Nhật thúc G7 phản đối Trung Quốc gây nguy hiểm trên biển

08/06/2015 08:22 GMT+7

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ kêu gọi lãnh đạo các nước G7 lên tiếng phản đối tình trạng Trung Quốc thay đổi hiện trạng trên biển bằng vũ lực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ kêu gọi lãnh đạo các nước G7 lên tiếng phản đối tình trạng Trung Quốc thay đổi hiện trạng trên biển bằng vũ lực.

Các lãnh đạo G7 và EU dự hội nghị ở Đức ngày 7.6 - Ảnh: AFPCác lãnh đạo G7 và EU dự hội nghị ở Đức ngày 7.6 - Ảnh: AFP
Ngày 7.6, Hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu tại khách sạn Schloss Elmau, phía nam thành phố Munich (Đức), với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ý cùng các chủ tịch Hội đồng châu Ấu và Ủy ban châu Âu.
Theo Kyodo News, tại hội nghị 2 ngày này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc dùng vũ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Dự kiến, G7 sẽ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế “phô diễn cơ bắp”, tránh làm căng thẳng thêm leo thang và phải hành xử theo luật pháp quốc tế.
Trong cuộc gặp song phương bên lề hội nghị, Thủ tướng Abe và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã chia sẻ quan ngại về các dự án bồi đắp quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, Kyodo News dẫn lời một quan chức Nhật tiết lộ.
Trong bài xã luận mới đây, tờ Yomiuri Shimbun cho rằng cần phải loan báo rộng rãi những động thái đơn phương của Trung Quốc trên biển để gia tăng áp lực của cộng đồng quốc tế yêu cầu nước này hành xử theo khuôn phép. Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn Kyodo News, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Dennis Blair nhận định: “Các nước ở Biển Đông và những quốc gia khác có lợi ích ở khu vực cần phối hợp trên cơ sở đa phương và đương đầu với Trung Quốc một cách thống nhất”.
Phát biểu trước các nhà báo quốc tế ngày 4.6, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng chất lượng hội nhập của các thành viên ASEAN khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập phụ thuộc vào việc các quốc gia nỗ lực giải quyết những vấn đề nổi cộm trong khu vực, bao gồm tranh chấp ở Biển Đông, theo tờ Today. Ông Lý nhấn mạnh: “Vấn đề Biển Đông chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới 4 quốc gia ASEAN, nhưng tác động gián tiếp tới toàn bộ ASEAN vì đó là vấn đề an ninh giữa Đông Nam Á”. Ông khẳng định ASEAN muốn hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Nga bị chĩa mũi dùi
Ngày 7.6, trước khi Hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi “mạnh dạn đương đầu với sự hung hăng của Nga ở Ukraine”. AFP dẫn lời ông Obama khẳng định một trong những chủ đề chính tại hội nghị là về Nga và cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Thủ tướng Anh David Cameron tiếp lời bằng tuyên bố châu Âu phải thống nhất trong việc duy trì các lệnh trừng phạt đối với Nga và yêu cầu các nước G7 gửi thông điệp cứng rắn tới Nga về vấn đề Ukraine.
Cùng ngày, Nhà Trắng ra thông cáo nói Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga vẫn duy trì cho đến khi thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine được thực hiện đầy đủ. Nga chưa có phản ứng về các tuyên bố trên.
Trong khi đó, trước ngày hội nghị bắt đầu, ít nhất 3.000 người xuống đường biểu tình tại Munich, mang theo một số khẩu hiệu chống G7 và ủng hộ Nga. Đã xảy ra một số vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát khiến khoảng 30 người bị thương nhẹ, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.