Nhếch nhác giao thông Sài Gòn: Doanh nghiệp “chết” trên đường vận chuyển

27/06/2009 22:53 GMT+7

Cơ sở hạ tầng giao thông ở TP.HCM, đặc biệt là những tuyến đường nối liền cảng với các khu công nghiệp, khu chế xuất và trung tâm thành phố, đi các tỉnh lân cận ngày càng tệ hại. Doanh nghiệp đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại từ thực trạng yếu kém này.

Doanh nghiệp nào cũng dính

Thiệt hại về tài chính do tình trạng giao thông tệ hại gây ra cho các doanh nghiệp (DN) ngày càng trầm trọng. Ông Phạm Trung, Phó TGĐ Tôn Hoa Sen, tính toán: Một tàu chở 10.000 tấn nguyên liệu thép cập cảng, công ty phải cần 25 xe tải để vận chuyển thép về kho ở Bình Dương. Bình thường, chuyến xe chở hàng đầu tiên sẽ là chuyến xe cuối cùng theo lịch quay vòng. Nhưng với đường sá như hiện nay, mọi kế hoạch đều bị đảo lộn khi xe chạy rất chậm và quay vòng không kịp. Tàu cập cảng đến ngày phải rời bến, do đó công ty phải bỏ hàng xuống kho của cảng để chờ xe đến lấy và chịu phí. Trong trường hợp không kịp lấy hàng trực tiếp xuống xe, DN sẽ tốn khoản kinh phí phát sinh tối thiểu 200 triệu đồng. 

"Tăng trưởng xuất khẩu của TP.HCM trong nhiều năm qua lên đến 20 - 25%, rõ ràng nhu cầu vận chuyển ở khu vực này là rất lớn. Thế nhưng nhiều tuyến đường dành cho xe container lại đang bị thu hẹp. Một số tuyến đường huyết mạch như đường Xuyên Á thường xuyên bị tắc nghẽn. Các doanh nghiệp than với tôi rằng họ mất nhiều đơn hàng vì đường sá ở TP.HCM"
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam

Hằng tháng, Holcim Việt Nam phải nhập một lượng rất lớn nguyên liệu sản xuất xi măng, vì thế nguy cơ rủi ro do đường sá gây ra cũng rất cao. Ông Thương, phụ trách logistics (hậu cần, vận chuyển) của công ty này, cho biết chuyện đóng tiền phạt do dỡ hàng chậm trễ là rất thường xuyên. Không giải tỏa hàng đúng thời gian hợp đồng với tàu, công ty phải đóng phạt 5.000 - 6.000 USD/ngày cho chủ tàu. "Tình trạng kẹt xe ở khu vực Cát Lái diễn ra liên tục, khiến các đại lý ngán đến nhận hàng ở nhà máy Cát Lái, và có nguy cơ chuyển sang lấy hàng của nhà máy khác", ông Thương nói.

Đối với các DN xuất khẩu, thiệt hại do kẹt xe, trễ giờ chuyển hàng lên tàu còn lớn hơn nhiều. Ông Trần Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty Sadaco, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) bức xúc: "Đó là chuyện bình thường, DN nào cũng dính. Cảnh hàng ngàn xe container kẹt cứng trên nhiều tuyến đường ra vào cảng diễn ra thường xuyên. Ở ngã tư Gò Dưa, cạnh chợ đầu mối, 5 - 7 năm nay tình trạng kẹt container ngay cầu vẫn không giải quyết được. Có tiền xây cây cầu, nhưng đường nối lên cầu lại chưa xong". Ông Mạnh cho rằng, để đảm bảo an toàn, DN phải chuyển container đến cảng sớm hơn dự tính nhiều giờ, thậm chí từ ngày hôm trước, chấp nhận chi phí cao hơn.

Hiện nay, do điều kiện cầu đường ra vào cảng không thuận tiện, các đại lý vận chuyển hàng hóa đường bộ thường từ chối ký kết hợp đồng bó buộc về mặt thời gian vận chuyển, để tránh các chi phí phát sinh. Ông Nguyễn Văn Hoàng, PGĐ Công ty CP may Đồng Tiến, cho biết từ nhà máy ở Đồng Nai ra cảng Cát Lái mất khoảng 1 - 1,5 giờ, nhưng khó tính toán được thời gian vì thường xuyên kẹt xe đoạn Cát Lái. "Chỉ cần trễ một lát thôi khi tàu đã đóng máng, container hàng rớt lại và buộc phải kéo về để đi bằng máy bay cho đúng thời gian quy định của đối tác. Một container 20 feet, nếu đi tàu mất 1.100 USD, nhưng đi máy bay sẽ tốn 32.000 USD. Khoản tiền dôi ra đó công ty phải trả", ông Hoàng rầu rĩ.

Nhà đầu tư cảnh báo: Mất cơ hội    

Giám đốc Nhà máy Công ty Far Eastern Việt Nam, ông Roger Lo, cho biết trước đây, việc vận chuyển hàng hóa ra cảng gặp nhiều trở ngại do đường sá kẹt liên miên. Nhưng gần đây "nạn" này đã được "thông" vì đã có hải quan của KCN Việt Nam - Singapore (Bình Dương), nơi công ty đặt trụ sở, lo thủ tục. Khó khăn chưa dừng ở đó, ông Roger Lo kể: "Công ty mẹ ở Đài Loan thường giới thiệu khách hàng qua Việt Nam tìm kiếm đối tác, tìm kiếm đơn hàng. Nhưng trong một ngày, đáng lý ra khách hàng sẽ làm việc với 4 công ty, thì hiện nay chỉ có thể đi được 2 vì mất quá nhiều thời gian ngồi trên xe. Rõ ràng DN Việt Nam đang mất cơ hội".

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài ví tình trạng giao thông ngày càng tệ hại hiện nay đang là nút thắt cổ chai đối với hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. TP.HCM dù đã có sự đầu tư khá lớn của Chính phủ từ nguồn vốn ngân sách và vốn ODA nhưng hiện vẫn còn nhiều bất cập và chậm trễ trong phát triển các công trình hạ tầng quan trọng, đặc biệt là công trình giao thông kết nối các cảng biển chiến lược với các khu công nghiệp và thành phố.

Cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém ở TP.HCM và các tỉnh lân cận khiến nhiều nhà đầu tư đành lựa chọn cách chuyển ra phía Bắc làm ăn. Bà Đặng Thị Hoàng Phượng, TGĐ Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI) - cho biết: Giá cho thuê KCN ở khu vực phía Bắc đang cao hơn trong Nam, ngược lại so với trước đây. Lý do là cơ sở hạ tầng ở phía Bắc phát triển tốt hơn.

Ông Thomas Siebert, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), cảnh báo: Những thiếu thốn về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là điện năng, cảng biển và cầu đường, sẽ đe dọa dòng vốn FDI hiện tại và tương lai đầu tư vào xuất khẩu và công nghiệp. Sự tham gia của tư nhân vào phát triển, huy động vốn và quản lý các công trình hạ tầng cơ sở là cần thiết để giải quyết tình trạng này. 

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.