Điệu buồn phương nam là bài tân cổ lời lẽ rất đẹp, nên được mọi người yêu thích. Và nghệ sĩ Tuấn Thanh với giọng ca trầm ấm, mạnh mẽ, từng đóng rất nhiều vai tướng, bây giờ vô giọng mùi cũng ngọt ngào đến lạ.
>> Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 8: Hàn Mặc Tử của Trọng Hữu
>> Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 7: Thanh Kim Huệ 'thành' Cô gái tưới đậu
>> Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 6: Dương Quý Phi của 'Cải lương chi bảo'
Nghệ sĩ Tuấn Thanh và nghệ sĩ Thanh Hằng - Ảnh: H.K
|
Tuấn Thanh là nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn, với ngoại hình đẹp và giọng ca rất giống Thanh Tuấn. Về sau anh phát triển lên, thoát khỏi cái bóng của “thần tượng”, hình thành một phong cách riêng, rõ nét, quyến rũ. Trong vở Tiếng hò sông Hậu, anh đóng vai Chơn, ai cũng nhớ. Sau này anh liên tiếp vào những vai dũng tướng, đẹp trong sự mạnh mẽ, uy nghi, nam tính, như Nguyễn Huệ, Trương Định, Trần Nguyên Hãn, Lê Hoàn… Mỗi lần có vai tướng là đạo diễn “nhớ” tới anh. Nhưng các hãng đĩa thì không quên giọng ca mùi mẫn của anh, cả chục năm nay họ mời anh thu âm rất nhiều bài vọng cổ, thậm chí mời qua Úc biểu diễn và thu đĩa.
Bài Điệu buồn phương nam có lời ca buồn man mác, nghe một hồi nước mắt chực rơi. Hình như ai cũng có nỗi hoài hương, như chim sáo sổ lồng nhớ về chốn cũ... Đêm phương nam dưới ánh trăng khuya nghe tiếng đàn thổn thức, chợt thấy bâng khuâng ngập tràn nỗi nhớ, kỷ niệm ngày xưa còn vang dội trong... lòng. Nhớ một chiều đông bên bếp lửa hồng. Làn khói trắng quyện vào mây trắng, gợi lòng người bao nỗi ưu tư. Phút tạ từ em cất bước ra đi, nghe nghèn nghẹn thương thân người viễn xứ. Thương con sáo xa bầy con sáo bay xa, để khói sương buồn vương lòng người đưa tiễn.
Tuấn Thanh là dân Sài Gòn chính gốc, nối nghiệp cha làm nghề thầu xây dựng, hình như không dính dáng gì tới nghệ thuật. Vậy mà bất chợt mê cải lương, rồi đi theo sân khấu mãi tới bây giờ. Những lúc sân khấu lao đao, anh cũng trở về kinh doanh, cảm giác như con người cứ “phân thân” không dứt. Nhưng rồi, Tuấn Thanh vẫn không đứt mạch cảm xúc với cải lương, cứ cất tiếng ca là rút cả ruột gan vào đó, cho nên mới hút hồn khán giả. Anh nói: “Tôi đâu có xa quê, tôi sinh ra và lớn lên tại đây, yên bình, hạnh phúc. Vậy mà không hiểu sao khi hát lên lời vọng cổ tôi như đồng cảm với những kẻ tha phương, trôi dạt nơi đất khách. Thật ra, mình là người Việt, dù sinh sống nơi thành phố, thì ai cũng có tâm cảm với bếp lửa hồng, với con sông tím ngát cánh lục bình. Tâm cảm ấy do đọc sách, đọc thơ từ hồi nhỏ, nó làm cho người ta giàu tưởng tượng, giàu tình yêu. Văn học giúp mình có sự trải nghiệm gián tiếp. Cho nên tôi thường nói diễn viên trẻ cần đọc sách nhiều là vì vậy. Đọc để thẩm thấu mọi điều chung quanh để khi ca khi diễn mình có đủ kiến thức và xúc cảm mà nhập vai”.
Khi qua Úc, Tuấn Thanh cũng ca bài Điệu buồn phương nam, khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Anh nói: “Tôi biết đôi khi mình cứa vào nỗi lòng người ta thì cũng không nên. Lạ lắm, dù rơi nước mắt nhưng người ta vẫn thích nghe, vì nó gợi lại hình ảnh quê hương để người ta có cảm giác như đang trở về chốn cũ. Cảm giác thôi, nhưng xoa dịu nhiều lắm. Có một khán giả nói với tôi: Anh cứ hát, để tôi mãi được nhắc nhở rằng mình còn một mảnh đất phải quay về, đừng quên cội nguồn”.
Nâng phím đàn lên cho câu hát ngân nga giao hòa niềm tâm sự. Tiếng hát vang xa lan dần trong gió, thoảng tiếng đàn ai tắt lịm tự lâu... rồi. Hòa nhịp một lần thôi rồi chia biệt trọn đời. Người trở lại sông bồi cát lở. Dâu biển cuộc đời đã thay đổi còn đâu. Sáo sổ lồng bay mãi bay xa. Bỏ phương nam, bỏ tiếng đàn và vầng trăng huyền diệu. Mỏi cánh trời xa sáo bay về chốn cũ, thì bếp lửa ngày xưa chỉ trơ lại đống tro tàn.
Đặc biệt, bài này Tuấn Thanh thu âm với nghệ sĩ Thanh Hằng, một cô đào nổi tiếng, đã định cư ở Úc mười mấy năm nay. Thanh Hằng là chị ruột của Thanh Ngân, hai chị em cùng giỏi nghề và được khán giả yêu mến. Thanh Hằng thỉnh thoảng cũng về nước biểu diễn, năm ngoái chị vừa về tham gia vở Tiếng trống Mê Linh do gia đình NSƯT Bảo Quốc tổ chức. Thanh Hằng vẫn giữ được chất giọng ngọt ngào như xưa. Gặp chị trong giờ tập tuồng, chị cười: “Cuộc sống ở Úc ổn định lắm, nhưng tôi vẫn nhớ quê. Con cái lớn rồi mới yên tâm trở lại hát hò. Mà cũng hát cho vui với anh em thôi. Hát bài nào có nhắc tới quê hương thì tôi thích hơn những bài tình yêu. Lớn tuổi rồi, yêu gì nữa, mà chỉ thấy yêu quê hương, hoài niệm tuổi thơ nhiều hơn. Còn các vở cải lương hay thì tôi rất vui khi được mời, vai nhỏ xíu cũng chịu”.
Bình luận (0)