TNO

Nhớ hương vị Tết xưa

29/01/2015 09:41 GMT+7

Đối với người dân quê mộc mạc, tết là dịp nghỉ “xả hơi” nên ai cũng gác lại việc ruộng đồng, thậm chí kiêng cử đụng tới cái cuốc, cái xẻng trong 3 ngày tết vì sợ sẽ bị… cực suốt năm.

1 - Chẳng gọi là ăn tết lớn nhưng trước năm 1975, người dân ở nông thôn vùng châu thổ sông Cửu Long thường chuẩn bị đón tết từ hơn một tháng trước, bất kể người nhiều tiền hay ít tiền.


Cảnh tráng bánh và phơi bánh bây giờ ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - Ảnh: Hoàng Phương

Đối với người dân quê mộc mạc, tết là dịp nghỉ “xả hơi” nên ai cũng gác lại việc ruộng đồng, thậm chí kiêng cử đụng tới cái cuốc, cái xẻng trong 3 ngày tết vì sợ sẽ bị… cực suốt năm! Ngày tết không chỉ là dịp để gia đình sum họp, họ hàng thăm viếng lẫn nhau, mà người cùng chung một xóm, có khi cách vài cây số cũng tới từng nhà chúc tết và thắp hương, lạy bàn thờ mừng tuổi ông bà. Vì vậy nhà nào cũng đông khách trong 3 ngày tết nên người ta phải chuẩn bị tết từ rất sớm.

Nhưng thời đó rất ít có nhà nào dám mua bánh, mứt hộp để đãi khách mà chủ yếu là tận dụng cây nhà lá vườn như mứt me, mứt bí, mứt dừa, mứt gừng, đặc biệt là món chuối khô ngào đường thì gần như nhà nào cũng có. Để có món chuối khô đãi khách thì từ tháng 10, tháng 11 âm lịch người ta phải chọn những quày chuối xiêm, trái lớn, đem ép, phơi cho thật khô rồi gói nhiều lớp bằng lá chuối và treo phía trên giàn bếp, đợi đến tết thì đem xuống xắt nhỏ, ngào chung với đường, gừng, đậu phộng. Món này tuy quê mùa dân dã nhưng dùng với nước trà nóng thì tuyệt vời.

Bánh phồng cũng là món không thể thiếu nhưng lại đòi hỏi sự lao động khá cực nhọc. Cho đến cuối thập niên 1960 thì loại máy chà nhỏ hiệu Yanmar, Kubota vẫn chưa phổ biến rộng rãi ở nông thôn, trong khi máy chà lớn thì không thích hợp cho việc chà một vài giạ nếp. Thế nên để làm bánh phồng thì người ta phải xay nếp bằng cối xay tay rồi cho vào cối giã gạo giã liên tục đến khi nếp lứt thành nếp trắng. Giã xong lại đổ vào mâm ngồi lựa từng hạt để lấy hạt đục, bỏ hạt trong. Người dân quê nói hạt này cũng là hạt nếp nhưng không rặt. Nếu không loại bỏ thì cho dù đã qua các công đoạn nấu xôi, quết nhuyển rồi cán thành bánh phồng, tới khi nướng hạt vẫn còn y nguyên, khi ăn giống như cắn phải hạt sạn.

Ngày xưa ở quê ít nhà nào có đồng hồ nên khi vần công đạp “xa quạt” đưa nước từ dưới sông lên ruộng người ta phải tính thời gian bằng… cây nhang từ khi đốt cho tới khi nhang tàn. Còn quết bánh phồng thì phải canh thức dậy từ lúc “gà gáy bận nhứt” để nấu xôi rồi cho vào cối giã gạo quết liên tục đến khi hạt nếp biến thành bột thật nhuyễn mới đem cán bánh phồng và kịp phơi nắng vào buổi sáng. Nếu bột được quết nhuyễn thì khi phơi khô, đem nướng, bánh phồng sẽ nở thật to. Bởi vậy mà ở làng quê xưa, vào những ngày cận tết, khi mặt trời còn chưa ló dạng thì đã nghe âm thanh rền vang của tiếng chày quết bánh phồng với nhịp điệu cụp cùm cum, cụp cùm cum, xen lẫn cùng với tiếng gà gáy sáng.

2 - Bánh tráng thì ít công phu hơn nhưng cũng phải chuẩn bị rất sớm. Từ khoảng mùng 10 tháng Chạp người ta phải ra ruộng đào lấy đất sét đem về nhào trộn với trấu để đắp lò và phải đợi cho lò khô. Về sau, người ta cải tiến bằng cách đào lò âm xuống đất. Cách này khá đơn giản, hễ đào xong là tráng bánh được liền. Dụng cụ tráng bánh bao gồm một cái ơ bằng đất hoặc cái xoong lớn với cái gáo bằng miểng dừa, được cạo cho thật láng và tra cán dài chừng 5 tấc, để quây bánh. Cái lẹm mỏng vót bằng tre để lấy bánh ra và nhiều cái vĩ phơi bánh được đan bằng lá dừa. Miệng xoong được bịt lại bằng khuôn vải trắng, bên trong chứa khoảng 2 phần 3 nước luôn đun thật sôi nên khi vừa quây bột xong, đậy nắp lại thì trong tíc tắc bánh đã chín. Cực nhất có lẽ là khâu xay bột. Hồi đó chủ yếu là xay tay bằng cối đá. Thường mỗi cái tết má tôi tráng chừng 30 lít gạo và bà phải ngồi xay bột mất hơn nửa ngày.

Ngày xưa, do ảnh hưởng chiến tranh nên vùng Đồng Tháp Mười còn hoang vu, không người ở. Mỗi năm đến mùa nước lũ thì tôm, cá từ thượng nguồn sông Mê Kông theo dòng nước tràn về Đồng Tháp Mười rồi xuống vùng hạ lưu nhiều vô số kể. Khi nước rút cạn thì tôm, cá từ trên ruộng chạy xuống đìa. Từ khoảng 25 tháng Chạp thì nhà nào cũng tát đìa, bắt cá để dành tết và mỗi cái đìa bắt được từ một chục ký cá lóc, cá trê vàng, cá rô… trở lên là chuyện bình thường. Tép, tôm chừng vài ký, cá lòng tong, cá sặt, cá chạch … thì không kể. Nhờ vậy mà 3 ngày tết nhà nào cũng có nhiều món cá: cá rô, cá lóc kho với thịt hoặc nấu canh chua, cá trê vàng nướng dầm mắm gừng, cá lóc nướng xé trộn rau răm hoặc khô cá lóc trộn gỏi củ cải trắng…

Vào thời điểm tát đìa cũng là dịp tráng bánh. Khi còn bé, bọn nhóc chúng tôi rất khoái lấy bánh tráng ướt đem cuốn với tép luộc, đọt lụa, đọt vừng, dừa nạo… rồi chấm với nước mắm tỏi ớt. Đây là món ăn nhà quê nhưng có hương vị tuyệt vời, khó quên bởi vị chua của đọt lụa, vị chát của đọt vừng cùng vị ngọt của tép và cơm dừa. Ở vùng quê bây giờ, đời sống của người dân khá hơn xưa nên tết nhà nào cũng có bánh mứt hộp. Dưa hấu thì có suốt 4 mùa trong khi ngày xưa thấy dưa hấu là tết đến. Cá tôm bây giờ cũng rất nhiều nhưng chủ yếu là cá nuôi, không còn thấy cảnh tát đìa, bắt hôi nữa. Ngay cả bánh tráng, bánh phồng ở nhà quê bây giờ cũng chẳng còn ai tự làm nên những ngày cận tết không còn không khí náo nức, rộn rịp như thuở trước.

Tết xưa còn là dịp để bọn con nít được mặc quần áo mới nên đứa nào cũng nôn nao trông cho mau đến tết, trong khi thợ may thì rất hiếm. Tôi vẫn còn nhớ mãi một cái tết khi đó tôi mới gần 10 tuổi, cùng với mấy đứa nhóc trong xóm đầu trần, chân đất, cầm xấp vải đi bộ cặp theo quốc lộ 4 để tới nhà ông thợ may rồi chừng nửa tháng sau phải đi bộ một lần nữa để lấy đồ theo lời hẹn. Sau này tôi mới biết đoạn đường đó dài 12 cây số. Vậy là để có một bộ quần áo mới mặc tết, bọn nhóc chúng tôi phải 2 lần cuốc bộ “khứ hồi” trên đoạn đường gần năm chục cây số giữa trưa nắng chang chang!

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.