Có những vụ án cỏn con kéo dài 5 năm, hay phải mở gần hai chục phiên tòa vẫn không kết án được, hay chỉ bị bồi hoàn mang tính tượng trưng bên bản án tham ô... Thực thi pháp luật như thế là kiểu gì?
Ảnh minh họa: Shutterstock |
Sau 3 năm, với 10 phiên toà, vụ án nữ hộ sinh tố cáo sếp tham nhũng mới được xử xong. Nhưng bản án ấy, như tố cáo ngược những người thực thi pháp luật kiểu cù nhầy, và câu hỏi đặt ra, có vấn đề gì không?
Là tôi đang nói đến vụ án nữ hộ sinh Dương Thị Thu Thuỷ tố cáo sếp mình là ông Nguyễn Đức Đạo - Nguyên Trạm trưởng trạm Y tế thị trấn Hà Lam, H.Thăng Bình (Quảng Nam) tham nhũng từ năm 2013.
Tôi sẽ không nhắc lại vụ việc này, bởi nó đã được đăng đầy rẫy trên các báo. Dù vậy, có một chi tiết cần được nhắc lại trong vụ này là trong lúc tố cáo sếp tham nhũng, chị Thuỷ được Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình khen thưởng vì có thành tích tố cáo tham nhũng. Chị đến lễ trao thưởng, nhưng từ chối đón nhận vinh dự này. Lí do: “Vụ việc chưa kết thúc, nên tôi không thể nhận thưởng được”. Và vì, “tố cáo tham nhũng thì có gì đâu mà được khen thưởng”.
Giá mà những người thực thi pháp luật ở đây có được 1/10 lòng tự trọng của chị Thuỷ.
Và giá như những người thực thi pháp luật ở nhiều nơi khác nữa, cũng có được 1/10 lòng tự trọng của chị Thuỷ.
Nhưng đó chỉ là giá như. Và cái “giá như” này kết tinh từ sự cù nhầy khi thực thi pháp luật của những người mang trên mình trọng trách thi hành pháp luật mà Nhà nước giao phó. Nó được phản ánh qua một vụ án cỏn con kéo dài trong 3 năm, và phải qua 10 lần xét xử mới “đẻ” được cái bản án đầy xầm xì: Ông Đạo chỉ bị tuyên phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo.
Xin dẫn thêm một ví dụ nữa. Đó là vụ việc một người đàn ông bị liệt nửa người đập phá Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam hồi giữa tháng 3.2016 vì quá bức xúc, khánh kiệt khi theo đuổi vụ án tố cáo người đánh mình bị liệt. Người đàn ông ấy là Nguyễn Khắc Hiếu, cũng quê ở huyện Thăng Bình. Vụ việc mà ông cho rằng mình bị cố ý đánh thương tích, phải 1 năm sau Công an huyện Thăng Bình mới vào cuộc. Còn Toà án nhân dân huyện Thăng Bình xét xử không thể… cù nhầy hơn, khi có đến 17 phiên toà được mở nhưng bản án thì mãi “không chịu” xuất hiện.
Tôi không cổ suý cho hành động gây rối của ông Hiếu tại toà tỉnh Quảng Nam. Nhưng cần phải thông cảm với người đàn ông khốn nạn này. Hành động của ông Hiếu, không đơn thuần là cách giải toả bức xúc dại dột, mà còn thể hiện sự bất lực của toà án Thăng Bình. Hay chính xác hơn là toà huyện Thăng Bình xét xử “có vấn đề”.
Tôi, bạn và tất cả chúng ta đều có quyền hoài nghi điều đó. Là vì cái tính cù nhầy của người thực thi pháp luật không chỉ có ở huyện Thăng Bình, mà đầy rẫy ở nước ta.
Chi cho xa, tôi xin lấy ngay dẫn chứng tin mới đọc trên báo Thanh Niên về vụ án tờ vé số độc đắc trị giá 1,5 tỉ đồng ở Kiên Giang. Cũng một vụ việc tưởng chừng như đơn giản, mà phải mất 5 năm mới xử xong. Trong 5 năm ấy, bản thân chị Tuyết và gia đình chị phải nếm biết bao tủi nhục.
Có ý kiến cho rằng, toà TP.Rạch Giá tuyên chủ đại lí vé số trả 1,5 tỉ đồng cho chị Tuyết là bản án nửa vời. Bởi lừa lọc, chiếm dụng trái phép của người khác, thì phải trả là theo lẽ tất nhiên. Còn cái mà dư luận quan tâm, là bản án nào dành cho chủ đại lí vé số này, cũng như những thiệt hại khác mà chủ đại lí này gây ra khi lừa lọc tấm vé số của chị Tuyết?
Cù nhầy 5 năm đã quá đủ rồi, đã đến lúc dừng đức tính này lại và hãy trả cho pháp luật sự công bằng và quyền lực vốn có của nó.
Người Việt thật vui tính, và đôi khi cù nhầy giúp chúng ta mỉm cười nhiều hơn. Nhưng ngay cả một đứa trẻ khi biết khái niệm của cù nhầy và sự tổn thương, thì nó cũng thừa hiểu rằng, cù nhầy tuyệt đối không được tồn tại trong tư duy của người thực thi pháp luật.
Bình luận (0)