Nhiễm liên cầu lợn vì bán thịt heo bệnh: Tự cứu mình trước nạn thực phẩm bẩn

11/06/2016 09:31 GMT+7

Thông tin Nhiễm liên cầu lợn vì bán thịt heo bệnh trên Thanh Niên ra ngày 10.6 đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Đừng chủ quan
Vi rút, vi khuẩn gây bệnh chẳng chừa một ai. Vì vậy, khi tiếp xúc với heo có nguy cơ nhiễm bệnh thì ai cũng phải cẩn thận. Bệnh liên cầu lợn có thể lây qua đường hô hấp, tiếp xúc nên người bán thịt, người giết thịt hay ăn thịt nhiễm bệnh đều có nguy cơ như nhau. Hiện có rất ít người bán thịt heo trang bị găng tay, khẩu trang, tạp dề khi đứng bán. Chỉ có ở siêu thị, các cửa hàng chuyên bán thịt heo mới được trang bị đầy đủ như vậy. Qua thông tin này, người bán thịt nên cảnh giác, biết cách bảo vệ mình để không lây bệnh từ heo.
Nguyễn Danh Khôi
(Q.Bình Tân, TP.HCM)
Cách phòng bệnh
Để tránh bị nhiễm liên cầu lợn thì phải chủ động phòng ngừa. Xin nhắc lại lời khuyên của các chuyên gia rằng, người nuôi heo cần vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch sau khi tiếp xúc với heo hoặc sau khi chế biến thịt heo. Tuyệt đối không ăn thịt khi chưa nấu chín. Những trường hợp tiếp xúc với heo, ăn thịt heo nấu chưa chín hoặc các món tươi sống chế biến từ heo nếu gặp phải các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, nôn ói, mê man, kích động... cần đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trần Thị Nhã Phương
(TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
Trông chờ vào... lương tâm
Có nhiều cái chết do nhiễm liên cầu lợn. Người bị nhiễm do ăn tiết canh, ăn thịt heo bị bệnh tai xanh, ăn huyết heo... Nghe mà sợ! Làm thế nào để phân biệt, để biết được đó là heo bệnh hay không? Ngoài ăn chín thì quả thật tôi chẳng biết cách nào nhận biết. Giờ chỉ trông chờ vào lương tâm, trách nhiệm với cộng đồng của người chăn nuôi, giết mổ hay người bán thịt. Chỉ họ mới biết thịt heo có bệnh hay không.
Trần Thị Gia Định
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Cẩn thận với tiết canh
Các bác sĩ đã có rất nhiều khuyến cáo về việc ăn tiết canh. Trong tiết canh tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy, tả lỵ, liên cầu lợn... nhưng nguy hiểm nhất là bệnh liên cầu lợn. Tuy vậy, nhiều người vẫn thích ăn tiết canh. Nếu chắc rằng tiết canh đó làm từ heo khỏe mạnh, khâu lấy tiết, chế biến bảo đảm sạch sẽ thì không nói gì, đằng này nhiều hàng quán nhìn rất bẩn nhưng nhiều người vẫn vô tư ăn. Tôi thật không dám nghĩ đến hậu quả của việc chỉ cần một con heo bệnh thì không biết bao nhiêu người bị nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ăn tiết canh. Vì thế, trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, mỗi người hãy tự cứu mình bằng ý thức ăn uống vệ sinh, sau đó là giữ vệ sinh cho cộng đồng.
Đào Minh Bằng
(TP.Vinh, Nghệ An)
Phan Hoài Phương
Có người ăn tiết canh dê nhưng lại nhiễm bệnh liên cầu lợn. Nói thế để thấy khâu vệ sinh trong ăn uống của ta rất có vấn đề. Có khi dê, lợn làm chung một lò mổ hoặc trộn tiết lợn, tiết dê vào nhau... Tốt nhất hãy là người ăn uống cẩn thận và có hiểu biết. Ăn chín, uống sôi, hợp vệ sinh.
Phan Hoài Phương
(Q.4, TP.HCM)
Nguyễn Thị Thùy Dung
Bệnh liên cầu lợn khá nguy hiểm, tốn kém trong điều trị và để lại nhiều di chứng sau khi khỏi bệnh. Vì vậy tốt nhất đừng chủ quan. Nên luôn trong tư thế chủ động phòng tránh bệnh, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với heo như chủ trại chăn nuôi, nhân viên giết mổ, nhân viên thú y, bác sĩ thú y, người bán thịt và cả người tiêu dùng.
Nguyễn Thị Thùy Dung
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.