Như chưa hề có cuộc chia ly... số 15: Chuyện thần tiên và những người xa xứ

08/02/2009 23:39 GMT+7

Số đầu năm, tưởng chỉ là chuyện "ôn cũ đón mới", nhưng với những gì đã diễn ra trực tiếp trên 2 kênh VTV1 và VTV4 tối thứ bảy 7.2 vừa qua, chương trình đã làm khán giả bất ngờ và cuối cùng cũng không thể cầm được nước mắt. Xem video clip (VTV)

Người độc hành

Trong chương trình năm 2008, câu chuyện đoàn tụ của kiến trúc sư Lê Văn Tấn sau 68 năm thất lạc gia đình đã làm biết bao trái tim xúc động. Lúc đó, những người trong cuộc như ông Tấn, ông Tự cùng đại gia đình họ Lê ở xã Hải Quang, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã gọi đó là "chuyện thần tiên có thực trên đời". Tối thứ bảy vừa qua, những người làm chương trình đã đưa khán giả đi sâu vào chuyện thần tiên ấy, theo hành trình về bái tổ sau gần cả đời người của ông Tấn.  Huyện Hải Hậu lâu nay nổi tiếng với gạo tám xoan, bánh nhãn và là nơi sản sinh ra món ăn khiến thế giới nghiêng mình - phở bò. Họ Lê đến Hải Hậu là đời thứ 12, đến nay cả huyện có hơn 500 gia đình. Riêng xã Hải Quang, "Lê chi tộc" do ông Lê Văn Tự hiện làm trưởng, từ năm 1960 đã biết thất lạc một giọt máu, tên Lê Văn Tấn. Cả họ đã đi tìm nhưng mấy mươi năm không có kết quả. 

Nhưng bà Lê Thị Hiên, người cô ruột của ông Tấn, Tết Kỷ Sửu vừa qua đã đón cháu về nhà, đúng 69 năm sau ngày bà tiễn người anh trai Lê Văn Vân cùng chị dâu và cháu Tấn xuống tàu đi phu đồn điền cao su. Những năm đó ông Vân đưa vợ con vào Đồng Nai, tham gia cách mạng rồi hy sinh. Năm 11 tuổi, ông Tấn bỏ nhà, xa mẹ và em gái lên 3 để vào chiến khu D làm giao liên, rồi chuyển qua xưởng quân giới. Thực hiện hiệp định Geneve, cả xưởng quân giới lên tàu đi tập kết và cũng từ đó, ông Tấn bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn vắng bóng những người cùng dòng máu. Là học sinh miền Nam ở Hà Đông, Đông Triều, sang Liên Xô (cũ) học kiến trúc rồi tốt nghiệp trở về nước, kết hôn với con gái vị lão thành cách mạng Tôn Quang Phiệt, Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội những năm đó... ông Tấn vẫn luôn nghĩ mình là người Nam, luôn hướng về quê quán là huyện Trảng Bom, Đồng Nai...

Tại trường quay, nhìn ông Tấn với mái tóc bạc phơ, bềnh bồng, người dẫn chương trình cũng không kềm được lòng mình, chị bảo: "Từ câu chuyện của chú, con hiểu ra một điều: ruột thịt là gì, quê hương là gì. Là nơi, là người dù không gặp mặt vẫn luôn đợi ta ở cuối con đường dài phía trước".

Bi kịch tha hương

Anh Lâm Ngọc Tuấn (giữa) gặp lại mẹ và các em - Ảnh: Đ.N.T


Sau phóng sự về ông Tấn, thời gian còn lại của chương trình là dành cho những trường hợp thất lạc gia đình lên tiếng tìm kiếm người thân. Mỗi trường hợp là một câu chuyện khiến người nghe đau nhói, với những lý do chia ly na ná nhau là do nghèo túng, bị dòng đời xô đẩy ra xa nhau rồi bặt tin luôn. Đó là bà Dương Thị Đáp, một kiều bào hiện ở Campuchia với câu chuyện chia ly đã kéo dài nửa thế kỷ nay, tìm các em ruột tên Át, Đáng, Nhuần, Hiếu, Thành, Tự, Tiến. Đó là hai chị ở Hải Phòng tên Phạm Thị Vân và Phạm Thị Cương đi tìm kiếm em trai út tên Phạm Phú Toàn. Đó là chị Lan, một phụ nữ không nhớ rõ tên cha mẹ đặt là gì, họ của mình là gì...

Nhưng giữa bức tranh ly tán ảm đạm ấy, vào những phút cuối của chương trình, khán giả bỗng nhiên được chứng kiến cuộc đoàn tụ không thể ngờ của một cảnh ngộ éo le nhất. Như một gam màu sáng chói quét qua và tất cả trường quay như cùng trào dâng nước mắt trước cảnh một người đàn ông đã cùng cực mưu sinh, chật vật với gánh nặng nợ nần... như anh Lê Văn Hóa gặp lại người thân. Anh Hóa mồ côi cha mẹ từ năm lên 2, năm 11 tuổi giận anh chị ruột bỏ quê vào Sài Gòn. Khi tìm đến chương trình nhờ trợ giúp, anh Hóa có vợ và 3 con, với món nợ 50 triệu đồng chưa trả hết. Anh bảo chờ một ngày trả xong nợ mới có thể đi tìm chị ruột và anh trai, nhưng nghiệt ngã là nghề phụ hồ của 3 cha con chỉ đủ tiền chợ và trả lãi vay hằng tháng. 

Chương trình tưởng như khép lại thì từ một bức ảnh, bà Trần Thị Bảy, một phụ nữ Nam Bộ đã tìm lại được đứa con trai đầu tên Lâm Ngọc Tuấn, giọt máu phiêu bạt ở tận Hội An của mình. Thật xúc động vì 31 cái Tết qua,  kể từ khi cha qua đời, trong sự chờ mong tưởng chừng như tuyệt vọng anh Tuấn vẫn canh cánh bên lòng một nỗi lo mẹ vất vả, nghèo khổ với gánh nặng một nách ba con... 

Mưu sinh nhọc nhằn đúng là một "lời nguyền" khiến nhiều gia đình thất lạc nhau. Và thông điệp đầu năm của những người làm chương trình là "nhấn" thêm ý nghĩa gia đình, dòng họ, quê hương của mỗi người để bớt đi những cuộc chia ly mới.

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.