Đức Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa (Ấn Độ) nở nụ cười hiền khi một đệ tử Kim Cương thừa giới thiệu về bức tranh đá sau lưng ngài. Bức tranh đá thể hiện hình ảnh đức Phật Liên Hoa Sinh. Ngài là một hóa thân chuyển thế của chính đức Phật ấy. Tuy nhiên, theo nhà tu hành sinh năm 1981, ông thường không nghĩ đến điều đó vì nó có thể khiến ông biếng nhác hơn trong việc thực hành Phật pháp. Độc giả VN đã từng biết đến ông qua những giáo pháp và chia sẻ của ông đã được dịch sang tiếng Việt: Nghệ thuật sống an lạc, Tam thừa Phật giáo và Truyền thừa Tinh túy, Thực hành Bản tôn - Chân ngôn - Trí tuệ trong Kim Cương thừa (NXB Tôn giáo, 2011) và Nghệ thuật Mật giáo (NXB Mỹ thuật, 2010).
|
Trong cuộc gặp gỡ với phóng viên tại Hà Nội, cách trả lời của ông cho thấy dường như không phải lần đầu có người muốn hỏi về việc tu tập của một hóa thân chuyển thế. Ông dẫn câu chuyện của một hóa thân chuyển thế khác, người đã dạy đệ tử rằng anh là đệ tử tồi nếu nhìn tôi như một vị bồ tát. “Những gì có được là do thành tựu của Phật pháp và cố gắng ở nơi tôi chứ không phải do cái gì có sẵn ở nơi tôi. Tôi có nhiều thiện nghiệp đặc biệt nhờ những gì thầy tôi - đức Pháp vương truyền dạy”, đức Nhiếp chính vương nói.
|
Những trao đổi của ông do đó cũng dựa trên tinh thần khuyến khích cá nhân tự cố gắng, tự chiêm nghiệm để tìm thấy Phật tính trong mình. “Đúng là Kim Cương thừa - Mật thừa mang theo một bí mật rất lớn. Bí mật đó không phải từ bên ngoài, ai đấy che giấu chúng ta. Bí mật đó là chân lý chúng ta cũng chính là Phật. Thông điệp đó trở nên bí mật vì chúng ta không tự nhận ra được, không nhìn thấy được”, vị thượng sư nói.
Nhưng việc khởi Phật tính theo truyền thống Mật tông đó lại được ông thực hiện một cách rất “hiện đại”. Còn nhớ, chính dòng tu này đã sớm chấp nhận nữ tu sĩ mà ngày nay xã hội vẫn nhìn nhận là bình đẳng giới. “Sống để yêu thương” là phong trào thiện hạnh quy mô quốc tế do đức Pháp vương - thượng sư của Nhiếp chính vương khởi xướng. Vì thế, trong câu chuyện của mình, đức Nhiếp chính vương nói nhiều đến những vấn nạn của xã hội như chạy theo vật chất, lấy những ngôi sao giải trí làm thần tượng, lãng quên sức mạnh gia đình truyền thống.
“Chiếc xe hơi là một phương tiện hiện đại, nhưng nó cũng tạo điều kiện thúc đẩy bản ngã. Từ chuyện chiếc xe có thể thành vấn đề thương hiệu nào, hoặc quần áo có thời trang hay không, có đẹp hơn anh ấy cô ấy hay không. Xã hội hiện đại khiến bản ngã đó tăng trưởng. Cái tâm tự nhiên của chúng ta thúc đẩy những xúc tình tiêu cực như ham muốn, ghen tị, cáu giận... phát triển”, ngài nói.
“Hạnh phúc không đến từ người khác mà đến từ chính mình là cách nghĩ hết sức vị kỷ, không quan tâm đến người khác. Việc muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm ban đầu có thể đem lại cảm giác tự do”, Nhiếp chính vương nói từ tốn. “Nhưng sau đó, theo thời gian, bạn sẽ hiểu nếu ta không quan tâm đến ai thì cũng không ai quan tâm đến mình. Tiếp theo đó sẽ là những cảm giác tiêu cực: cô đơn, buồn chán, hậm hực, không biết phải làm sao. Thực hành Phật pháp giúp nhận ra rằng khi ta sẻ chia hạnh phúc với mọi người thì ta sẽ hạnh phúc hơn nữa”.
“Thế giới khởi sinh từ mối nhân duyên phụ thuộc. Ngay cả người nghĩ mình đã có gia đình tốt, một gia tài, tôi không phụ thuộc ai nữa thì đó cũng chỉ là ảo tưởng”, ngài nói.
Trong chuyến viếng thăm chính thức tại Việt Nam từ 9-26.4, ngài sẽ chủ trì các Pháp hội cầu nguyện quốc thái dân an và quán đỉnh cộng đồng tại các chùa lớn ở Hà Nội (chùa Trung Hậu), Phú Thọ (chùa Hoàng Long), Vĩnh Phúc (chùa Bảo Sơn, chùa Hà Tiên, chùa Vân Sơn, chùa Tây Thiên Phù Nghì, Tây Thiên Thiền tự, Đại Bảo tháp Tây Thiên), Đà Nẵng (chùa Nam Hải, chùa Phổ Quang). Ở TP.HCM là chùa Từ Quang, chùa Vĩnh Nghiêm, Quan m Tu viện. Ngày 12.4, tại Đại Bảo tháp Tây Thiên, Vĩnh Phúc, ngài cử hành đại lễ quán đỉnh Changwa cầu siêu độ chư hương linh anh hùng chiến sĩ, đồng bào tử nạn. |
Trinh Nguyễn
>> Lễ tưởng niệm Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông
>> Tìm thấy bức tranh của Raphael bị Đức phát xít ăn cướp
Bình luận (0)