Nhìn trang phục, biết tính cách và cảm xúc

Tạ Ban
Tạ Ban
03/07/2019 10:10 GMT+7

Nhìn xem bạn bè, đồng nghiệp… mặc quần áo, trang phục như thế nào và thử bí kíp đọc vị dưới đây xem có đúng không nhé.

Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm cho biết màu sắc, sự thoải mái, vừa vặn và kiểu dáng quần áo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tự tin của chúng ta. Hơn 96% người tham gia khảo sát tiết lộ sự thay đổi trạng thái cảm xúc của họ đồng hành với sự thay đổi trong phong cách ăn mặc.
Ví dụ, một nhóm các bác sĩ đã được trao “áo khoác phòng thí nghiệm màu trắng” và được yêu cầu thực hiện một loạt các xét nghiệm. Một nhóm các bác sĩ có trình độ tương đương khác được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ tương tự mà không có áo kia. Nhóm mặc áo khoác phòng thí nghiệm thực hiện xét nghiệm hoàn hảo, trong khi những người mặc quần áo bình thường mắc nhiều lỗi hơn. Thí nghiệm đã được lặp lại và mỗi lần, kết quả đều như nhau, theo Entrepreneur.
Các chuyên gia cho rằng quần áo không chỉ nói “về” bạn với người khác, mà chúng cũng nói “với” bạn. Những “tín hiệu” đơn giản thông qua quần áo, chẳng hạn như một khuôn mặt cười lớn trên áo phông, được chứng minh là làm cho người ta hạnh phúc hơn và thoải mái hơn. Những người thay quần áo tập thể dục khi thức dậy cảm thấy được nạp năng lượng sẵn sàng tập thể dục nhiều hơn.
Dưới đây là một số màu sắc trang phục có tác động lớn đến tâm trạng, theo Entrepreneur:
Màu trắng - trạng thái cảm xúc sạch sẽ, tươi mát, tinh khiết, tập trung.
Màu vàng - hạnh phúc.
Màu đỏ - phấn khích, gợi cảm (lạm dụng có thể là dấu hiệu của việc tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài).
Xanh dương nhạt - sự thanh thản, chuyên nghiệp.
Xanh dương đậm - tính nhất quán, đáng tin cậy (lạm dụng có thể biểu thị tâm trạng chán nản).
Xanh lá cây - chữa lành, làm dịu (lạm dụng một số sắc thái nhất định của màu xanh lá cây có thể biểu thị sự đố kị).
Màu cam - năng lượng, nhiệt huyết.
Màu hồng - lãng mạn.
Màu nâu - căn cơ, đáng tin cậy (lạm dụng có thể có nghĩa là mặc cảm thấp kém).
Màu đen - sức mạnh (lạm dụng liên tục có thể biểu thị năng lượng thấp hoặc tâm trạng xấu).
Màu tím - tâm linh, thần bí.
Ngoài ra, những người hạnh phúc hơn thường quan tâm đến việc ăn mặc đẹp, những người bị chấn thương thì mặc đồ xuề xòa hơn. Ví dụ, người trầm cảm có xu hướng mặc quần áo không vừa vặn. Còn người được chẩn đoán lo lắng lại làm điều ngược lại - họ bị ám ảnh, quan tâm thái quá về trang phục ở mức độ không lành mạnh. Bằng cách thay đổi trang phục, những người có vấn đề tương tự đã có thể cải thiện trạng thái tinh thần trong ngày của họ, theo Entrepreneur.
Nghiên cứu chỉ ra rằng phong cách quần áo lặp đi lặp lại có thể là dấu hiệu của việc không muốn tiếp xúc hay thử trải nghiệm mới, người mới - không mở lòng cho thêm màu sắc và niềm vui vào cuộc sống.
Tuy nhiên, những người như Steve Jobs và Mark Zuckerberg mặc cùng kiểu quần áo ngày này qua ngày khác thì sao? Họ thành công tột đỉnh nhưng cũng chịu nhiều chấn thương tinh thần. Steve Jobs từng thổ lộ nỗi đau tình cảm của mình, trong khi Zuckerberg được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger. Tom Ford và Karl Lagerfeld thì khác, họ mặc tuxedo gần như hằng ngày nhưng luôn thêm thắt trên trang phục nhiều họa tiết, hoa văn, đường cắt và phụ kiện khác nhau, vì vậy, không có sự đơn điệu, theo Entrepreneur.
Không thể khẳng định 100% những gì mặc thường xuyên có liên quan đến tâm trí. Tuy nhiên, quần áo có thể tác động ít nhiều đền năng lượng cảm xúc và tinh thần của chúng ta. Điều này cũng được cảm nhận bởi những người ta tiếp xúc.
Do vậy, khi lựa trang phục, cần nhớ quần áo ảnh hưởng đến tâm trạng và tâm trạng cũng bị ảnh hưởng bởi quần áo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.