Game là một công cụ giải trí, tuy nhiên việc chơi game cũng có những áp lực nhất định. Có thể kể đến các ấm ức trong hành trình đua level, cắn event, đập đồ khủng…, hoặc các áp lực về đời sống tâm lý, xã hội của người chơi như thời gian, sức khỏe, mối quan hệ, giao tiếp,… Những áp lực này dường như tạo nên một khối đá nặng đè lên tâm lý cũng như nhận thức về game và cách chơi của game thủ.
Với game thủ, việc level nhân vật nhanh chóng bằng bạn bằng bè hoặc sở hữu những bộ trang bị quý hiếm hoặc làm sao để mạnh nhất nhì trong game là điều tất yếu. Người “có điều kiện” là chuyện nhỏ, nhưng với các bạn còn đi học hoặc phụ thuộc gia đình thì việc này khá nan giải. Chính vì vậy, trong cuộc đua đường dài để có được vị trí đình đám trong game, người chơi bị áp lực lớn về mặt tài chính.
Muốn bằng anh bằng em không tránh khỏi phải đầu tư mạnh tay (Ảnh minh hoạ)
Có game thủ từng tâm sự rằng trong “sự nghiệp” chơi game của mình, anh đã từng tiêu tốn tiền tỷ cho thú vui sắm đồ khủng và những trận giao tranh bang hội khi tham gia một game kiếm hiệp. Dĩ nhiên, anh “nổi lềnh bềnh” nhờ chịu chi mạnh tay. Dù cuộc chơi đã tàn nhưng với cộng đồng, anh giống như một “huyền thoại” cho sự chơi đẹp, đầu tư và có tâm.
Một áp lực khác cần nhắc đến chính là sức khoẻ. Chơi game không thể không cày cuốc. Bởi nếu không làm thế bạn sẽ không có chỗ đứng nhất định trong cộng đồng. Bạn buộc phải dành nhiều thời gian ngồi trước màn hình, thậm chí chuyện quên ăn, quên ngủ là điều bình thường.
"Cày cuốc" khiến sức khoẻ game thủ sa sút. (Ảnh minh hoạ)
Năm 2013, một nhóm sinh viên tại Hà Nội đã thực hiện cuộc khảo sát nhỏ nghiên cứu về game online. Các bạn đã thu thập được nhiều ý kiến thú nhận rằng giới trẻ đã chơi game thâu đêm trong một thời gian dài đến nỗi mặt mày hốc hác, tâm trí thẫn thờ. Cộng với việc ăn uống thì chỉ mì tôm, trá đá, rồi thuốc lá, vậy nên sút cân là lẽ dĩ nhiên. Có người ốm muốn rũ ra nhưng vẫn bám lấy trò chơi vì sợ không cày thì thua anh em. Sự ganh đua trong game chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc “cố sống cố chết” để chơi game và khiến sức khoẻ suy sụp.
Game có một sức hút kỳ lạ mà rất nhiều người đã phải công nhận. Không chơi thì thôi, còn nếu nhập cuộc rồi thì rất khó đứng dậy, phải đến khi tàn hoặc ngả ngũ cuộc chơi, game thủ mới chịu nghỉ. Nhiều khi, sự hiếu thắng ở các trận chiến trong game cũng khiến game thủ quên cả giờ giấc. Họ có thể đối đầu với nhau cả nửa ngày mà vẫn chưa dứt. Do vậy, chơi game rất khó kiểm soát về mặt thời gian. Game thủ chơi vào giờ khuya hoặc chơi kéo dài 4-5 tiếng đồng hồ là điều dễ hiểu.
Rất khó kiểm soát được thời gian khi đã chơi game. (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, hệ quả của việc dùng quá nhiều thời gian liên tục ngồi một chỗ, dán mắt vào màn hình, tập trung cao độ đó là mắt thâm, mặt mụn, đầu óc kém linh hoạt và sức khoẻ suy giảm.
Các áp lực mà game thủ phải gánh chịu trong quá trình chơi game có tác động qua lại lẫn nhau. Chúng có tính chất lây lan và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm lý, xã hội của game thủ. Từ việc sử dụng quá nhiều thời gian không hợp lý cho việc chơi game cũng làm lệch lạc hoạt động thường nhật của game thủ. Vì mất nhiều thời gian đề cày game nên học hành ít lại, giải trí khác cũng hạn chế, giao lưu, quan hệ bạn bè cũng thu hẹp,… Cuộc sống thường ngày dường như bị đảo lộn bởi các mốc thời gian thay đổi.
Cuộc sống khép kín sau khi tàn cuộc chơi.
Đặc biệt, chơi game căng thẳng cũng dẫn đến kỹ năng giao tiếp gặp vấn đề. Thay vì chơi game ít lại, ra ngoài tham gia các hoạt động để tăng cường kết nối cộng đồng, game thủ lại dành nhiều thời gian cho game nên cuộc sống trầm lặng, gò bó và thậm chí nhàm chán. Nhiều game thủ sau một thời gian dài “tâm huyết” cho game, trở về đời thường lại rơi vào trạng thái hụt hẫng, có khi trầm cảm, trơ lì về mặt cảm xúc, lánh xa mọi người xung quanh. Chưa kể trong một số trường hợp game thủ không thể điều tiết được việc chơi game mà còn nhận thức tiêu cực và gây nên một số hành động không đẹp với xã hội. Đây chính là những điều đáng tiếc khi người chơi sa đà quá mức với game.
Chơi game hợp lý sẽ không còn áp lực mà cuộc sống trở nên vui tươi hơn. (Ảnh minh hoạ)
Một game thủ đúng nghĩa chân chính sẽ có thể khắc phục được các yếu tố nói trên. Khi đó, chơi game lại trở thành một món ăn tinh thần mang tính giải trí lành mạnh. Cuộc sống sẽ cân bằng và không còn áp lực từ việc chơi game khi người chơi biết điều tiết thời gian, tiền bạc, sức khoẻ một cách hợp lý nhất.
Bình luận (0)