Nhiều đại biểu Quốc hội không ủng hộ nghỉ lễ vào ngày 27.7

Vũ Hân
Vũ Hân
20/05/2019 18:05 GMT+7

Đề xuất chọn ngày 27.7 là ngày nghỉ lễ “để làm tốt hơn công tác tri ân” chưa được đông đảo các đại biểu Quốc hội tán thành, với lý do ngày nghỉ không phải để làm tốt hơn công tác tri ân.

Nghỉ tết trùng vào cuối tuần sẽ không được nghỉ bù?

Tại dự thảo mới nhất dự án bộ luật Lao động, Chính phủ đang tính đến những thay đổi về các ngày nghỉ trong năm.
Cụ thể, theo tờ trình được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội thừa ủy quyền Chính phủ trình, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán của Việt Nam đang được cho là quá dài so với một số quốc gia trong khu vực, như: Trung Quốc (7 ngày), Hàn Quốc (3 ngày), Singapore và Malaysia (2 ngày), Brunei và Thái Lan và Philippines (1 ngày).
Điều này làm gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu; hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết dài.
Để có cách thức nghỉ tết mới, “bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả”, Chính phủ đề xuất 2 phương án sửa đổi: phương án 1 là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Nguyên đán, nếu ngày nghỉ trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù. Phương án 2 là giữ như hiện hành.
Tuy nhiên, qua quá trình thảo luận, lấy ý kiến và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án giữ nguyên.

Nghỉ lễ để làm tốt hơn công tác tri ân?

Ngoài việc điều chỉnh kỳ nghỉ tết, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cũng đề xuất bổ sung ngày 27.7 làm ngày nghỉ lễ “để người lao động có thêm một ngày nghỉ để làm những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với đất nước”.
Ý kiến đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ này được cơ quan chủ trì soạn thảo cho là phù hợp vì một số lý do: từ 1947, ngày này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ.
“Liên tục hơn 70 năm qua, thực tế là cứ vào ngày 27.7 hằng năm, từ T.Ư đến địa phương, các cấp, các ngành đều dành thời gian để tổ chức các hoạt động thiết thực và tình nghĩa để tri ân các anh hùng, liệt sĩ; động viên, thăm hỏi, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công trên cả nước. Ngày 27.7 hằng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam”, tờ trình nêu rõ.
Thêm vào đó, Bộ này cũng cho rằng việc lựa chọn ngày 27.7 tương đồng với phong tục, tập quán chọn ngày nghỉ lễ của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đơn cử Canada, Pháp chọn ngày 11.11 hằng năm để tưởng niệm tất cả những người hy sinh vì tổ quốc; Mỹ chọn ngày thứ hai cuối cùng của tháng 5 là ngày tưởng niệm liệt sĩ; Nga chọn ngày 9.5 là ngày nghỉ lễ mừng Chiến thắng phát xít Đức, trong lễ mừng có tưởng nhớ đến những người hy sinh; Hàn Quốc, từ năm 1956 chọn ngày 6.6 là ngày tưởng niệm những người lính Hàn Quốc đã hy sinh; Indonesia chọn ngày 10.11 là ngày anh hùng…
10 ngày nghỉ lễ, tết trong 1 năm của người lao động Việt Nam hiện nay cũng được cho là ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực (Campuchia 28 ngày, Brunei 15 ngày, Indonesia 16 ngày; Malaysia 12 ngày, Myanmar 14 ngày, Philippines là 12 ngày, Singapore là 11 ngày, Thái lan là 16 ngày).
“Chọn ngày 27.7 là ngày nghỉ lễ để có thời gian làm tốt hơn nữa công tác tri ân (có thể gọi là Ngày tri ân) những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam và đẩy mạnh hành động giáo dục thế hệ trẻ kế tục truyền thống cha anh dựng xây đất nước”, theo tờ trình của cơ quan soạn thảo.
Việc này cũng nhằm điều chỉnh lại các ngày nghỉ lễ trong năm cho hợp lý, bởi hiện đa số các ngày nghỉ lễ nằm ở khoảng 6 tháng đầu năm dương lịch, khoảng thời gian 4 tháng từ ngày Quốc tế lao động (1.5) đến ngày Quốc khánh (2.9) hiện đang không có một ngày nghỉ lễ nào.
Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật, cho rằng một số ý kiến ủng hộ bổ sung thêm ngày lễ; nhưng “đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn thời điểm nghỉ lễ để thực sự mang lại lợi ích nghỉ ngơi cho người lao động, vừa không làm thay đổi ý nghĩa thiêng liêng của ngày 27.7”.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này.
Tại phiên thẩm tra sơ bộ, đa số các đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình với lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra (dù đồng tình nên có thêm ngày nghỉ).
“Không nên đặt ra ngày 27.7 là ngày nghỉ vì đó là ngày tri ân liệt sĩ, người có công rồi. Nghỉ là không đi làm, không đi làm thì không biết có đi thắp hương tri ân hay không hay nghỉ ở nhà?”, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đặt câu hỏi và đề nghị giữ nguyên như cũ.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận). Ông Cương cho rằng, việc ngay trong dự thảo đặt ra thêm 1 ngày nghỉ nhưng lại đề xuất không cho nghỉ bù nếu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán lịch vướng vào cuối tuần là mâu thuẫn. Theo ông Cương, nếu đưa ra việc cắt nghỉ bù sẽ có phản ứng của người lao động và nó cũng không tuân theo nguyên tắc chung.
“Dự thảo đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ ý là để làm tốt hơn nữa công tác tri ân? Đã là ngày nghỉ lễ là để nghỉ ngơi, đây lại đề xuất để làm tốt hơn công tác tri ân là không thuận với nhau”, theo ông Cương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.