Những ai góp tiền xây điện thờ 'khủng' không phép?

Tên của một số cán bộ và doanh nhân nổi tiếng được khắc trên 3 tấm bia ghi danh sách những người cúng tiến đúc tượng Phật Hoàng bày trong khu biệt phủ (thực chất là một điện thờ) hoành tráng xây dựng không phép .

Coi thường chính quyền sở tại
Ngày 24.6, Báo Thanh Niên đăng bài Rối rắm xung quanh cặp tượng rồng khổng lồ phản ánh việc một hộ dân tại thôn Tứ Cường, xã Thụy Quỳnh, H.Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) không xin phép vẫn tiến hành xây cặp rồng cao trên 15 m, dài hơn 40 m làm cổng vào biệt phủ, thực chất là một điện thờ tư nhân mang tên Bản Phủ Phúc Sinh Trường. Đáng ngạc nhiên là cho đến nay gia chủ là vợ chồng ông Phan Văn Sàm và bà Nguyễn Thị Nhỡ vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cặp rồng này. Đến ngày 14.7, cặp rồng khủng đã gần như hoàn thành.

tin liên quan

Rối rắm quanh cặp tượng rồng khổng lồ
Cặp rồng vàng khổng lồ trong điện thờ tư nhân ở Thái Bình đang hoàn thành nhưng lãnh đạo địa phương cho biết công trình này chưa được cấp phép xây dựng.
Để tìm hiểu về vấn đề này, PV đã tới gặp ông Nguyễn Duy Cam, Phó chủ tịch UBND H.Thái Thụy. Ông Cam cho biết sau khi Báo Thanh Niên đưa tin, UBND H.Thái Thụy đã tiến hành kiểm tra và xác định việc xây cặp rồng trên cũng như toàn bộ các công trình trong ngôi biệt phủ rộng trên 10.000 m2 này đều không xin phép cũng như không thực hiện các quy định về xây dựng. Cặp rồng được xây dựng trên đường đi chung, phần đầu rồng lấn vào hành lang QL37. Phần lớn diện tích đất của biệt phủ đều là đất vườn, không được phép xây dựng các công trình kiên cố.
Cũng theo ông Cam, UBND H.Thái Thụy đã giao cho UBND xã Thụy Quỳnh tiến hành xử lý vi phạm tại biệt phủ này. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao vẫn để gia đình ông Sàm, bà Nhỡ tiếp tục thi công công trình vi phạm này, ông Vũ Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thụy Quỳnh, cho biết: “Chính quyền xã không đủ khả năng ngăn cản gia đình ông Sàm, bà Nhỡ. Chúng tôi đã báo cáo lại với UBND huyện thực trạng trên và đề nghị huyện hỗ trợ xã ngăn chặn thi công”. Ông Chính cũng cho biết trong quá trình thi công, gia đình không xin phép UBND xã. Tháng 4.2016, UBND xã đến yêu cầu đình chỉ thi công cặp rồng này nhưng gia đình không tuân thủ. “Đập, phá dỡ công trình thì không thể vì nhiều lý do nhạy cảm. Yêu cầu ngừng thi công, làm thủ tục thì họ không nghe, chúng tôi cũng chỉ biết báo cáo tình hình với huyện”, Chủ tịch UBND xã Thụy Quỳnh nói.
Bia đá ghi tên những người cúng tiến
Có tên quan chức trên bia công đức
PV đã tìm cách tiếp cận ngôi biệt phủ này. Phía sau cánh cổng là hàng chục công trình hoành tráng được làm bằng đá, gỗ nguyên khối phục vụ việc thờ cúng. Trong ngôi biệt phủ còn đúc tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nặng hàng chục tấn, xây tượng Phật Bà Quan Âm cao hàng chục mét. Gia chủ còn dành một diện tích rộng vài héc ta để xây dựng vườn Phật Tâm Linh với hàng trăm tượng Phật được đục đẽo bằng đá nguyên khối.
Đặc biệt, tại khu vực sân trước của biệt phủ, gia chủ dựng 3 tấm bia đá ghi danh sách những người cúng tiến đúc tượng Phật Hoàng được bày trong biệt phủ. Tổng danh sách lên đến gần 100 người, người quyên góp cao nhất là 500 triệu đồng, thấp nhất 10 triệu đồng. Trên bia có ghi danh tự người cúng tiến; trong số đó có tên một vài quan chức cấp tỉnh Thái Bình, Hải Phòng cùng nhiều doanh nhân nổi tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía bắc... Trong đó, có danh tự trùng tên, họ, địa chỉ ông Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính Thái Bình.
Để làm rõ có việc tham gia đóng góp tiền công đức tại điện thờ tư nhân không phép này hay không, trong ngày 14.7, PV liên lạc với ông Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thái Bình, ông đã xác nhận với PV là có quan hệ, thường đến điện thờ của gia đình ông Sàm, bà Nhỡ. Tuy nhiên, ông phủ nhận thông tin ghi trên bảng công đức. “Tôi cũng có đóng góp một vài triệu đồng hương hoa, nhưng công đức 100 triệu đồng thì không có”, ông Giáo nói. Về vấn đề gia đình ông Sàm, bà Nhỡ tự ý xây điện thờ không phép, ông Giáo cho biết: “Tôi sẽ nói với anh chị ấy để họ sửa chữa, làm đúng quy định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.