người dồn tụ lại một thành phố rồi sau đó cùng rời đi khiến nhu cầu đi lại tăng vọt. Đặc biệt tại các thành phố nhỏ gần Moscow như Nizhny Novgorod thì người ta ghé qua xem bóng đá xong rồi lại đi, ít người lưu trú qua đêm nên áp lực dồn lên các chuyến tàu càng lớn.
Cổng đăng ký vé miễn phí đối với tàu tăng cường của Ban tổ chức World Cup báo cạn vé từ hai tháng trước; các chuyến tàu thường kỳ cũng vậy, hầu như không có cơ hội đặt được chỗ ngồi hoặc nằm vào thời điểm trước hoặc sau trận đấu. Ngoài đường sắt, vẫn còn một số lựa chọn khác, chẳng hạn xe khách đường dài hoặc xe cỡ nhỏ chạy giữa các thành phố lớn thông qua dịch vụ đặt chỗ Blablacar. Blablacar là dịch vụ tương tự Uber nhưng dành cho các cự ly dài, các tài xế sở hữu xe 5 - 9 chỗ thường đăng ký tài khoản ở đây để người sử dụng dịch vụ kết nối tới. Tôi từng sử dụng một vài lần và thấy rất tiện, đặc biệt là việc đặt qua mạng nhưng không phải trả tiền trước và có thể trao đổi trực tiếp với tài xế trước khi chốt hành trình.
Hôm xem xong trận Pháp - Uruguay ở Nizhny Novgorod, tôi vào Blablacar và kết nối được một anh tài xế có biệt danh là Cuban. Đến lúc gặp thì hóa ra lại là một người Kyrgyzstan nhập cư lái chiếc xe Toyota Alphard 7 chỗ. Từ đầu giải tới giờ, tôi đã nhiều lần sử dụng dịch vụ Blablacar để đi lại giữa các thành phố cách nhau dưới 1.000 km và hầu như chỉ gặp tài xế là dân nhập cư từ khu vực Trung Á hoặc Kavkaz (Caucasus), những người thường được gọi là dân “đầu đen” với sắc thái hơi phân biệt. Họ đến từ Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan và có khi cả Armenia, Azerbaijan, Georgia nữa. Nước Nga đối với khu vực Trung Á và Kavkaz, ở một góc độ nào đó cũng như nước Mỹ đối với Mexico và khu vực Trung Mỹ vậy. Đó là một thị trường việc làm khổng lồ. Người ta tìm mọi cách để tới đây và làm đủ nghề, từ đầu bếp, nhân viên siêu thị và đặc biệt là nghề tự do như những người lái xe đứng trước mặt tôi đây.
Chỉ cần sở hữu một chiếc xe, có giấy phép lái xe được Nga công nhận và một số giấy phép khác là có thể chạy tà tà kiếm tiền gửi về quê nuôi vợ con, cha mẹ. Và bởi đây là dịch vụ “tự do” nên mỗi anh ra giá một kiểu, nhiều khi còn ngẫu hứng sang xe giữa đường tùy ý. Hôm trước tôi đi từ Kazan lên Moscow cùng 3 cổ động viên Argentina đang buồn rã rượi sau khi thua trận, anh tài xế Talantbek người Kyrgyzstan lấy tôi 1.500 ruble (khoảng 570.000 đồng) nhưng lại lấy mấy người kia mỗi người 2.000 ruble.
Kiểu làm ăn đầy mánh lới của họ khiến dân Nga và một số sắc dân khác khá “ớn”. Nhưng dù có chuyện này chuyện kia đôi khi khiến hành khách khó chịu như vậy, phải thừa nhận một điểm cộng là mấy gã này chạy xe khá nhanh, rất đúng giờ và đón trả đúng địa điểm. Có lẽ nhờ thế, cộng với các tiện ích trực tuyến và sự quá tải của đường sắt, rất nhiều cổ động viên bóng đá đã chọn những bác tài nhập cư để đi lại giữa các điểm thi đấu. Ngồi xe cỡ nhỏ hơi mệt, nhưng lại tiện là muốn dừng lại lúc nào cũng được, xe lại chạy nhanh, đúng giờ nên dễ dàng lên kế hoạch làm việc, tham quan, xem bóng đá.
Hôm đi từ Nizhny Novgorod xuống Samara để xem trận tứ kết giữa Anh và Thụy Điển, tôi đi cùng 3 người Nga và 2 anh chàng Israel. “Tụi tôi đã đặt được vé tàu từ Nizhny Novgorod xuống Samara, nhưng giờ đến quá sát, chỉ 60 phút trước khi bóng lăn, trong khi tụi tôi lại chưa nhận FAN ID. Thế nên, tụi tôi bỏ vé tàu để đi xe cho chủ động”, anh bạn đồng hành Yagil Bensimon đến từ Tel Aviv chia sẻ. Giá vé là 3.000 ruble cho hành trình gần 700 km, kéo dài 11 tiếng, từ nửa đêm cho tới trưa ngày hôm sau, dù giá liệt kê mà anh tài xế Cuban này đưa lên trang Blablacar.ru chỉ là 1.350 ruble.
Cùng đi theo lộ trình này có rất nhiều người hâm mộ các nước mà tôi dễ dàng nhận ra qua thẻ FAN ID của họ những lần xe tạt vô các quán dọc đường. Đôi lúc chúng tôi ngẫu hứng, kêu bác tài dừng lại giữa một cánh đồng mênh mông đầy hoa bồ công anh vàng rực để hít thở khí trời, chụp hình và vươn vai, duỗi chân cho thoải mái rồi đi tiếp. Đến tầm trưa thì thành phố Samara bên bờ sông Volga hiện ra trước mặt. Còn quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho trận cầu vào buổi chiều.
Tôi tranh thủ dạo ven bờ sông, nơi người ta lập những bãi tắm kiểu như bãi biển rất đẹp. Có nhiều cổ động viên Anh và Thụy Điển đang tắm nắng, đang vui chơi ở đấy. Tôi trò chuyện với người này người kia, trước khi đến sân Samara Arena để xem cuộc thư hùng. Một chuyến đi vất vả, nhưng được biết thêm nhiều vùng quê ven sông Volga êm đềm. Đấy cũng là một trải nghiệm thú vị trong mùa World Cup.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.