Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ ra sao khi 'PVC tan nát, chỉ còn danh nghĩa’?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
23/07/2019 15:17 GMT+7

Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh cho rằng, PVC tan nát, gần như chỉ còn trên danh nghĩa, nên tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tất cả đều do PVN làm thay, từ con người, tiền vốn, điều hành…

Ngày 23.7, Bộ Công thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đã làm việc với PVN để tìm cách tháo gỡ các tồn tại của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, đây là dự án trọng điểm quốc gia, Thủ tướng đã chỉ đạo cần có những đánh giá, sớm tháo gỡ khó khăn, báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị để có hướng đảm bảo hiệu quả, thành công cho dự án, và cân đối cung cầu điện quốc gia.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN, cho biết dự án đang gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là do trong quá trình làm, tổng thầu EPC là Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC) có nhiều sai phạm hình sự, bị khởi tố, bắt bớ. Vì thế các tổ chức tài chính cắt tín dụng, dự án không thể vay được nữa.
“Đến giờ, thực sự là PVC tan nát vì dính rất nhiều dự án khác, bắt bớ liên tục không còn người để mà làm. Nhưng nếu Nhiệt điện Thái Bình 2 thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn, bởi ai sẽ làm?”, ông Thanh nêu vấn đề, đồng thời cho biết thêm: “Bản chất hiện nay, Tập đoàn PVN đang làm thay, trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn… PVN đã lên kế hoạch triển khai tiếp khi có tiền”, ông Thanh nói.
Ông Đinh Văn Sơn, Thành viên HĐTV PVN, thông tin thêm hiện nay tiến độ chung dự án đã đạt 84%. Nhiều phần việc như thiết kế đã đạt 99%; mua sắm thiết bị đạt 95%,... song tỷ lệ nhỏ còn lại khó khăn hơn nhiều.
Theo ông Sơn, hiện nay điều PVN mong mỏi nhất và đã kiến nghị các cấp là cho phép tập đoàn được sử dụng vốn chủ sở hữu để ứng cho PVC khoảng 2.500 tỉ đồng, nhằm có tiền thanh toán cho thầu phụ, thiết bị,… để hướng đến mục tiêu năm 2020 ít nhất có 1 tổ máy (600 MW) vận hành.
Ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Nếu không có quyết sách sớm thì dự án đóng cửa sớm. Nếu được cho cơ chế thì PVN sẽ xoay xở, có thể cơ cấu tài chính để bỏ tiền vốn tự có, hoặc đi vay của bên khác để bỏ vốn, vì đây là yếu tố quyết định thời điểm này”.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư (khoảng 32.000 tỉ đồng đã chi).
Cùng với đó, ông Tuấn Anh cũng nhận định Nhiệt điện Thái Bình 2 còn nhiều việc phải làm, bao gồm việc rà soát, khẳng định lại các phương án kỹ thuật tương ứng với cơ cấu vốn đầu tư thay đổi; kế hoạch, giải pháp nhằm đảm bảo năng lực của PVN.
“PVN cũng cần chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác... khi đề xuất được thông qua. PVN phải có phương án ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu khi nhà máy chạy thử và đi vào vận hành. Đồng thời, cơ cấu kiện toàn lại PVC, trách những hệ luỵ từ các dự án khác, ràng buộc trách nhiệm của PVC với nguồn vốn tăng thêm”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói, và đề nghị các bộ có ý kiến để Bộ Công thương tổng hợp trình Thủ tướng, thường trực Chính phủ, dựa trên các đề xuất của PVN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.