Nhiều thí sinh điểm từ trung bình

10/07/2011 22:17 GMT+7

Tuy nhẹ hơn so với đề thi đợt 1 nhưng theo các giáo viên, đề thi ở đợt 2 cũng có tính phân hóa rõ nét. Những thí sinh (TS) nào không được ôn luyện và thiếu kinh nghiệm khó đạt điểm cao.

Môn Anh văn (khối D - mã đề 369): Phần bài đọc rất khó

Đề thi năm nay có thêm phần kiểm tra mới về từ vựng dưới hình thức đồng nghĩa và phản nghĩa. Nhưng cũng dễ cho TS làm vì có 4 chọn lựa khá phân biệt. Bài Reading (bài đọc) dài và khó hơn năm trước. Do đó học sinh trung bình có áp lực khá cao với thời gian làm bài 90 phút.


TS Khang Vy (giữa) vui mừng trong sự chào đón của mẹ và anh trai sau giờ thi môn hóa vào sáng qua tại một điểm thi của trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phần từ vựng: Cấp độ từ được sử dụng trong bài khá khó, dàn trải từ các giới từ, cụm động từ thích hợp đến các từ đồng nghĩa trong ngữ cảnh của bài đọc. Học sinh cần phân biệt ngữ cảnh của câu cho rõ mới có được đáp án đúng.

Cấu trúc ngữ pháp: bên cạnh một số câu đòi hỏi kiến thức cơ bản, có một số câu được đưa vào ở mức độ ngữ pháp nâng cao, nếu không được luyện tập, học sinh phổ thông đơn thuần sẽ không làm được.

Phần đọc hiểu:

+ Bài đọc hiểu thứ 1 (trả lời từ câu 9 đến câu 18) đòi hỏi TS phải có kiến thức về vấn đề xã hội để chọn.

+ Bài đọc hiểu thứ 2 và 3: có độ dài trên 400 từ, gây áp lực về thời gian đối với TS. Bên cạnh độ dài là tính trừu tượng của đề tài. Vì thế, không dễ để TS có đáp án đúng ở 2 bài này. Ngoài ra, với sự dàn trải một phần đoạn văn ở trang 6 và câu trả lời lại ở trang 7 nên rất mất thời gian thêm cho TS trong việc kiểm tra thông tin.

Phần chọn câu sát nghĩa với câu cho sẵn (từ câu 21 đến câu 25 và từ câu 41 đến câu 45): tương đối dễ so với đề thi năm 2010.

Nói chung, đề thi tiếng Anh năm nay khó, đạt yêu cầu phân hóa trình độ học sinh để tuyển sinh vào ĐH. Dự đoán điểm cao nhất của năm nay không bằng những năm trước.

Lê Thị Thanh Xuân
(Giáo viên TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Môn hóa (khối B - mã đề 794): Đòi hỏi phải có kinh nghiệm

Đề thi dàn trải khắp chương trình, có cấu trúc tương tự đề thi những năm trước. Có nhiều câu hỏi giáo khoa gây khó khăn cho TS như câu 14, 16, 49, 52, 60. Những câu này đòi hỏi TS phải học thật kỹ sách giáo khoa và suy luận tốt mới có thể giải đúng được. Một số câu tính toán đòi hỏi phải có sự chuẩn bị tốt và kinh nghiệm mới có thể giải đúng trong thời gian ngắn (các câu 1, 19, 20, 25, 31, 58). Số còn lại nếu TS bình tĩnh vận dụng tốt những kiến thức đã học trong quá trình ôn luyện thì giải được rất dễ.

Nguyễn Tấn Trung
(Giáo viên TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Môn Địa lý: Đề vừa sức

Nội dung đề địa lý năm 2011 theo sát chương trình của Bộ GD-ĐT, trải dài trong chương trình 12.

Đề thi vừa sức, TS có thể làm bài đạt điểm cao.

Đề mang tính chất thời sự phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của nước ta.

Đề soạn thảo rõ ràng không có ý mơ hồ có thể gây hiểu lầm.

Câu I: thực ra là một câu hỏi lý thuyết, TS chỉ cần học thuộc bài không cần suy luận nhiều là có thể làm được.

Câu II: 50% câu hỏi là lý thuyết, còn 50% câu hỏi là vận dụng, TS trung bình khá có thể làm được.

Câu III: là một câu hỏi về thực hành địa lý, TS cần phải đọc kỹ đề để vẽ được biểu đồ được chính xác.

Câu IVa. và câu IVb. đều là câu hỏi lý thuyết.

Tóm lại, với đề thi này TS chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm được.

Châu Thị Nguyệt, Đặng Thị Chiếu Huyền
(Giáo viên TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn TP.HCM)

Hóa khó, tiếng Anh vừa, Địa dễ thở

Tấn Tài (học sinh trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) thi vào trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Đề thi môn hóa khối B khó hơn khối A khá nhiều, em chỉ làm được khoảng 50%”. Tại Đà Nẵng, TS dự khi khối B đều lắc đầu than môn hóa quá khó. TS Phạm Thị Hương, thi tại HĐT Nguyễn Hiền cho hay: “Em chỉ hy vọng bài thi mình đạt 50%”.

Trong khi đó, đề Anh văn được nhận xét là dễ thở hơn nhưng lại dài. Ánh Tuyết (Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu) tươi cười nói: “Ở môn tiếng Anh này, em cũng luyện nhiều lần đề thi của các năm trước, nhưng đề hôm nay thì dễ thở hơn. Em có thể chắc chắn bài thi ở mức 60 - 70%”. TS Mai Thị Tường Ly, thi tại Đà Nẵng cho rằng: “Thật ra đề ngoại ngữ không khó, nhưng để làm tốt thì cần khoảng 120 phút”. TS Phạm Ngọc n (THPT DL Văn Hiến, Long Khánh, Đồng Nai) thi vào trường ĐH Sài Gòn cho biết: “Đề quá dài. Chỉ có 90 phút nhưng có đến 80 câu hỏi. Em chỉ đủ kiến thức để hoàn thành được 35-40% đề thi”.

Về môn Địa,TS cho rằng vừa sức, mang tính thời sự.

H.Ánh - D.Hiền - M.Luân

Nhiều điểm 6

Phần văn phạm trong đề thi tiếng Anh nằm trong chương trình nên khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên phần này cũng có 2 - 3 câu đảo ngữ khá khó. Nhất là câu 62 của mã đề 369 thì chỉ dành riêng cho học sinh giỏi, vì đây là loại đảo ngữ nâng cao và hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu làm được hết phần văn phạm TS đã có thể được 6 điểm. Với phần bài đọc thì dài và khó, đòi hỏi sự suy luận và đoán nghĩa thì mới có câu trả lời. Nói chung, đề phân loại hay, đa số bài thi sẽ nằm ở mức khoảng 6 điểm, TS muốn đạt được 8 - 9 điểm thì phải làm xong 2 bài đọc, với điểm 10 thì càng khó.

Cô Lê Lâm Thảo Uyên
(Tổ trưởng tổ Anh văn trường THTP Nguyễn Trãi, TP.HCM)

Mang tính thời sự

Đề môn địa hay, vừa sức học sinh, cũng vừa với khoảng thời gian làm bài là 180 phút. Đặc biệt, đề rất thời sự khi đưa yếu tố biển Đông vào. Nhưng cái hay của đề ở chỗ, dù thời sự nhưng vẫn bám sát vào chương trình sách giáo khoa. Do vậy, với TS học bài kỹ thì có thể dễ dàng làm tốt bài thi. Với những TS nắm bắt được tính thời sự thì dễ đạt điểm cao.

Cô Võ Thị Ngọc Quý
(Tổ trưởng tổ Địa lý trường THPT Nguyễn Trãi, TP.HCM)

Dạng quen thuộc

Hầu hết các câu hỏi trong đề thi môn hóa khối B chủ yếu là dạng quen thuộc với TS.

Kết cấu lý thuyết và bài tập tương đối phù hợp và nằm trong phán đoán của TS. Ở phần lý thuyết, có 26 câu, hầu hết đều thuộc nhóm câu dễ kiếm điểm vì nằm trong chương trình phổ thông và là những câu hỏi quen thuộc. Phần bài tập có 24 câu, độ khó gần như tương đương với môn hóa khối A. Kiến thức trong phần này chủ yếu nằm trong phần lớp 12 và lớp 11.

Đây cũng là đề thi có tính phân hóa tốt. TS có học lực khá - giỏi có thể đạt từ 8 điểm trở lên, TS trung bình có thể đạt 5 - 6 điểm. Có khả năng xuất hiện khá nhiều điểm 10.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh Lan
(Phó trưởng khoa Khoa học, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)

H.Ánh - Đ.Nguyên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.