Nhiều sao nhưng "thảm đỏ" chưa hấp dẫn

20/10/2010 00:01 GMT+7

Sự kiện các nghệ sĩ xuất hiện trên thảm đỏ và giao lưu với công chúng trong khuôn khổ các hoạt động của LHP quốc tế VN, diễn ra chiều 19.10 tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội) lại chưa thu hút được công chúng.

Tại những liên hoan phim lớn trên thế giới, sự kiện các nghệ sĩ, nhà làm phim xuất hiện trên thảm đỏ luôn là tâm điểm chú ý của công chúng. Bởi tại đây, những khán giả yêu nghệ thuật thứ bảy có thể tận mắt nhìn thấy thần tượng của mình. Chính vì thế, ở những sự kiện như vậy tại các liên hoan trên thế giới, số lượng khán giả lên tới hàng nghìn người.

 Lương Mạnh Hải và Tăng Thanh Hà là cặp diễn viên được nhiều bạn trẻ cổ vũ nhất - Ảnh: Ngọc An

Nhiều người nổi tiếng, ít người hâm mộ

Nhưng sự kiện các nghệ sĩ xuất hiện trên thảm đỏ và giao lưu với công chúng nằm trong khuôn khổ các hoạt động của LHP quốc tế VN, diễn ra chiều 19.10 tại quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội) lại ngược lại, chưa thu hút được công chúng. Rất nhiều người nổi tiếng xuất hiện, đi trên thảm đỏ dài khoảng 10 mét, bắt đầu từ cửa phụ Nhà hát Lớn cho tới phía trước nhà hát, như diễn viên điện ảnh Hồng Kông Trương Gia Huy, Ngô Ngạn Tổ, các diễn viên điện ảnh VN như NSND Trà Giang, NSND Hoàng Dũng, NSND Lê Khanh, Dustin Nguyễn, Hải Yến, Trương Ngọc Ánh, Trần Bảo Sơn, Hồng Ánh, Phước Sang, Phương Thanh, Tuấn Hưng, Minh Hằng, Hiếu Hiền, Tăng Thanh Hà, Lương Mạnh Hải, Quách An An… Những tưởng với lượng nghệ sĩ nổi tiếng như vậy thì quảng trường Nhà hát Lớn sẽ chật kín, nhưng thực tế chỉ có khoảng hai trăm người tới dự sự kiện này, trong đó một phần lớn là cánh báo chí và các bạn tình nguyện viên. Không hiểu có phải do một số đoạn đường phía trước nhà hát bị cấm, không có biển giới thiệu, chỉ dẫn, khiến nhiều khán giả không hề hay biết có một sự kiện như thế đang diễn ra hay còn một lý do nào khác?

Để Việt Nam trở thành môi trường làm phim hấp dẫn

Một hoạt động khác, các nhà làm phim, hoạt động điện ảnh trong và ngoài nước đã cùng bàn về những giải pháp giúp cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà làm phim nước ngoài trong buổi tọa đàm Việt Nam - môi trường sản xuất phim hấp dẫn, diễn ra vào chiều 19.10 tại Hà Nội.

Theo ông Đỗ Duy Anh - Trưởng ban Quốc tế Cục Điện ảnh, hiện ở VN có 29 hãng sản xuất phim nhà nước và 30 hãng phim tư nhân. Số lượng phim hợp tác với nước ngoài thực hiện tại VN đã tăng lên trong những năm từ năm 2004. Trong năm nay, chúng ta đã có 4 phim hợp tác sản xuất với nước ngoài, 12 dự án cung cấp thiết bị (trong đó có 7 phim tài liệu, 5 phim truyện). Ông cho rằng, những điểm thuận lợi dành cho các nhà làm phim nước ngoài tại VN là chính sách gần như không đánh thuế với việc sản xuất phim, các thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản, dễ dàng cho các nhà làm phim nước ngoài.

Đạo diễn Phước Sang cho rằng, việc sản xuất phim tại VN có những thuận lợi như giá nhân công rẻ (từ các khâu quay phim, thiết kế, ánh sáng…), thiết bị sản xuất phim hiện đại, chi phí sản xuất phim rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực (rẻ hơn 1/3 - 1/4 so với Thái Lan, Singapore. Anh cho biết: "Hãng chúng tôi đã hợp tác với hãng phim Hàn Quốc sản xuất bộ phim kinh dị Mười. Họ cho rằng, nếu bộ phim sản xuất tại Hàn Quốc sẽ mất tới 5-10 triệu USD, nhưng tại VN chỉ mất 1 triệu USD".

Ông Jean Romain (tham gia quay phim Đông Dương tại VN vào năm 1992) cũng đồng ý với Phước Sang. Ông kể: "Việc thuê lực lượng nhân công tại Việt Nam rẻ hơn nhiều so với thế giới. Khi thực hiện bộ phim Đông Dương, chúng tôi đã thuê tới 300 người để may phục trang".

Tuy vậy, các nhà làm phim cũng thừa nhận những khó khăn còn tồn tại, một trong số đó là việc thiếu trường quay. Theo ông Micheal Digregorio, người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam, trước đây ở Hà Nội có thể thực hiện các bộ phim có bối cảnh những năm 40-60 với những khu biệt thự cổ của Pháp, khu phố cổ…, nhưng hiện nay thì không còn dễ dàng nữa. Theo ông, việc xây dựng trường quay rất tốn kém, vì thế cách tốt hơn là hãy bảo tồn thật tốt những di tích xưa.

Bên cạnh đó, theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, đội ngũ làm phim chúng ta cần có tác phong chuyên nghiệp hơn, cần học tập theo các nước có nền điện ảnh phát triển.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.