Nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến tiêu chuẩn và xếp lương giáo viên

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
03/02/2021 15:00 GMT+7

Nhiều “nút thắt” đã được tháo gỡ trong quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, trong đó chính thức xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên.

Bộ GD-ĐT vừa ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập. Theo đó, nhiều "nút thắt" đã được tháo gỡ, như chính thức xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên...
Các thông tư quy định quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập mới được ban hành có một số điểm đổi mới quan trọng như sau:
Thứ nhất, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được điều chỉnh theo quy định của luật Giáo dục 2019. Đồng thời, chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học được xác định thành 3 hạng, gồm hạng I, hạng II và hạng III (thay vì hạng II, hạng III, hạng IV như hiện hành).
Mã số hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được cấp mới bởi Bộ Nội vụ. Riêng cấp trung học phổ thông giữ ổn định về mã số, hạng chức danh nghề nghiệp do không có thay đổi về trình độ đào tạo.
Thứ hai, Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ ngoại ngữ thứ 2 đối với giáo viên dạy ngoại ngữ, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Yêu cầu về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và năng lực sử dụng ngoại ngữ được đưa vào tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên các hạng để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên các hạng.
Nội dung sửa đổi này là một nút tháo gỡ quan trọng nhằm ngăn chặn việc mua bán văn bằng, chứng chỉ mà xã hội rất quan tâm trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, yêu cầu về ngoại ngữ, tin học được đặt ra trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ giúp nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học một cách hiệu quả và thực chất bởi vì các yêu cầu ấy sẽ gắn với những nhiệm vụ cụ thể của giáo viên và phù hợp với điều kiện từng vùng, miền.
Thứ ba, các quy định về nhiệm vụ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập được rà soát, cập nhật với những yêu cầu của thực tế hiện nay cũng như yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (đối với cấp học phổ thông). Theo đó, các tiêu chuẩn cụ thể được quy định cũng chính là các năng lực cốt lõi giáo viên cần phải có để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Thứ tư, lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở mới được tuyển dụng được xếp tương ứng với yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm. Đồng thời, bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở hạng cao hơn cũng có sự điều chỉnh tăng tuần tự theo quy định.
Các thông tư đã quy định rõ việc bổ nhiệm và xếp lương đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo các địa phương có thể thực hiện được ngay khi các thông tư có hiệu lực thi hành.

Vì sao bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), chia sẻ về quá trình để đi đến quyết định này. Theo ông Bình, do Bộ GD-ĐT không thể tự quyết định được việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên nên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trao đổi rất nhiều lần với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đơn vị tham mưu với Bộ trưởng trong việc xây dựng và ban hành các quy định liên quan đến nhà giáo.

Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, các quy định này đã bộc lộ những bất cập nhất định như tạo ra cơ hội cho những người không học thực chất mà chủ yếu tích lũy đủ văn bằng, chứng chỉ; các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không có chất lượng thực hiện việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đúng quy định… gây bức xúc đối với xã hội.

Khắc phục bất cập này, trong các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập mới được ban hành, Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ.

Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”. Yêu cầu về trình độ tin học là “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên được xem nhẹ hoặc hạ thấp, mà đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo yêu cầu về các năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn.

Cùng với việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.

Giáo viên mong chờ đã lâu

Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ xóa bỏ quy định về chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho giáo viên, hầu hết giáo viên bày tỏ sự đồng tình và cho biết họ "mừng đến rớt nước mắt" trước thay đổi này.

Các giáo viên cho rằng, năng lực ngoại ngữ và tin học là cần thiết khi thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhưng cách quy định như thời gian qua khiến việc bổ túc chứng chỉ mang tình hình thức chứ không có giá trị về nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.