Nhếch nhác giao thông Sài Gòn: Xe buýt nhiều, chất lượng kém

28/06/2009 22:59 GMT+7

TP.HCM đang sở hữu một đoàn xe buýt hùng hậu, nhưng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân. Đó là hậu quả của sự đầu tư vội vã về số lượng, song lại bỏ ngỏ chất lượng.

Gia tăng "nóng"

Số lượng xe buýt ở TP.HCM bắt đầu gia tăng "nóng" từ năm 2003 với dự án mua 1.318 xe buýt do Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi. Và khi những xe buýt này còn chưa kịp có tuyến để chạy, Sở Giao thông - Công chính (nay là Sở GTVT) lại tiếp tục mua thêm 200 xe buýt đưa rước HS-SV và công nhân, cũng trong năm 2003. Đến năm 2004, Sở đầu tư thêm 200 xe buýt đưa rước HS-SV. Ngoài ra, số xe ngoài dự án do các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và HTX đầu tư cũng lên đến hơn 1.500 chiếc.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng xe buýt lớn và vừa tại TP tăng từ 390 lên 2.170 xe, chưa kể 1.050 xe loại dưới 25 ghế. Sự gia tăng này, theo nhiều chuyên gia giao thông, như một con ngựa bất kham. Trong khi TP vào thời điểm đó (và ngay cả hiện nay) vẫn chưa có một quy hoạch bài bản về phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng. Điều này dẫn đến mạng lưới luồng tuyến xe buýt được bố trí thiếu khoa học, chồng chéo và nhiều bất tiện cho hành khách.

Một đề án nghiên cứu của Đại học Bách khoa TP năm 2007 cho thấy, mức độ trùng lắp luồng tuyến xe buýt lên đến 65,5%, quá cao so với con số chấp nhận được khoảng 30%. Thực tế hiện nay cũng chứng minh mức độ trùng lắp luồng tuyến xe buýt rất cao, chẳng hạn: các đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám có từ 5 - 6 tuyến xe buýt chạy qua; đường Nguyễn Thị Minh Khai, xa lộ Hà Nội có 8 tuyến; dày đặc nhất là khu vực vòng xoay Hàng Xanh có đến 15 tuyến... Sự trùng lắp này kéo theo hàng loạt hệ quả: tranh giành khách, kẹt xe, lãng phí trợ giá...

Chất lượng đi xuống

Cùng với sự gia tăng số đầu xe và luồng tuyến, tổng trợ giá từ ngân sách TP cho xe buýt cũng tăng vọt từ 40 tỉ đồng năm 2002 lên 610 tỉ đồng năm 2008. Việc trợ giá này là để duy trì giá vé xe buýt ở mức 3.000 - 4.000 đồng/lượt như hiện nay. Tuy nhiên, dù có giá rẻ hơn bất kỳ loại hình di chuyển nào, xe buýt vẫn bị phần đông người dân từ chối, chủ yếu vì lý do chất lượng.

TS Nguyễn Thị Bích Hằng (Đại học GTVT, cơ sở 2), khi đi thu thập những lời phàn nàn của hành khách về xe buýt, đã thống kê: gần 33% khách không hài lòng vì xe buýt chạy không đúng biểu đồ giờ, chậm trễ, để khách phải chờ đợi lâu; 29% hành khách đánh giá các chuyến đi quá chật chội và ngột ngạt mùi xăng; 6% nhận xét xe xấu, bẩn; 18% khách đi vé tháng thấy mình bị phân biệt đối xử và 11% cảm thấy lo ngại bị móc túi, lừa đảo khi đi xe buýt.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cũng đưa ra những con số cho thấy mức độ hài lòng về chất lượng dịch vụ xe buýt đã sụt giảm đáng kể so với những năm trước, khi có 25,7% ý kiến phản ánh máy lạnh trên xe buýt thỉnh thoảng mới mở hoặc không mở; 58% xe chạy nhanh và ẩu; 44,6% xe không dừng hẳn để đón trả khách...

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP, cho rằng trong một vài năm tới, vấn đề chất lượng dịch vụ xe buýt sẽ còn đáng lo hơn nữa, vì hiện nay phần nhiều xe buýt đầu tư cách đây 6 - 7 năm đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. Trong khi đó, hiện nay do mức khoán trợ giá không hợp lý nên các xã viên phải "ăn" vào khấu hao, do đó sẽ khó có chi phí để đầu tư phương tiện mới khi số xe này hết niên hạn vào khoảng năm 2013 - 2014. 

Là bộ mặt của xe buýt, nhưng hiện nay thái độ của nhiều tiếp viên, tài xế cứ như đuổi khách, tạo cho người dân cái nhìn thiếu thiện cảm về xe buýt.

Hành khách Nguyễn Thị Lệ Chi kể: "Tôi đi xe buýt từ KTX ĐH Quốc gia TP.HCM về Bến xe Miền Tây thường chứng kiến cảnh tiếp viên mặt nặng mày nhẹ và có những lời nói khó nghe với hành khách. Một phụ nữ trạc tuổi 40, hình như mới từ dưới quê lên, một tay xách giỏ, tay kia xách một can dầu khoảng 20 lít, bước lên xe. Khi biết người phụ nữ muốn tới Bến Thành, cô tiếp viên liền quát: "Bà dở hơi à! Xe này không đi Bến Thành, bộ bà không biết đọc chữ hả? Xuống nhanh lên, mất thời gian!". Xe đi tiếp một đoạn thì có tiếng một hành khách kêu lên: "Cô ơi, cho tôi xuống chỗ này". Chưa kịp dứt lời, tiếp viên đã quát ầm lên: "Bộ bà đang đi taxi à! Xe chưa tới trạm mà bà xuống cái gì? Đang mệt mà gặp toàn đồ dở hơi!". Thái độ thô lỗ của tiếp viên làm cho không khí trên xe trở nên ngột ngạt".

Trong khi Sở GTVT, các doanh nghiệp ra sức hô hào "Nào ta cùng buýt" thì chính những câu nói, thái độ cộc cằn của tài xế, tiếp viên lại gây tác dụng ngược, đẩy người dân khỏi xe buýt.

 Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.