Nhiều nghi ngại với công nghệ VAR sắp được sử dụng ở V-League

24/04/2019 07:43 GMT+7

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực, công nghệ hỗ trợ trọng tài qua video (VAR) cũng còn nhiều bất cập. Vì thế, ban điều hành và ban trọng tài phải có sự phối hợp thật tốt khi VAR chính thức đưa vào sử dụng ở lượt về V-League 2019.

Vẫn gây nhiều tranh cãi ở nước ngoài

Sau khi World Cup 2018 kết thúc, ông Pierluigi Collina, Trưởng ban Trọng tài (TT) FIFA thời điểm đó, đánh giá VAR đã giúp độ chính xác trong các quyết định của TT tăng từ 95% lên 99,3%. Các nhà tổ chức giải đã nghĩ đến một viễn cảnh màu hồng là VAR sẽ giúp tránh được hết những tranh cãi, ngăn chặn gian lận trong bóng đá. Thế nhưng, trên thực tế công nghệ này vẫn có những kẽ hở và gây ra không ít tranh cãi, thậm chí đôi khi bị coi là “công cụ” để thiên vị, hợp pháp hóa gian lận và không loại trừ cả dàn xếp tỷ số.
Theo quy định, VAR được sử dụng trong các tình huống như xác định bàn thắng, những lỗi trong quá trình dẫn đến ghi bàn (bóng chạm tay, việt vị...); quyết định đá phạt, các pha phạm lỗi dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp và những quyết định phạt nhầm lẫn. Sau khi sự cố xảy ra, TT chính hoặc có thể tham khảo VAR hoặc từ chối. Đây chính là gốc rễ của những tranh cãi và có thể dấy lên sự hoài nghi tiêu cực.

Nếu TT VAR cố tình chọn một góc quay nào đó không sát với tình huống trên sân, cố tình truyền tín hiệu không chuẩn, làm sai bản chất, không chính xác với diễn tiến tình huống, dẫn tới việc đưa cho TT chính góc nhìn lệch nên đưa ra quyết định sai lầm, thì TT VAR đó sẽ bị xử lý

Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF

Quay trở lại năm 2016, khi VAR lần đầu tiên được áp dụng ở FIFA Club World Cup tại Nhật Bản đã lập tức bị phản ứng. Ở phút 30 trận bán kết giữa Atletico Nacional (Colombia) và Kashima Antlers (Nhật Bản), một pha phạm lỗi xảy ra trong vòng cấm nhưng TT không thấy. Sau những phản ứng của HLV đội chủ nhà, TT quyết định xem pha phạm lỗi qua video và quyết định trao quả phạt 11 m cho Kashima Antlers. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng TT có sự thiên vị khi tình huống quay chậm của VAR vẫn không thể xác định chính xác pha phạm lỗi. Những tranh cãi với hàng loạt tình huống khác nhau xảy ra tại các giải đấu áp dụng VAR, từ châu Âu cho đến Confederations Cup 2017, World Cup 2018 và Asian Cup 2019. Đó cũng là lý do các giải đấu ở Nam Mỹ và Premier League (Anh) đến nay vẫn chưa chính thức sử dụng VAR. Thậm chí, giải hàng đầu Pháp (trận AS Monaco thua Strasbourg 1-5) và La Liga (trận Barcelona thắng Leganes 3-1) mùa này còn gặp trường hợp éo le khi VAR bất ngờ… trục trặc ngay khi TT chính cần tham khảo. Theo nhận định của báo giới quốc tế, nếu không có những cải tiến và biện pháp kiểm soát chặt chẽ, VAR có thể là “công cụ” dẫn đến tiêu cực trong bóng đá.

Sẽ xử lý nếu trọng tài sử dụng VAR không đúng mục đích

Tại VN, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đang gấp rút chuẩn bị những công đoạn quan trọng nhất để áp dụng VAR tại V-League 2019 (dự kiến lượt về vào cuối tháng 6, mỗi lượt sẽ có 1 - 2 trận dùng VAR). Do kinh phí không quá dư dả nên VPF đã chọn lựa phương án sử dụng ô tô lưu động được lắp 8 màn hình. VPF và Ban TT Liên đoàn Bóng đá VN sẽ mời các cựu TT có uy tín làm TT VAR. Ở mỗi trận, 2 TT VAR sẽ cùng quán xuyến 8 màn hình (mỗi người phụ trách 4 màn hình) và có trách nhiệm định lượng, chọn ra góc quay nào rõ ràng nhất, chuẩn xác nhất về sự cố vừa xảy ra, để truyền lại tín hiệu vào màn hình monitor đặt ở sân giúp TT chính tham khảo.
Chúng tôi đã đặt vấn đề với ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF: “VPF có lo ngại những bất cập mà VAR mang lại, thậm chí đã nghĩ tới việc những người sử dụng VAR sẽ lợi dụng công nghệ hiện đại này để thiên vị hay trù dập đội bóng nào mà họ muốn?”. Ông Trần Anh Tú cho biết: “Trên thực tế, FIFA chỉ cho dùng VAR trong một số trường hợp thực sự cần thiết. TT vẫn là chủ thể của cuộc chơi, đưa ra những quyết định cuối cùng. Dẫu biết sẽ gặp một số khó khăn và thời gian chuẩn bị tương đối ngắn nhưng sở dĩ chúng tôi kiên quyết đưa VAR vào giải bóng đá lớn nhất VN bởi đây cũng là một trong những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giải đấu. Cũng có nhiều ý kiến, luồng quan điểm bày tỏ sự lo ngại về việc dùng VAR ở V-League, thậm chí còn cảnh báo có thể xảy ra tiêu cực, nhưng tôi cho rằng phải kiểm soát tốt mọi khâu, trong đó đầu tiên là phải chọn được các TT VAR giỏi, công tâm; TT chính điều khiển trận đấu cũng phải nâng cao trình độ chuyên môn chứ không phải chăm chăm lệ thuộc vào VAR”.
Ông Tú cũng cho hay: “Hệ thống kỹ thuật, máy móc phục vụ VAR cũng sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự công bằng khi VAR được áp dụng tại V-League. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với VFF, Ban TT để tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong cách áp dụng VAR ở mỗi trận đấu. Tôi lấy ví dụ, nếu TT VAR cố tình chọn một góc quay nào đó không sát với tình huống trên sân, cố tình truyền tín hiệu không chuẩn, làm sai bản chất, không chính xác với diễn tiến tình huống, dẫn tới việc đưa cho TT chính góc nhìn lệch nên đưa ra quyết định sai lầm, thì TT VAR đó sẽ bị xử lý”.
Tuy nhiên một điều khiến ông Tú trăn trở là điều kiện sân bãi ở VN không giống nhau. Cơ sở vật chất mỗi sân lại có những điểm khác biệt, ít nhiều làm ảnh hưởng đến việc áp dụng VAR. Ví dụ sân Thống Nhất, việc đặt máy quay ở những vị trí tốt sẽ dễ hơn vì sân khá đẹp và chuẩn. Nhưng sân Thanh Hóa lại không được như vậy, nên có thể sẽ không có những góc máy tốt, đem lại tín hiệu tốt trong những tình huống cần xử lý bằng VAR.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.