Nhìn lại những tổng thống Mỹ từng rời Nhà Trắng sau một nhiệm kỳ

09/01/2021 09:00 GMT+7

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump là một trong số ít các tổng thống Mỹ đã thất cử khi tái tranh cử nhiệm kỳ 2. Lần cuối cùng điều này xảy ra là vào năm 1992, khi Tổng thống George H. W. Bush bị ông Bill Clinton đánh bại. 8 năm sau đó, Phó Tổng thống Al Gore lại bị ông George W. Bush đánh bại. Video sau đây sẽ giới thiệu những lần chuyển giao quyền lực hiếm hoi trên.

Điểm chung của cựu tổng thống Jimmy Carter và George H. W. Bush cùng Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump là họ đã thất cử trong lần tái tranh cử tổng thống và phải rời Nhà Trắng sau chỉ 1 nhiệm kỳ.
Hai cựu quan chức từng trải qua thời kỳ chuyển giao quyền lực được là đầy căng thẳng giữa một tổng thống đương nhiệm bị thất cử và người tiền nhiệm chia sẻ về các trải nghiệm "có một không hai" của họ.

Tổng thống đương nhiệm George H. Bush và Tổng thống tân cử Bill Clinton trước Nhà Trắng vào ngày 18.11.1992.

AP

“Lần chuyển giao có vẻ căng thẳng hơn mà tôi có tham gia là khi Bill Clinton thay thế George H. W. Bush. Tôi là người đảm trách toàn bộ quá trình chuyển giao. Lần chuyển giao quyền lực đó rất thân thiện dù hoàn cảnh diễn ra khá cay đắng, khi một tổng thống đương nhiệm ra tái tranh cử nhiệm kỳ hai mà không thắng cử, và một thống đốc bang Arkansas mới mẻ, trẻ trung đến thay thế ông”, theo Andrew Card, Phó chánh văn phòng của cựu Tổng thống George H. W. Bush.
“Tuy nhiên, tinh thần được thống nhất từ cấp lãnh đạo và Tổng thống George H. W. Bush đảm bảo rằng tất cả chúng tôi rất hợp tác. Đó là lần mà theo tôi là quá trình chuyển giao quyền lực kiểu mẫu từ một tổng thống vừa kết thúc 1 nhiệm kỳ, đã hy vọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 nhưng phải nhường bước cho tổng thống mới”, ông Andrew Card nói thêm.

Ông Andrew Card và cựu Tổng thống George H. Bush trong Phòng Bầu dục.

Nhà Trắng

Năm 2000, ông Al Gore, với cương vị phó tổng thống đương nhiệm, thất cử trước ông George W. Bush. 
Ron Christie, Phụ tá đặc biệt của Tổng thống George W. Bush kể lại quá trình chuyển giao quyền lực thời điểm đó: "Với Phó Tổng thống Gore hồi năm 2000 thì tinh thần chung là tôn trọng và lịch sự đầy chuyên nghiệp, tôi nghĩ nói chung các nhân viên đều nhã nhặn với nhau”.
“Từ Bill Clinton đến George W. Bush thì chắc chắn nhiều thách thức hơn. Có nhiều trò nghịch phá nhắm vào các nhân viên Nhà Trắng mới xuất hiện. Và đúng là có nhiều máy tính bị gỡ phím W ra khỏi bàn phím. Tôi thấy đó là một cách chọc ghẹo, chế nhạo. Nhưng nhìn chung họ vẫn rất thân thiện, rất hòa bình. Bởi vì theo tôi họ nhận ra rằng, bất kể là bạn thuộc đảng phái nào thì đây là vấn đề của quốc gia, không phải chuyện cá nhân”, ông Ron Christie nói thêm.

Ông Ron Christie, Phụ tá đặc biệt của Tổng thống George W. Bush.

Nhà Trắng

“Và có vài điện thoại bị kết nối sai nên nếu bạn gọi điện thoại cho một văn phòng thì nó reo chuông ở văn phòng khác. Nhưng tôi xem những chuyện đó như kiểu anh em trong nhà đùa giỡn với nhau. Đúng là gây rắc rối, nhưng không gây nguy hiểm”
Việc mất Nhà Trắng đem lại cảm giác thế nào?
“George H. W. Bush chắc chắn là thất vọng vì ông ấy không tái đắc cử. Ông ấy cũng xuống tinh thần. Cùng lúc ông ấy hiểu rằng dấu ấn lớn của dân chủ chính là khả năng chuyển giao quyền lực từ một lãnh đạo đến lãnh đạo khác dù ông ấy không muốn điều đó xảy ra", theo ông Andrew Card.
"Và có một dịp tôi hỏi ông ấy là: “Tổng thống, ông cảm thấy thế nào khi thất cử? Ông ấy nhìn tôi và bảo rằng ông cảm thấy như đã khiến gia đình mình thất vọng, khiến người ủng hộ thất vọng nhưng ông vẫn cảm thấy mình đã làm mọi thứ có thể cho đất nước này. Đó là một cuộc trò chuyện cá nhân, thân mật và thú vị, cho thấy ông ấy lo lắng về những người xung quanh nhiều hơn là ông ấy lo lắng về tầm ảnh hưởng của việc thất cử đến cá nhân ông ấy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.