Nhiều 'vũ khí' xóa ngành nông nghiệp hóa chất

07/09/2018 14:16 GMT+7

Sử dụng các loại phân vi sinh thay thế phân bón hóa học được coi là bước "tiêm phòng" nhằm tăng sức đề kháng cho cây trồng, hướng tới phát triển nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả.

Đó là nội dung cuộc Hội thảo "Giải pháp nông nghiệp thông minh-an toàn-hiệu quả" ngày 07/09 do Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới kết hợp với một số công ty nông nghiệp tổ chức. 
"Thực phẩm chức năng" cho cây trồng
Là doanh nghiệp đầu tiên tham gia giới thiệu sản phẩm, ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Vuagro nhận định ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thực trạng tiêu cực. Thứ nhất, cây trồng ngày càng mất đi khả năng miễn dịch tự nhiên, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Thứ hai, nông sản do người nông dân làm ra tồn dư nhiều dư lượng, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn, cộng thêm chi phí cao, lợi nhuận thấp, ảnh hưởng rất lớn tới khả năng cạnh tranh của nông sản Việt. Trong khi đó, việc sử sụng quá nhiều các loại chất hóa học khiến môi trường nước, không khí ô nhiễm nặng nề, tỷ lệ người làm nông bị ung thư ngày càng tăng cao.
Theo ông Dũng, đa số nông dân Việt Nam hiện nay đang tập trung sử dụng các yếu tố tác động bên ngoài như đất, nước, ánh sáng, nhiệt độ, phân bón, thuốc... để chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp trên thế giới đã nghiên cứu và chứng minh bên ngoài chỉ yếu tố cần nhưng chưa đủ để cây trồng phát triển bền vững, chỉ được 1 - 2 vụ đối với cây dài hạn.
"Có một yếu tố tác động từ bên trong, có sẵn trong tự nhiên, tồn tại trong tất cả các bộ phận của cây, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây trồng nhưng lại bị bỏ phí, không quan tâm, đó là nấm nội sinh Endophyte. Loại vi sinh vật này là môi trường sống cộng sinh của các vi khuẩn hữu ích, giúp giảm rủi ro của cây trồng. Mật độ phát triển của chúng càng nhiều thì cây trồng phát triển càng tốt. Lợi ích của chúng đã được các nhà khoa học từ nhiều được trên thế giới thử nghiệm, khẳng định nhưng còn khá xa lạ đối với người dân Việt Nam" - ông Dũng nói.  
Trước thực trạng trên, Vuagro đã kết hợp cùng các nhà khoa học tại Ukraine cung cấp cho người nông dân, các trang trại, doanh nghiệp ứng dụng Endophyte nano, được coi là "thực phẩm chức năng" cho cây. Nhiệm vụ chính của sản phẩm này chỉ là đánh thức nấm Endophyte , cho bộ rễ cây khỏe mạnh, tăng khả năng miễn dịch, giúp cây phát triển tự nhiên bằng nội lực của mình, đồng thời tăng độ mùn trong đất. Với 98% là đường, chỉ gồm 1 tổ hợp rất nhỏ siêu vi lượng dưới dạng nano chiếm khoảng 0,05% nên sản phẩm trên đảm bảo hoàn toàn sạch, không độc hại cho con người và động vật.
Công ty BIFFA thì giới thiệu bộ đôi sản phẩm hữu cơ thân thiện: than và giấm gỗ sinh học được dùng để bảo vệ môi trường nông nghiệp, giúp cây trồng sinh trưởng bền vững, hạn chế tối đa sâu bệnh hại như một phải pháp sinh học trong canh tác hữu cơ.

Lý giải rõ về cơ chế hoạt động của phân vi sinh tại vùng rễ, NGND.GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định khi rễ cây phát triển tốt sẽ đưa lên thân cây những loại vi sinh vật hữu ích, đặc biệt là nấm Endophyte, giúp cây trồng có sức đề kháng tự nhiên như khi chưa sử dụng hóa chất nông nghiệp. Việc sử dụng các giải pháp sinh học, đánh thức các vi sinh nằm trong thân cây cũng như tiêm chủng cho người và động vật, giúp cây hạn chế tối đa sâu bệnh, sẽ không cần dùng nhiều thuốc bảo vệ thưc vật, phân hóa học. 

"Về mặt kinh tế, người dân sẽ tiết giảm được chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của cây trồng. Về mặt xã hội, sử dụng phân vi sinh sẽ hạn chế phát tán khí thải trong không khí, giảm thiểu lớn tác hại từ thuốc bảo vệ thực vật. Trong bối cảnh nông nghiệp Việt đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước ASEAN, không chuyển đổi sang sử dụng công nghệ sinh học, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của các nước châu Âu thì khó lòng mà thắng được" - ông Xuân nhận định.
Trả lại hữu cơ cho đất
Đánh giá cao các sản phẩm vi sinh nhưng GS.TS Võ Tòng Xuân lưu ý muốn giải pháp sinh học phát huy hiệu quả, việc đầu tiên phải làm là giảm các chất hóa học. Phân bón hóa hoc, thuốc trừ sâu sẽ vô hiệu hóa các chế phẩm sinh học. 
"Bộ NN-PTNT phát động chương trình 3 giảm, 3 tăng nhưng cần chú trọng nhất là giảm phân đạm. Suốt 40 năm qua, nông nghiệp Việt Nam sử dụng quá nhiều phân hóa học, chỉ chăm chăm đi vào lợi nhuận trước mắt mà quên những tác hại to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chết lượng nông sản và môi trường sống. Cần có khuyến nông mạnh mẽ, xác định nhiệm vụ của các nhà khoa học, người trồng trọt là cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm sạch và ngon hơn, mà cách tốt nhất là tiêm chủng cho cây" - ông nói.

Đồng tình, GS.TS Nguyễn Thơ nhấn mạnh việc lạm dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, diệt bệnh, diệt cỏ khiến đất đai ngày càng suy thoái nặng nề, tích lũy nhiều nguồn bệnh. Bên cạnh đó, quản lý thiệt hại nông nghiệp ngày càng kém bền vững, nhất là kiểm soát sâu bệnh từ trong đất, khiến nông sản của chúng ta hiện nay không an toàn, không sạch. Ông Thơ dẫn chứng ngành tiêu của Việt Nam phát triển rất mạnh, nhiều tiềm năng nhưng giá trị không cao do bị gán án "tiêu bẩn" vì sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, phân hóa học. 

Theo ông Thơ, vấn đề phát triển nông nghiệp sạch, thông minh không thể chỉ nói trong ngày 1 ngày 2, phải là cả quá trình vận động dài hạn, nhiều khó khăn. Từ bắc chí nam, mô hình canh tác hữu cơ trong nông nghiệp không ít nhưng không phát triển được. Không phải vì nông dân không hiểu biết mà vì các cơ sở, công ty hóa học cực kỳ mạnh, cả về tiềm lực tài chính lẫn sự chuyên nghiệp trong khuyến nông. Vấn đề cân đối, bền vững, sinh học, hữu cơ không cân sức với lực lượng hóa học. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu về vi sinh vật còn yếu, thiếu, nhà nước cho nhập hóa chất, phân hóa học ngày càng nhiều và không phổ biến cho người dân các biện pháp thay thế thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.

Chuyên gia này nhấn mạnh phát triển nông nghiệp bền vững phải đảm bảo song song canh tác hữu cơ và cân đối dinh dưỡng. Hữu cơ trong đất là môi trường, chỗ dựa, thức ăn cho vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật hữu ích phát triển mạnh mẽ. Đất thiếu hữu cơ, không nuôi được vi sinh vật trong đất thì cây trồng không thể phát triển được. "Phải phát động toàn dân nêu cao khẩu hiệu trả hữu cơ lại cho đất. Canh tác theo hướng hữu cơ càng mạnh thì nông sản càng an toàn" - ông Thơ khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.