Nhìn về Hoàng Sa

17/01/2016 04:59 GMT+7

Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng ở lưng chừng núi Thới Lới, một trong 5 miệng núi lửa làm nên hòn đảo này.

Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng ở lưng chừng núi Thới Lới, một trong 5 miệng núi lửa làm nên hòn đảo này.

Phác thảo cụm tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa - Ảnh: Duy PhươngPhác thảo cụm tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa - Ảnh: Duy Phương
Sáng nay, 17.1, tại núi Thới Lới, đảo Lý Sơn, Tổng liên đoàn Lao động VN và tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ khởi công xây dựng khu tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa nhằm tri ân những người con của Tổ quốc đã bỏ mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng suốt chiều dài lịch sử mở cõi và giữ đất của cha ông ta.
Đây là biểu tượng của lòng yêu nước được nhiều thế hệ người Việt trên đảo Lý Sơn nói riêng và người dân VN nói chung gìn giữ và nuôi dưỡng từ đời này sang đời khác. Nó luôn khẳng định rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh và giai đoạn lịch sử nào thì các thế hệ người Việt vẫn không quên một phần máu thịt của Tổ quốc nơi Hoàng Sa đang bị ngoại bang chiếm đóng trái phép.
Kết nối những tấm lòng Việt
Tháng 3.2015, tại bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN đã tổ chức lễ khởi công xây dựng tượng đài liệt sĩ Gạc Ma. Đây được xem như ngôi mộ gió lớn nhất dành cho 64 chiến sĩ QĐND VN đã ngã xuống để bảo vệ đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của VN vào ngày 14.3.1988. Sở dĩ gọi cụm tượng đài này là “mộ gió” vì cho đến hôm nay, sau gần 28 năm kể từ ngày ngã xuống trước họng súng của quân thù, thân xác các anh đã tan vào lòng biển thẳm.
Tại buổi lễ đó, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN đã có lời nguyện trước vong linh các liệt sĩ rằng, sau tượng đài Gạc Ma sẽ có một cụm tượng đài khác nhằm tri ân các thế hệ người Việt đã ngã xuống tại Hoàng Sa, trong đó có 74 người lính VNCH đã vĩnh viễn nằm lại vào mùa xuân năm 1974. Lời nguyện ấy giờ đã thành hiện thực ngay tại đảo Lý Sơn - nơi mà nhiều thế hệ người Việt xem như một tiền đồn vững chãi, làm điểm tựa cho những chuyến hải hành bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.
Hai năm trước, vào ngày 14.3.2014, một cuộc gặp mặt lịch sử do Tổng LĐLĐ VN tổ chức mang tên “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” diễn ra tại Đà Nẵng. Nói “lịch sử” là bởi, tham dự buổi gặp mặt ấy có những nhân chứng lịch sử đến từ “hai phía”. Cả những người lính VNCH hoặc thân nhân của họ lẫn những chiến sĩ QĐND VN đã “ngồi lại” với nhau để nói về những người đồng đội của họ đã ngã xuống tại Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988 để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc trước một kẻ thù chung là quân xâm lược Trung Quốc. Dù là ở phía bên nào thì cũng là con dân đất Việt. Hoàng Sa hay Gạc Ma đều là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc VN chúng ta. Chính những địa danh ấy đã làm nhịp cầu kết nối những tấm lòng người Việt từng một thời chịu cảnh cốt nhục phân ly.
“Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” đã góp phần hàn gắn những vết đau của quá khứ bằng những hành động cụ thể từ những tấm lòng cảm thông và chia sẻ với những hoàn cảnh éo le của thân nhân các liệt sĩ ở Gạc Ma năm 1988 và các tử sĩ ở Hoàng Sa năm 1974. Lời kêu gọi được phát ra từ cuộc gặp “nghĩa tình” ấy không những được đồng bào trong nước hưởng ứng và ủng hộ mà kiều bào ở nước ngoài cũng hoan nghênh và chung tay góp sức. Rất nhiều thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma và các tử sĩ Hoàng Sa giờ đây đã có những ngôi nhà khang trang từ nguồn tiền ủng hộ và chia sẻ đó… Những tấm lòng người Việt trên đất nước hình chữ S và cả bốn phương trời đã được “kết nối” từ nghĩa cử hết sức cao đẹp này.
Núi Thới Lới - nơi xây dựng khu tượng đài. Ảnh: T.Đ
Mẹ là ngọn hải đăng
Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng ở lưng chừng núi Thới Lới, một trong 5 miệng núi lửa làm nên hòn đảo này. Chọn địa điểm để xây cụm tượng đài ngay tại hòn núi lớn nhất đảo Lý Sơn là có chủ ý. Vị trí này là chỗ dễ trông thấy nhất nếu nhìn từ biển vào. Tượng là hình ảnh một người mẹ, tay cầm ngọn đèn, mắt nhìn về hướng Hoàng Sa. “Tại sao không là tượng một binh phu thuở trước hay một người lính hôm nay mà là hình ảnh một người mẹ cầm ngọn đèn đặt ngay trái tim mình?”. Kiến trúc sư Trần Văn Dũng, tác giả của đề án “Người mẹ thắp lửa - Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng” - đề án được chấm giải nhất trong cuộc thi thiết kế xây dựng khu tưởng niệm, lý giải: “Đề bài mà ban tổ chức đưa ra là biểu tượng phải có tính phổ quát cao, bao hàm nhiều ý nghĩa nên đó là thử thách lớn cho các kiến trúc sư. Tôi chọn người mẹ cầm ngọn đèn là phương án tối ưu nhất để đạt được yêu cầu “tính phổ quát cao, bao hàm nhiều ý nghĩa” như đề bài”. Ông Dũng kể, trước khi phác thảo đề án này, ông đã nhiều lần đến đảo Lý Sơn và chứng kiến cảnh những người phụ nữ ở trên bờ ngóng chồng, con của họ sau mỗi chuyến ra khơi. Ban đêm, cả một vùng biển đảo, đèn sáng như sao sa. Những người phụ nữ trên bờ vẫn luôn dõi theo từng cái nhấp nháy như sao trời ấy và cầu mong cho người thân mình được bình yên. Thời nào cũng vậy, phụ nữ là người chịu thiệt thòi nhất. Chỉ có hình ảnh người mẹ mới đại diện cho tất cả các “thành phần” và nhiều thế hệ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa không chỉ là những binh phu thuở trước hay người lính hôm nay mà còn có cả những ngư dân ngày đêm bám biển nữa. Người mẹ cầm ngọn đèn như một ngọn hải đăng để làm điểm tựa cho đàn con đang tham gia bảo vệ lãnh hải quốc gia đồng thời cũng “soi đường” cho những đứa con đã hy sinh tìm về mỗi khi nhắc đến họ. “Ngọn đèn” ấy cũng bao hàm cả ý nghĩa là soi rọi Hoàng Sa một ngày nào đó sẽ trở về với đất mẹ VN.
Ý tưởng này đã trùng với điều mà TS Nguyễn Nhã đã có lần tâm sự với chúng tôi: “Cần phải nhắc đến Hoàng Sa liên tục cho con cháu chúng ta thuộc nằm lòng địa danh này, để rồi đến một lúc nào đó, chúng ta giành lại. Một ngàn năm chúng ta chịu cảnh “Bắc thuộc” nhưng cuối cùng rồi chúng ta cũng giành được độc lập đó thôi. Vậy thì tại sao lại không tin Hoàng Sa đến một lúc nào đó sẽ trở về với đất mẹ VN?”.
Còn hai hôm nữa (19.1.1974 - 19.1.2016), chúng ta lại tưởng niệm 42 năm ngày xảy ra trận hải chiến đẫm máu khiến 74 người con đất Việt phải ngã xuống tại Hoàng Sa. Xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa bằng hình ảnh của người mẹ cầm ngọn đèn soi rọi cho đàn con vững tâm giữ nước, đồng thời cũng là sự tưởng nhớ nhiều thế hệ người Việt đã nằm lại với Hoàng Sa, trong đó có 74 người lính ấy. Một hồi chuông tưởng vọng sẽ được gióng lên trong buổi lễ khởi công này. Hồi chuông ấy như một tín hiệu khép lại cánh cửa của quá khứ chia ly và thù hận mà lịch sử đã vô tình đặt lên vai dân tộc ta suốt mấy chục năm chiến tranh tang tóc, đồng thời mở ra một chân trời hòa hợp mà bao người con đất Việt đã và đang mong đợi.
Sự tiếp nối những chuyến hải hành của cha ông
“Việc xây tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa đã thể hiện sự quan tâm và đồng hành của đồng bào cả nước đối với Lý Sơn, nơi nhìn về Hoàng Sa gần nhất. Đáp lại lòng tin yêu đó, bất chấp những đe dọa, quấy phá của tàu Trung Quốc, hàng trăm tàu cá của ngư dân Lý Sơn vẫn ngày đêm bám trụ nơi vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đó như một sự tiếp nối những chuyến hải hành của cha ông từ hàng trăm năm trước ra Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền của đất nước”.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.