Nhớ chợ Tết làng xưa

07/01/2006 21:30 GMT+7

Trước cách mạng tháng 8/1945, làng Trung Phước cắt rốn chôn nhau của tôi có sáu phái (thôn) là: Gà Tan thượng, Gà Tan hạ, phái Thị, phái Trung, Trà Viên và Giáp Nam. Chợ làng lập ngay tại phái Thị, lấy tên làng làm tên chợ: chợ Trung Phước (Quảng Nam). Dầu đi đâu về đâu, ngày nay mỗi lần Tết đến tôi lại mang mang nhớ nhung cái "hồn" của chợ quê xưa. Tấm "hồn" đó là do sự lắng đọng của quang cảnh chợ Tết của làng tôi, đã sống lâu bền trong tâm thức tôi.

Chợ Tết khởi sự từ 25 tháng Chạp âm lịch, mỗi ngày sau đó càng đông thêm và cao điểm là buổi sáng 30 Tết (năm nào tháng Chạp thiếu là sáng 29), ghe, đò đậu chật cả hai bến, chiếc nào đến trễ tìm một chỗ đậu thật gay go. Người họp chợ đông đến mức tràn ra cả đường cái, ngõ kiệt và hai lối xuống bến sông.

Các tiệm cố định tại chợ đã lo đủ những mặt hàng Tết từ trước tháng Chạp. Họ mua sỉ hàng từ Đà Nẵng, Hội An và tải về bằng những chiếc ghe lớn có mui, chạy buồm, chủ yếu là vải vóc, bánh kẹo, rượu chai, pháo và gạo tốt của Sài Gòn mà bà con địa phương quen gọi là gạo lương. Có lẽ loại gạo chà bằng máy này được nơi nào đó dùng để phát lương nên bà con gọi như thế để phân biệt với gạo ruộng thông thường còn xay, giã bằng tay. Cụm hàng Tết kể trên quy thành nhóm "hàng khô" đầy màu sắc hấp dẫn.

Nhóm "hàng tươi" phải kể trước nhất là những sạp thịt heo. Tết ở đây chỉ chú trọng thịt heo chứ không thêm thịt bò, trâu, dê, cừu như nhiều nơi khác. Kế đến là những dãy bán rau quả. Loại hàng này không bày lên sạp mà sắp những gánh hàng thành hàng dài trên nền chợ. Rau quả các loại hái từ những vườn của làng Đại Bình bên kia sông nổi tiếng là ngon nhất tỉnh và luôn chiếm lĩnh ưu thế tuyệt đối tại chợ Trung Phước trong ngày thường cũng như mấy phiên chợ Tết.

Cụm "hàng sống" gồm gà, vịt và cá đồng. Ngày Tết, bà con ở đây không chuộng cá biển, cá sông mà lại ưa cá đồng. Có lẽ vì cá đồng khi chế biến thành món, nhất là các kiểu kho độc đáo của Quảng Nam như kho nghệ, kho lót mía, kho lá gừng, kho "ba mươi lửa"... Mấy ngày giáp Tết, bà con địa phương tháo hồ, tát đìa, tát khe bắt cá dành bán chợ Tết. Vào thời điểm này, các loại tràu, trê, rô, thác lác... đều lớn và mập trông rất hấp dẫn.
Quãng đường cái trước chợ là những gánh nếp, đậu, đường, lá dong, lá chuối, lạt dang của số bà con buôn bán "nghiệp dư" cần có thêm ít tiền tiêu Tết.

Mặt hàng văn hóa chỉ dồn trong một tiệm ở đầu dốc chợ xuống bến đò. Tiệm bày bán những loại tranh in như "Nhị thập tứ hiếu", "Tây du", "Bát tiên quá hải", đối liễn xuân... Ông chủ tiệm là một cụ đồ, miệng luôn ngâm thơ. Ông có một cuốn Kiều được trịnh trọng bọc trong vải hồng điều để khách bói quẻ đầu năm và nghe ông giảng. Tại tiệm, vào mấy ngày cận Tết, ông sẵn lòng “cho” một câu đối xuân và viết luôn trên giấy hồng đơn nếu có khách "thỉnh". Gọi là "cho" và "thỉnh" để trọng đạo thánh hiền chứ khách phải trả công viết và "nhuận bút" xứng đáng. Khách nhờ ông bói Kiều cũng thế. Tuy nhiên, trong niềm hưng phấn tống cựu nghinh tân, khách nào nhờ được ông giúp xong hai việc trên cũng đều tỏ ra thập phần hoan hỉ.

Chẳng biết từ đâu tới, năm nào cũng vậy, hễ đến mấy phiên chợ Tết lại xuất hiện nhóm người bán loại hàng được gọi là "hàng Nha Trang". Đây là những vật thờ, vật dụng và đồ chơi cho trẻ con được làm bằng đất nung, có màu lòe loẹt. Những bộ tam sự, ngũ sự cho bàn thờ, những ống đựng bút có con nai hay ông tiên, bộ ba Phúc Lộc Thọ, những dĩa ngũ quả, ông địa bụng bự ngồi cười toe toét... Bọn trẻ chúng tôi khoái nhất trong nhóm "hàng Nha Trang" này là những con gà kéo, con vịt, con chim, con ốc màu mè, thổi lên kêu te te, muốn chọn con giọng cao, giọng trầm tùy thích. Người ta bày "gian hàng" này lộ thiên tại góc chợ xế cổng đình làng và bán rất chạy. Theo mẹ hay chị đi chợ Tết, bọn trẻ chúng tôi thế nào cũng thủ sẵn tiền để khi đến chợ thì tách lẹ để mua vài "con Nha Trang". Phiên chợ Tết thêm phần om sòm bởi những tiếng gáy, tiếng hót, tiếng kêu của các con vật bằng đất nung ấy.

Chợ Tết quê tôi, ngoài màu sắc, tiếng động, phẩm vật... còn có một mùi thơm chung rất Tết. Đó là mùi tổng hợp của các loại rau thơm, củ, quả thơm; mùi hồ vải, áo mới; mùi hương, trầm đốt "quảng cáo" tại các cửa tiệm, mùi thơm của các loại bánh Tết. Tất cả đã làm nên chất "hồn" của chợ Tết làng xưa. Dân gian bảo: "Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa". Vào phiên chợ Tết làng xưa, ai cũng thấy vẻ trù phú, no ấm, "chịu chơi" của bà con ta khi Tết đến Xuân về, nét cơ cực tạm thời được cất đi vào thời điểm vui đón tân niên. Đã rất lâu rồi tôi chưa được một lần về thăm lại phiên chợ Tết của làng xưa. Chắc rằng "chợ Tết ngày nay" ở quê tôi cũng như bao nơi khác đã có nhiều đổi thay, có thêm nhiều thứ và mất đi nhiều thứ... nhưng cái "hồn" của chợ quê thì vẫn được giữ như xưa. Mong là như thế.

Tường Linh
(nhà thơ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.