Nhiều đô thị lớn 'chìm' trong sương mù đến tết

19/01/2018 05:13 GMT+7

Trong những ngày qua, nhiều đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ... chìm trong sương mù.

Tình trạng này sẽ lặp lại và có thể kéo dài đến Tết Nguyên đán.
Những ngày cuối tuần trước, đầu tuần này TP.HCM không khí đầy sương, nắng nhẹ. Trên đỉnh các tòa nhà cao tầng, hay khi phóng tầm mắt ra xa mọi người đều thấy một màu trắng đục, không chỉ buổi sáng mà nó kéo dài đến trưa, thậm chí chiều tối. Đặc biệt trong 2 ngày gần đây, người dân có cảm giác màn sương như thấp hẳn xuống, quấn lấy cả người đi đường. Thậm chí nhiều người còn ngửi được cả mùi cháy, khét lẫn trong không khí. Tình trạng sương mù ở các tỉnh phía bắc, đặc biệt là TP.Hà Nội, còn nghiêm trọng hơn.
Tăng 5 - 10 lần số ngày có sương mù
Theo chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, đây là hiện tượng sương mù hỗn hợp. Nó là sự kết hợp chủ yếu của sương mù bức xạ và sương mù bình lưu. Hiện tượng này phản ảnh mức độ ô nhiễm không khí ở các đô thị và rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Bà Lan phân tích: Sương mù bức xạ là một hiện tượng thời tiết nên khi có ánh nắng mặt trời sẽ bắt đầu tan biến và đến giữa trưa thì hết. Còn sương mù của chúng ta hiện nay kéo dài đến chiều tối vì có sự kết hợp của yếu tố ô nhiễm không khí. Trước đây, ở Nam bộ hiện tượng sương mù không phổ biến, mỗi năm chỉ xuất hiện từ 10 - 20 ngày. Những năm gần đây hiện tượng này xuất hiện thường xuyên với tần suất lên đến khoảng hơn 100 ngày/năm.
Các đô thị lớn có nhiều hoạt động sản xuất, xây dựng, giao thông... sinh ra các hạt lơ lửng, các hạt nhân liên kết (sol khí), trong điều kiện ẩm độ cao (hơi nước nhiều) các yếu tố này kết hợp lại với nhau tạo thành sương mù và lơ lửng ở tầm thấp. Đây là biểu hiện của tình trạng ô nhiễm không khí. Vào thời điểm hiện tại, Nam bộ còn xuất hiện mưa trái mùa ở nhiều nơi nên hiện tượng sương mù càng có điều kiện phát triển mạnh hơn các năm trước. Ở các tỉnh ĐBSCL có thể thấy sương mù tại Cần Thơ dày hơn các nơi khác do mức độ đô thị hóa cao hơn. Bên cạnh đó, các tỉnh giáp biên giới với Campuchia sương mù cũng rất nhiều do người dân khu vực này thường đốt đồng, tạo ra ô nhiễm. Đối với các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, ngoài mức độ đô thị hóa cao, xung quanh còn có rất nhiều cơ sở sản xuất nên mức độ ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng. “Từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn còn các đợt không khí lạnh tăng cường, kết hợp với các điều kiện sẵn có tại chỗ nên hiện tượng sương mù sẽ xuất hiện thường xuyên”, bà Lan dự báo.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, mùa lạnh được chia thành 2 giai đoạn: lạnh khô từ tháng 10 - 12 hằng năm và lạnh ẩm từ tháng 1 đến đầu tháng 4 năm sau. Giai đoạn sau có độ ẩm cao nên gây ra sương mù. Hiện tượng sương mù ở miền Bắc chỉ giảm khi có những đợt không khí lạnh mạnh tăng cường.
Cảnh báo bệnh về hô hấp tăng cao
Tại Hội nghị Lagos ở Thụy Sĩ năm 2016, VN đứng thứ 10 về ô nhiễm không khí. Cuối năm 2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thư cảnh báo đến nhân viên về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại VN, nhiều thành phố lớn có thể đạt ngưỡng như Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc). Dựa theo cách tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016, TS Lê Việt Phú (Đại học Fulbright) đưa ra ước lượng năm 2013 ô nhiễm không khí gây thiệt hại kinh tế khoảng 5% GDP.
Ở VN chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân và kinh tế. Các chuyên gia y khoa cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cụ thể là các bệnh về đường hô hấp (tai, mũi, họng), tim mạch... người dân không có cách nào khác là tự phòng tránh bằng cách đeo khẩu trang lọc được bụi siêu mịn hoặc hạn chế ra đường khi không cần thiết. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông, sản xuất nông nghiệp do phát sinh dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, giải pháp bền vững về lâu dài là giảm các nguồn gây phát thải như nhiệt điện than, giảm phương tiện giao thông cá nhân bằng các phương tiện công cộng, tăng cường trồng cây xanh... Ở các thành phố lớn, mức độ ô nhiễm cao như TP.HCM và Hà Nội cần xây dựng các hệ thống khuyến cáo và cảnh báo người dân hiệu quả hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.