Nhớ chị Bội Trâm và đêm tân hôn lạ

05/04/2013 07:00 GMT+7

(TNTS) Bữa trước mình ra Huế, anh Ngô Minh nhắc mình, nói mi mần chi thì mần, cố sắp xếp thời gian viếng mộ anh Quán chị Trâm. Anh Ngô Minh nhắc hơi thừa, mình đã viếng mộ anh Quán chị Trâm cách đó mấy ngày, trước khi bù khú với anh em văn nghệ Huế.

Nhờ sáng kiến của Ngô Minh, những người yêu mến Phùng Quán đã nhiệt tình hưởng ứng, khu mộ vợ chồng nhà thơ Phùng Quán đã được cất lên phía tây làng Thủy Dương (quê Phùng Quán) phía nam thành phố Huế, đã trở thành một địa chỉ văn hóa cho khách thập phương, thật tuyệt vời.

Mình nhớ năm 1995, ngày đưa anh Quán về trời, an táng ở quê chị Trâm thuộc Nhổn, huyện Từ Liêm. Đám tang giữa mưa xuân. Từ khi đầu đám cho đến khi hạ huyệt mình không khóc. Nhưng khi hạ quan tài, thấy cái huyệt ngập nước, quan tài lún dần trong nước mình đã bật khóc. Chị Bội Trâm cũng xỉu đi, có lẽ chị không chịu nổi khi thấy anh Quán phải nằm trong nước. Liền mấy năm sau đó, ngày giỗ anh Quán nào chị Trâm cũng nói chuyện với mọi người ước nguyện của chị là đưa anh Quán về Thủy Dương quê anh.

 

Chị nhắc đi nhắc lại hoài nghe thật sốt ruột. Từ khi anh Quán mất, chị mỗi ngày mỗi héo đi. Gặp mình lần nào cũng nói chuyện anh Quán, chỉ nói chuyện anh Quán không nói chuyện nào khác. Chị nói anh Quán đã cho chị sống như chị muốn, giờ anh mất rồi, chỉ một ước nguyện cuối cùng là đưa anh về Thủy Dương, mai mốt chị về trời, chị cũng muốn về Thủy Dương với anh Quán. Rồi ngước lên bàn thờ rưng rưng nhìn anh Quán, chị chép miệng nói hoàn cảnh mình đành trông cậy hết vào bạn bè.

Hai chục năm sau ước nguyện của chị Bội Trâm mới thành. Thực ra việc đưa anh Quán về quê không khó. Họ hàng nhà anh Quán đã xin làng Thủy Dương một mảnh đất làm khu mộ, bất kỳ khi nào chị Trâm muốn anh Quán về quê họ cũng sẵn sàng. Nhưng khi chị Trâm còn sống không ai nỡ đưa anh Quán về quê, chị ở Hà Nội anh nằm ở Huế sao đành. Ngày giỗ tết chị phải về Huế thắp hương, đường sá xa xôi rất vất vả cho chị. Cho nên hai năm sau ngày chị Bội Trâm về trời anh Ngô Minh mới bàn với họ hàng anh Quán đưa anh chị về Huế.

Anh Ngô Minh là người có công rất lớn trong việc đưa chị Trâm, anh Quán về Huế, tạo nên khu mộ vợ chồng nhà thơ đầu tiên của cả nước. Vợ chồng về trời được xây mộ bên nhau thì nhiều nhưng đó là do con cái dựng nên, việc vợ một nhà thơ được bạn bè và họ hàng nhà thơ kính cẩn rước về quê ở trong khu mộ của nhà thơ là chuyện xưa nay hiếm. Có lẽ chị Bội Trâm là người duy nhất được hưởng cái phúc này, bởi vì chị là vợ nhà thơ xưa nay hiếm.

Chị Trâm bằng tuổi anh Quán, năm 23 tuổi chị là cô gái xinh đẹp phố Hàng Cân, là giáo viên văn trường Chu Văn An, trường học danh giá ở Hà thành. Năm 1955 chị gặp và yêu anh Quán ngay trong năm đó, năm mà anh Quán mang cái án Nhân văn giai phẩm. Anh Quán năm trước vừa về Văn nghệ quân đội ở 4 Lý Nam Đế năm sau đã bị buộc phải rời khỏi đây. Cuốn sách Vượt Côn Đảo được giải thưởng, nổi tiếng như cồn khắp cả nước cũng không cứu được anh, Hội Nhà văn khai trừ anh khỏi hội. Từ nhà văn quân đội danh giá Phùng Quán bỗng trở thành kẻ vô gia cư, một homeless hưởng trợ cấp của Hội Nhà văn mỗi tháng 25 đồng, tiền cơm bụi cho loại nhà văn bị treo bút. Thế cũng gọi là may, nhiều người không một xu trợ cấp.

Chuyện chị Bội Trâm yêu Phùng Quán gian nan thế nào có thể viết cả một cuốn sách. Chị Trâm không kể cho ai nghe, lần nào mình hỏi chị cũng chép miệng nói cực lắm em à, nhắc lại thêm buồn. Nhưng anh Quán thì kể, kể rất nhiều, cứ mỗi lần hai người cãi nhau, giận nhau vì chuyện gì đó anh Quán thường đem chuyện chị Trâm quyết lấy anh kể cho mọi người như là lý do vì sao họ không thể chia tay nhau được.

Thời đó việc chị Trâm quyết yêu anh Quán đúng là chuyện lạ. Nhà trường kiểm điểm, gia đình ruồng bỏ, họ hàng bà con ai ai cũng phản đối. Mẹ chị uất quá, vừa khóc vừa mắng chị, nói lấy chồng như thế thì thà nhảy xuống giếng cho xong. Chị Trâm vẫn không nao núng, nói con đã yêu anh Quán nên con không thể yêu người khác. Nếu bố mẹ không cho con lấy, con xin vâng lời, nhưng con sẽ không lấy người đàn ông nào khác nữa. Cuối cùng bố mẹ chị cũng phải xuống thang cho cưới.

Thực ra anh Quán chị Trâm được đăng ký kết hôn thôi còn lễ cưới đã không xảy ra. Trăm sự vì cái tên Phùng Quán. Họ sợ cái tên Phùng Quán có trong thiệp cưới liệu có mấy ai dám đến dự? Bạn bè anh Quán hầu hết đã cắt đứt quan hệ, lặn một hơi không sủi tăm, anh này chê anh kia hèn nhưng hễ gặp anh Quán anh nào cũng mắt trước mắt sau chuồn lẹ. Bạn bè văn nghệ vẫn gần gũi với anh Quán như nhà thơ Tạ Vũ, nhà báo Xuân Đài, họa sĩ Lê Huy Quang, nhà báo Xuân Trung... thật là hiếm.

Phông chính đám cưới thời đó thường có đôi bồ câu cắp mỏ nhau, tên cô dâu chú rể được treo lên đấy. Nếu đám cưới xảy ra, bà con hai họ thấy cái tên Phùng Quán, liệu có ai dám bước vào hôn trường nữa không?

Nghĩ vậy nên họ không làm đám cưới, chỉ gửi trầu cau báo hỉ, cũng chỉ báo hỉ tên chị Trâm: “Trầu cau chạm ngõ của cô Trâm”, ngay cái từ cưới cũng không dám dùng, chỉ dám nói “ra riêng”. Anh Ngô Minh tìm được cái thiệp báo hỉ do họa sĩ Lê Huy Quang vẽ, “mặt trước là hai bông hoa do bạn thân, họa sĩ Lê Huy Quang vẽ, mặt sau có đôi chim bồ câu và mấy chữ của Phùng Quán viết tay. Đây là thiếp báo tin gửi cho cô giáo Mai Thị Từ của chị Trâm: “Chúng em đã ra ở riêng ngày 12.1.1962. Chúng em nhờ những bông hoa này mang tin vui đến với cô. Mong cô chia vui và mừng cho hạnh phúc của chúng em”.

Anh Ngô Minh đã nói về đám cưới anh Quán chị Trâm thế này: “Chị Vũ Bội Trâm có lẽ là người con gái Việt Nam duy nhất lấy chồng không có lễ tơ hồng, không đám cưới, không được mặc áo cưới, không lên xe hoa, không có đưa dâu, không có  phòng tân hôn sang trọng, không chụp ảnh, quay phim... như các đám cưới bình thường khác...”. Nghe mà ứa nước mắt. Vợ chồng Phùng Quán tổ chức tiệc cưới tại nhà bà Tưởng Dơi, mẹ nuôi của Phùng Quán. Bữa tiệc có vợ chồng Tạ Vũ và hai nhà báo Xuân Đài, Xuân Trung. Anh Ngô Minh kể Phùng Quán ra chợ mua hai con gà, ra hồ Tây câu trộm ít cá, cùng với mấy lít rượu ký nợ nhà bà Hai Hạnh... thế là thành bữa tiệc. Mình hỏi anh Quán, anh cười, nói đâu có, mọi việc do bà mẹ nuôi lo cả. Sau này mới cá trộm rượu chịu văn chui chứ khi đó chẳng dám làm gì, chỉ biết trông vào 25 đồng trợ cấp của Hội Nhà văn, cực lắm.

Sau bữa tiệc là đêm tân hôn. Nhà bà Tưởng Dơi nhỏ hẹp, chỉ hơn chục mét vuông chỉ có hai cái giường đơn, loại giường tập thể hồi đó rộng chừng một mét, dài chừng mét sáu, anh Quán một giường, bà Tưởng Dơi một giường. Bữa đó Tạ Vũ say, phải ngủ lại không về được, bà Tưởng Dơi phải nhường giường cho họ, bà nằm võng. Vì nhà chỉ hơn chục mét vuông, để có khoảng không mắc võng, hai cái giường phải xếp lại gần nhau. Đêm tân hôn vợ chồng Phùng Quán nằm sát giường vợ chồng Tạ Vũ.

Họ nằm im bên nhau, không dám ôm nhau, không dám hôn nhau dù là cái hôn rất khẽ. Họ nằm ngửa, tay nắm chặt tay thở đều cố làm như mình đang ngủ ngon, kỳ thực trắng đêm không ai chợp mắt.

Đó là đêm tân hôn có một không hai khắp thế gian này.

Nguyễn Quang Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.