GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, băn khoăn về việc bản dự thảo lần này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết những vấn đề cốt tử của GDĐH hiện nay. Đó là phải giải quyết được tốt nhất quan hệ giữa phát triển quy mô với nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chất lượng đào tạo phải được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó GS-TS Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đề nghị bổ sung điều khoản về Hội đồng trường trong dự luật GDĐH. Ông cho rằng: “Các trường có Hội đồng trường để chịu trách nhiệm về quản trị nhà trường, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tất cả những vấn đề liên quan theo quy định nhà nước và đại diện nhà nước giám sát tính tự chủ quản lý của nhà trường”. TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, cũng cho biết dự thảo không thể hiện rõ một tư tưởng chủ đạo nào, có kết cấu vụn và được soạn thảo theo kiểu lắp ghép cơ học các điều khoản ở Luật Giáo dục (sửa đổi), điều lệ trường ĐH…
Trong một diễn biến khác, trước nhiều ý kiến đề nghị cần quy định về trường ĐH vì lợi nhuận và trường ĐH không vì lợi nhuận, ban soạn thảo đã bổ sung điều 10 trong dự luật GDĐH: “Khuyến khích cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận… Cấm lợi dụng các hoạt động GDĐH vì mục đích vụ lợi”. Cũng theo đó, tại điểm a, khoản 3 điều 65 của dự thảo, quy định phần tài chính chênh lệch thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học… sẽ được miễn thuế.
Đăng Nguyên
Bình luận (0)