Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất rút giấy phép phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức

27/10/2021 14:12 GMT+7

Giới làm phim Việt bày tỏ nhiều ý kiến trước đề xuất rút giấy phép hoặc dừng chiếu phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức hay pháp luật.

Trong buổi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa qua, bà Lê Thu Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, có đề xuất nên quy định dừng chiếu hoặc rút phép với tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của các nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, an ninh chính trị… Bà Lê Thu Hà cho biết theo dõi trên các phương tiện truyền thông vừa qua, bà thấy Trung Quốc đang làm một chiến dịch rất mạnh mẽ nhằm loại bỏ những “ngôi sao có lối sống lệch chuẩn” để nghệ sĩ phải trau dồi kỹ năng và Việt Nam cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình, cần đức trước khi cần tài.

Đại biểu Lê Thu Hà

Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Trước đề xuất này, giới làm phim Việt đã có nhiều cuộc bàn luận, trong đó nhiều ý kiến đồng tình và cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại để áp dụng một cách phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, điều kiện sản xuất, hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam. Trong đó, đạo diễn Võ Thanh Hòa ủng hộ những quy định nghiêm khắc để môi trường nghệ thuật tại Việt Nam lành mạnh hơn, không có những sự cố gây dư luận xấu và khi áp dụng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Võ Thanh Hòa nêu ý kiến: “Nếu chỉ nói diễn viên vi phạm đạo đức, phim bị cấm chiếu thì rất mông lung. Thế nào là vi phạm đạo đức? Cần cụ thể, làm rõ những điều vi phạm đó là gì, nên đưa ra nội dung cụ thể để nhà sản xuất và diễn viên nắm rõ, để nhà làm phim ghi rõ trong hợp đồng ”.

Nhà sản xuất - đạo diễn Nam Cito cũng cho rằng giới làm phim cần chú trọng tới công tác lựa chọn diễn viên và đưa ra các điều khoản yêu cầu bắt buộc diễn viên không vi phạm đạo đức, không scandal. Đạo diễn Bảo Nhân nói thêm rằng nghệ sĩ cần nghiêm khắc với bản thân, luôn phải có ý thức học hỏi, rèn luyện để nâng cao nền tảng kiến thức lẫn tài năng của mình, từ cơ bản đến nâng cao.

Trấn Thành và Lê Giang trong một cảnh phim Bố già

đpcc

Những đồn thổi từ dư luận khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng vẫn trôi nổi trên mạng xã hội

chụp màn hình

Nhà sản xuất Bích Liên nêu ý kiến: “Đạo đức là phạm trù rất rộng, khó có thể được định nghĩa một cách rõ ràng và cụ thể như thế nào là vi phạm nặng, nhẹ để mà áp vào từng trường hợp. Còn dính tới pháp luật thì dễ phân xử rồi, có tội thì phạt và ngồi tù, bộ phim có diễn viên chính như thế tất nhiên phải chịu ảnh hưởng. Tùy mức độ mà chúng ta nên có quy định tạm dừng chiếu phim một thời gian, hoặc chỉnh sửa cấu trúc phim, thay đổi diễn viên… để bộ phim vẫn có thể hoàn thành, ra mắt khi nhà sản xuất đã tốn quá nhiều công sức, tiền của. Vì thế, nhà sản xuất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, dù không có luật cấm, rằng nên và không nên mời ai, có cần thiết phải mời diễn viên có nguy cơ gây rắc rối hay không; và cần có hợp đồng cam kết giữ hình ảnh của nghệ sĩ để không ảnh hưởng đến dự án đang tham gia”.

Đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng chưa có cơ sở, điều luật cụ thể nào quy định nhà sản xuất quản lý đời tư diễn viên, nhất là khi quay phim chỉ có mấy tháng. Vì thế, phim bị cấm chiếu sẽ rất thiệt thòi cho nhà sản xuất, do bộ phim có cả trăm người tham gia ở nhiều khâu, chứ không phải chỉ có một diễn viên mà làm nên bộ phim. “Hợp đồng ký kết với diễn viên hiện nay chỉ giao kèo không được tiết lộ nội dung, tuân thủ các quy định làm việc, lịch trình… Cát-sê của diễn viên hiện cũng không cao nên không thể bắt họ bồi thường gấp trăm lần cho bằng kinh phí cả bộ phim được”, đạo diễn phim Người lắng nghe chia sẻ.

Nhà sản xuất - diễn viên Hồng Ánh cũng cho biết: “Nghệ sĩ cần nâng cao nhận thức hành xử trong đời sống - xã hội để không bị dính vào các quy định xử phạt trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, không bị khán giả phản ứng mạnh đến mức quay lưng, giúp thị trường nghệ thuật lành mạnh và chuyên nghiệp hơn. Tôi vẫn băn khoăn ở chỗ điện ảnh là một công trình tập thể mà mỗi người đạo diễn, diễn viên, quay phim… là một mắt xích không thể tách rời. Vậy, nếu vì một diễn viên mà bỏ cả bộ phim liệu có hợp lý hay không? Những cái về phạm trù đạo đức cá nhân thì không nên xem xét để cấm một bộ phim phát hành, trừ những tác phẩm vi phạm các quy định cấm của Luật Điện ảnh. Đặc biệt, nghệ sĩ bị đánh giá là vi phạm phải dựa vào kết luận của cơ quan chức năng, chứ không phải là những đồn đoán từ dư luận mà chưa có sự rõ ràng”.

Nhà sản xuất Dung Bình Dương (bìa phải) từng lên tiếng phạt hợp đồng diễn viên Kiều Minh Tuấn khi cho rằng ê kíp của anh tự gây scandal "phim giả tình thật" khiến bộ phim Chú ơi đừng lấy mẹ con bị khán giả tẩy chay

đpcc

Việc nghệ sĩ để dính scandal, vi phạm đạo đức, pháp luật hoạt động trong nghề ắt hẳn tác động tiêu cực đến môi trường nghệ thuật lẫn công chúng trẻ (khi họ nhìn vào thấy làm sai phạm vẫn chẳng hề hấn gì), cũng như sự phát triển văn hóa chung của xã hội. Hiện tại, có thể thấy trên rất nhiều diễn đàn bàn chuyện showbiz ở mạng internet, đông đảo ý kiến khán giả đều bày tỏ nên cấm sóng, cấm phổ biến tác phẩm nghệ thuật, trong đó có tác phẩm điện ảnh của nghệ sĩ vướng scandal. Tuy nhiên, cũng cần hiểu cho thế khó của các nhà sản xuất, đạo diễn hiện giờ khi họ cũng bày tỏ rằng không một nhà kinh doanh nào dám mạo hiểm chọn diễn viên có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến bộ phim để rồi mất cả gia tài của mình. Ai cũng hiểu ngoài Luật Điện ảnh còn nhiều luật khác quy định người nghệ sĩ với vai trò là công dân. Nghệ sĩ sai phạm lĩnh vực nào thì chịu trách nhiệm pháp luật ở lĩnh vực đó như mọi công dân khác.

Trong dự thảo Luật Điện ảnh, ở khoản 1 Điều 10 đã quy định đến 12 điểm cụ thể các nội dung bị cấm trong hoạt động điện ảnh. Trong đó, tại điểm m khoản 1 Điều 10 còn quy định: “Các nội dung bị cấm bởi luật và các quy định hành chính khác”. Điều này cũng có nghĩa trong Luật Điện ảnh, một bộ phim còn có thể bị chi phối bởi các luật, quy định khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.