Nhiếp ảnh Việt Nam - nhiều câu hỏi chưa được giải đáp

27/09/2013 03:00 GMT+7

Nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp là tên một tham luận tại hội thảo Lý luận - phê bình nhiếp ảnh đương đại do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức hôm qua 26.9, cũng là câu hỏi của nhiều người đối với nền nhiếp ảnh Việt Nam đương đại.

Nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp là tên một tham luận tại hội thảo Lý luận - phê bình nhiếp ảnh đương đại do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức hôm qua 26.9, cũng là câu hỏi của nhiều người đối với nền nhiếp ảnh Việt Nam đương đại. 

 Nhiếp ảnh Việt Nam - nhiều câu hỏi chưa được giải đáp
Thắp sáng ước mơ - Ảnh: Ngô Thanh Minh - Giải B xuất sắc quốc gia 2012

Thi ảnh thường để lại tranh cãi

Ông Xuân Liễu, một nhà nhiếp ảnh lão thành đặt vấn đề: “Nhiều khi tôi thấy bối rối trước những câu hỏi: Ảnh nghệ thuật là gì, ảnh nghệ thuật có phải là đỉnh cao, là hạt nhân của toàn bộ nền nhiếp ảnh hay chỉ là một thú chơi thuần túy như chim, hoa, cây, cá?”.

Theo ông Xuân Liễu, các cuộc thi ảnh thường để lại tranh cãi hơn các cuộc thi của hội chuyên ngành khác, nguyên nhân vì từ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam đến các hội ảnh địa phương, chưa có sự xác định đâu là ảnh nghệ thuật, đâu là ảnh thể loại khác. Thậm chí thế nào là ảnh nghệ thuật, thế nào là ảnh ý tưởng, đâu là ảnh kỷ niệm, đâu là ảnh báo chí cũng chưa có định nghĩa, dẫn đến sự đánh giá theo cảm tính, thiếu rõ ràng. Để minh họa, ông Xuân Liễu kể về việc làm giám khảo cuộc thi ảnh tư liệu về biên giới, biển, đảo năm 2012: một bức ảnh rất đúng chủ đề, chụp thủ tướng 2 nước VN - Campuchia nắm tay nhau đứng bên một cột mốc nhưng không được triển lãm vì một số giám khảo cho rằng ảnh này không... nghệ thuật.

 

Chúng ta thường nói về tính định hướng trong sáng tác nhiếp ảnh, nhưng quan điểm chung là nghệ sĩ thì được tự do sáng tác. Vậy hai khái niệm đầy mâu thuẫn này sẽ được giải quyết thế nào về mặt khoa học đối với người chụp ảnh?

Nhà phê bình Vũ Huyến - nguyên Phó chủ tịch Hội NSNA VN

Cũng liên quan đến việc thẩm định, ông Vũ Huyến trong tham luận Nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp kể trên nói về bộ ảnh Đánh bắt cá ngừ đại dương của một phóng viên dự Giải báo chí 2013 của Hội Nhà báo Việt Nam: ảnh chụp công phu tận Trường Sa, góc đẹp, nhưng cuối cùng lại không được giải cao vì một số giám khảo cho rằng việc cầm sào nhọn đâm vào con cá ngừ là... không nhân văn.

Theo ông Vũ Huyến, trong nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều thứ không rạch ròi: “Ai chụp ảnh thì cũng vừa là phóng viên, vừa là nghệ sĩ. Hội NSNA Việt Nam là một hội nghệ thuật, nhưng lại sẵn sàng bảo trợ các cuộc thi ảnh về... an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, thậm chí còn có quyền đề nghị các ảnh báo chí vào một số giải thưởng quan trọng cấp nhà nước”.

Ông Huyến cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta thường nói về tính định hướng trong sáng tác nhiếp ảnh, nhưng quan điểm chung là nghệ sĩ thì được tự do sáng tác. Vậy hai khái niệm đầy mâu thuẫn này sẽ được giải quyết thế nào về mặt khoa học đối với người chụp ảnh?”. Đây cũng là câu hỏi chưa được trả lời.

Ngay cả trong lời đề dẫn của NSNA Đặng Đình An, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, đơn vị tổ chức hội thảo cũng chưa có lời giải thích và việc nêu ra chỉ là để khơi gợi: “Thế nào là ảnh nghệ thuật? Câu hỏi muôn thuở được đưa ra trong nhiều hội nghị và hội thảo. Ấy vậy mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Càng khó hơn khi những tranh luận liên quan giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật không bao giờ chấm dứt. Rồi thế nào là ảnh chân dung? Cuộc tranh luận về khái niệm này bắt đầu từ khi Hội NSNA Việt Nam tổ chức thi ảnh chân dung năm 2010, đến bây giờ chưa ai lý giải, và có cần tiếp tục bàn luận cho ra ngô ra khoai nữa hay không, chúng ta vẫn đang chờ câu trả lời”, ông An nói. 

Ảo tưởng là nghệ sĩ lớn

Một trong những vấn đề “nóng” nhất của nhiếp ảnh Việt Nam cũng được ông Đặng Đình An đề cập: “Trong khi các cuộc thi ảnh liên tục diễn ra năm này qua tháng khác, thì sự phàn nàn về ban giám khảo cũng diễn ra tưởng như chẳng bao giờ chấm dứt và ngày càng bức xúc. Nguyên nhân chính từ đâu?”.

NSNA Cao Minh đặt vấn đề: “Liệu chúng ta có đang mắc bệnh ảo tưởng hay không? Ảo tưởng đó là chúng ta tưởng mình đang có một nền nhiếp ảnh lớn với những người cầm máy vững vàng, có trình độ, có tác phẩm tung hoành khắp thế giới. Qua một số thành công, nhiều người chụp ảnh đang ảo tưởng mình là nghệ sĩ lớn”. Trong khi nhà phê bình nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường thì nhận định: “Theo tôi, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam, cả về nghệ sĩ sáng tác, người thẩm định, lẫn người làm phê bình lý luận đều yếu. Yếu cả về kiến thức, cả về kỹ thuật lẫn kinh nghiệm sống. Thế nên mới có chuyện chấm giải cao cho những bức ảnh chụp sai sự thật, sai thực tế mà dư luận đã phê phán nhiều trong thời gian qua. Những người chụp ảnh và phê bình nhiếp ảnh Việt Nam nói chung chưa được đào tạo căn bản. Riêng các nhà phê bình lý luận nhiếp ảnh thì chưa ai được học về lý luận phê bình nhiếp ảnh. Bản thân tôi là một nhà phê bình lý luận được phong cũng chỉ bắt đầu từ việc tự nghiên cứu, dù tôi đã học nhiếp ảnh ở Đức, một số nhà phê bình như Vũ Huyến, Vũ Khánh, Chu Chí Thành, Vũ Đức Tân... cũng vậy”.

Lưu Quang Phổ

>> Đại hội Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN: Bất ngờ đến phút chót!
>> Kịch tính Đại hội Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN
>> Đại hội lần thứ 7 Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam
>> Ông Vũ Huyến, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: Tiền đầu tư sáng tác phải trở về với nhân dân !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.