Nhiều người trẻ quá thụ động - Kỳ 4: Khủng hoảng bởi giáo dục một chiều

16/07/2015 09:00 GMT+7

Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho rằng quan trọng nhất phải thay đổi cách giáo dục nếu không muốn sự thụ động, 'im lặng khó hiểu' trở thành điều bình thường khi mà phần lớn xã hội là như vậy.

Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà (ảnh), Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho rằng quan trọng nhất phải thay đổi cách giáo dục nếu không muốn sự thụ động, “im lặng khó hiểu” trở thành điều bình thường khi mà phần lớn xã hội là như vậy.

Nhiều hội nghị, hội thảo là diễn đàn để thảo luận nhưng rất ít người phát biểu, tranh luận. Càng hiếm những phát biểu mang tính phản biện. Đây rõ ràng là một vòng luẩn quẩn, hậu quả của giáo dục gia đình, nhà trường dẫn tới thói quen của cả xã hội. Rồi người ta thấy đó là điều bình thường khi mà phần lớn xã hội là như vậy

Ông Phạm Mạnh Hà nói: Tôi không thấy quá ngạc nhiên hay bất ngờ khi nghe phản ánh về việc các bạn trẻ “im lặng đến khó hiểu” trong những tình huống cần họ lên tiếng. Bất cứ hành vi nào cũng có căn nguyên của nó. Việc nhiều bạn trẻ khó khăn trong việc bày tỏ chính kiến của mình không lạ với văn hóa VN và văn hóa phương Đông nói chung. Đây là những quốc gia nặng theo triết lý Khổng giáo, không khuyến khích con người có tư duy và khả năng phản biện.

Trong khi đó, được bày tỏ quan điểm, chính kiến hay thể hiện cái tôi luôn luôn là nhu cầu tự nhiên của mỗi người. Do đó có thể thấy khi mà ở trong trường học, trong các buổi hội họp hay những sự việc quan trọng thì ít người có ý kiến phản biện vì người ta lo ngại sẽ bị ảnh hưởng đến lợi ích hay bị đánh giá về mặt đạo đức. Ngược lại, ở những quán bia hơi hay trà chén vỉa hè, người ta bàn luận rất nhiều về đủ mọi vấn đề lớn bé đang diễn ra quanh mình. Bởi ở đó họ biết rằng họ không bị phán xét nên tha hồ phát huy quyền “tự do ngôn luận” của mình.

* Nói về giáo dục nhà trường, trong khi giáo viên ở nước ta vẫn mang nặng thói quen “thầy luôn luôn đúng” nên rất không thích nghe trò phản biện thì ở nước ngoài, học sinh (HS) nào cũng buộc phải bày tỏ ý kiến của mình. Phải chăng đây chính là căn nguyên gây ra sự thụ động của HS VN?

- Cách giáo dục của chúng ta từ trước tới nay đang bị khủng hoảng bởi lối giáo dục một chiều. Mặc dù về mặt lý thuyết, từ khi đổi mới giáo dục chúng ta vẫn nói HS làm trung tâm. Thế nhưng trên thực tế, toàn bộ cách thiết kế chương trình, thời lượng ra sao... rất chặt. Như vậy thì giáo viên bị bó cứng theo cái khung ấy nên họ không có thời gian và có đủ quyền để có thể dạy theo cách mà họ cho là phù hợp với mỗi đối tượng HS khác nhau.

Bên cạnh đó, trừ những trường ngoài công lập, trường công của chúng ta thường bị quá tải về sĩ số 45 - 50 HS/lớp. Với một nội dung chương trình được quy định cứng như vậy cộng với sĩ số đông, thời lượng học tập ít… thì làm sao mà giáo viên có thể quan tâm đến từng HS, dành thời gian cho HS trao đổi, phát biểu nhiều trên lớp được. Tư duy trao đi, đổi lại về một vấn đề gì đó còn khúc mắc cứ thế thui chột đi.

Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và thói quen phản biện của mỗi cá nhân.

* Là người sáng lập và phụ trách một phòng tư vấn tâm lý cho HS của trường THCS ở Hà Nội, tiếp xúc rất nhiều với HS ở lứa tuổi mới lớn, nghe nhiều tâm tư của họ, anh thấy rằng nếu có cơ hội được chia sẻ thì bạn trẻ có dám nói lên tiếng nói của bản thân?

Biết thể hiện chính kiến khiến người khác nể phục

Phát biểu trước gần 500 sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM trong chương trình nhân vật và sự kiện với chủ đề “Tư duy và chia sẻ” ngày 11.7 vừa qua, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đã nêu bật tầm quan trọng của việc thể hiện chính kiến cá nhân.

Bà cho rằng cần thiết phải thể hiện được quan điểm của mình cho dù có thể khác với quan điểm chung, miễn đưa ra được lập luận hợp lý. Thậm chí, không chỉ thể hiện chính kiến mà đôi lúc cần phải tranh luận tùy mức độ cương hay nhu. “Biết thể hiện chính kiến, bảo vệ chính kiến sẽ khiến người khác nể phục”, nhà ngoại giao nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bà Ninh, chính kiến đó cần thể hiện bằng sự hiểu biết, có suy ngẫm và cần có kỹ năng trình bày. Bà Ninh lưu ý, việc thể hiện bản thân không dễ. Nếu bộc lộ quá nhiều sẽ rất dễ dẫn đến thể hiện thái quá hay thích thể hiện. Thụ động và thích thể hiện là 2 thái cực quá xa cần tránh.

Hà Ánh

- Tiếp xúc với nhiều trẻ em, người trẻ, chúng tôi có thể khẳng định rằng nếu cho các em cơ hội được nói lên tiếng nói và suy nghĩ của họ thì chúng ta sẽ nhận được rất nhiều điều bất ngờ, thú vị. Họ có những suy nghĩ và chính kiến rất tốt chứ không phải “trẻ con thì biết gì mà nói” như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ đâu.

Tôi rất tâm huyết với câu nói của bác sĩ tâm lý nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện, đại khái là trẻ con thấp cổ bé họng, nói không được mà nói cũng không ai nghe. Bản thân tôi khi tiếp xúc với nhiều HS, lắng nghe tâm tư của các em tôi thấy rất rõ điều này. Nhu cầu chia sẻ và được lắng nghe của các em rất lớn chứ không phải khi các em im lặng nghĩa là các em không có nhu cầu lên tiếng đâu.

Người lớn thường lấy cái quyền làm cha mẹ, thầy cô… của mình để đưa ra mọi quyết định cho cuộc sống, học tập của đứa trẻ. Đành rằng, nhiều quyết định của trẻ là sai lầm nhưng chính những sai lầm, vấp váp thực tế ấy mới khiến cho đứa trẻ trưởng thành được.

* Với một thói quen cố hữu như vậy nên không chỉ có những đứa trẻ, những người trẻ im lặng, thụ động?

- Đúng vậy, thói quen ấy từ khi còn bé sẽ theo đến suốt cuộc đời mỗi người. Nhiều hội nghị, hội thảo là diễn đàn để thảo luận nhưng rất ít người phát biểu, tranh luận. Càng hiếm những phát biểu mang tính phản biện. Đây rõ ràng là một vòng luẩn quẩn, hậu quả của giáo dục gia đình, nhà trường dẫn tới thói quen của cả xã hội. Rồi người ta thấy đó là điều bình thường khi mà phần lớn xã hội là như vậy.

* Vấn đề mấu chốt để cải thiện tình trạng thụ động một cách đáng lo ngại là gì, thưa ông?

- Điều quan trọng nhất vẫn phải là thay đổi cách giáo dục, từ gia đình đến nhà trường. Thay vì áp đặt, truyền thụ một chiều; thay vì truyền thụ kiến thức cho HS theo kiểu thầy đọc, trò chép thì dần dần phải để HS tự chiếm lĩnh tri thức và xây dựng nội dung học tập dưới sự định hướng của người thầy. Ngành giáo dục phải “cởi trói” cho giáo viên, để họ có quyền, có cơ hội được thực hiện triết lý giáo dục “lấy HS làm trung tâm”.

Còn các bậc cha mẹ thì phải tạo điều kiện cho con trẻ nói lên tiếng nói của mình, tránh đem quyền của người lớn để “vùi dập” tư duy phản biện của mỗi đứa trẻ từ trong “trứng nước”.  

Nói đi đừng sợ

Đó là lời kêu gọi của dự án xã hội TEDx Community of Ha Noi do các sinh viên tại Hà Nội thực hiện nhằm khuyến khích giới trẻ tự tin nói lên những ý tưởng, suy nghĩ, quan điểm, chính kiến của mình.

Đặng Minh Ngọc, sinh viên năm 3 Khoa Kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương, người sáng lập dự án, chia sẻ: “Sau một thời gian dài tham gia các dự án giáo dục, kinh tế... mình nhận thấy giới trẻ Việt hiện nay rất ngại nói lên suy nghĩ của mình dù nói để bảo vệ cho chính họ. Mình tự hỏi, tại sao các bạn chỉ nghe người khác nói mà mình không tự nói lên ý tưởng, chính kiến của chính mình? Đó là lý do TEDx Community of Ha Noi ra đời vào tháng 2.2015”.

Phát pháo đầu tiên của dự án là cuộc thi tìm kiếm diễn giả giỏi với tên gọi Xspeaker. Cùng tham gia vào dự án, Đặng Nhật Nam đã chia sẻ: “Mình nhận thấy giới trẻ Việt rất ngại nói lên ý tưởng, chính kiến của mình, điều này là vô cùng nguy hiểm. Trước hết nó sẽ dần giết chết ý tưởng, lâu dần, các bạn sẽ sống trong rụt rè, e ngại khi phải nói lên ý tưởng của mình. Các bạn thử nghĩ xem, nếu các nhà khoa học lớn như Einstein, Edison... cũng rụt rè, không dám nói ra những ý tưởng của họ thì làm sao thế giới này thay đổi được?”.

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.