Những băng nhóm chiêu dụ con bạc Việt - kỳ 4: Luật im lặng

25/08/2011 01:37 GMT+7

Mặc dù bị giam giữ, đánh đập, chặt tay nếu gia đình chậm mang tiền chuộc, nhưng các nạn nhân vẫn không dám tố cáo bởi các băng nhóm đều có luật riêng hành xử.

>> Kỳ 3: Vươn vòi về thành phố

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về việc triển khai kế hoạch ngăn chặn tình trạng người dân VN qua Campuchia đánh bạc, Cục CSHS - Bộ Công an mở cao điểm phối hợp với công an địa phương, Bộ đội biên phòng đấu tranh với những băng nhóm tội phạm giam giữ, cưỡng đoạt tài sản của con bạc và xử lý những người VN thường xuyên qua Campuchia đánh bạc.

Chỉ trong hơn nửa tháng vào cuộc, cơ quan công an đã triệt phá 3 băng chuyên bắt giữ con tin nhằm cưỡng đoạt tài sản của người nhà con bạc, giải thoát hàng chục nạn nhân bị chặt tay, giam giữ ở casino và một số nhà trọ ở Campuchia.

Tuy nhiên, mặc dù thông qua Báo Thanh Niên Cục CSHS kêu gọi nạn nhân tố cáo qua số điện thoại nóng nhưng cơ quan chức năng cũng chỉ nhận được rất ít đơn tố cáo của người nhà những nạn nhân đang bị giam giữ ở Campuchia. Cả những nạn nhân đã từng bị giam giữ, đánh đập, thậm chí trực tiếp bị xâm hại đến thân thể như cắt tai, chặt ngón tay... cũng không đến tố cáo.

 

Con bạc bị băng của Oanh giam giữ được giải cứu - Ảnh: Hoài Nam

Thế nhưng, theo tài liệu của Cục CSHS, không chỉ hàng trăm mà còn hàng ngàn người từng là nạn nhân của những băng nhóm này. Để triệt phá được 3 băng vừa qua, cơ quan công an đã dựa rất nhiều vào thông tin từ người nhà của các nạn nhân.

Trung tá Phạm Công Thành, Đội trưởng đội trinh sát (Cục CSHS) cho biết, mỗi ngày anh nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của nạn nhân và người nhà của nạn nhân nhưng họ chỉ dám nói về quá trình bị giam giữ, cưỡng đoạt tài sản, còn khi được hướng dẫn làm đơn tố cáo đối tượng từng giam giữ, cưỡng đoạt tài sản thì họ từ chối. “Trong thời gian vừa qua mặc dù kêu gọi nạn nhân là con bạc, người nhà con bạc đến tố cáo nhưng trong số những nạn nhân gọi điện thoại tới trình báo với chúng tôi chỉ khoảng 20% dám nói sự thật. Khi chúng tôi mời đến làm việc thì họ lại từ chối. Để xử lý được đối tượng cầm đầu theo đúng pháp luật, các nạn nhân hãy mạnh dạn tố cáo với cơ quan công an, nhất là những nạn nhân bị siết nhà, đất ở Bình Dương”, trung tá Thành khuyên.

Trong những ngày thực hiện loạt bài này, PV Thanh Niên cũng đã chứng kiến không ít trường hợp hết sức đau lòng. Như trường hợp một nữ sinh lớp 12 ở Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo chị P. (mẹ của nạn nhân), con chị theo bạn trai sang Campuchia đánh bài và thiếu nợ 100 triệu đồng nên bị giam giữ, nếu không mang tiền chuộc sẽ bị đánh đập. Bạn trai của cô này cũng bị giam nhưng đã được gia đình mang 200 triệu đồng chuộc về. Do không có tiền nên chị P. mới “đành trình báo với công an”. Nhưng khi được giải cứu về tới TP.HCM, cô này vẫn không dám lên tiếng tố cáo các băng nhóm đã giam giữ, đánh đập. Trên thực tế nhiều nạn nhân khi về VN tưởng an toàn, nhưng nếu lên án chúng thì đều bị chúng đến tận nhà hay cơ quan hăm dọa.

Trường hợp khác, như anh H. bán cây xăng ở đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM. Tháng 4 anh H. sang casino đanh bạc và bị thua, vay của một chủ sổ 2.000 USD để gỡ nhưng vẫn bị thua. Không có tiền trả nên H. bị bọn chúng giam giữ tại một phòng của casino. Đàn em chủ sổ này về VN xác minh nhà cửa và tài sản của H. Sau khi biết anh H. có nhà ở TP.HCM, có tài sản thì bọn chúng thả cho về với điều kiện đến 30.5 phải trả hết tiền. Khi về tới VN anh H. tưởng bọn chúng không dám làm gì nên không trả tiền, quá hạn bọn chúng gọi điện anh không nghe máy. Ngay ngày hôm sau, 5 đối tượng đến tận nơi anh H. làm việc quậy tưng. Từ đó ngày nào bọn chúng cũng tới tận nơi làm việc của anh để đòi tiền, gọi điện thoại khủng bố vợ anh. Không còn cách nào khác anh đành phải báo công an. Nhưng ngay sau đó biết anh tới trụ sở công an, bọn chúng lại tới cây xăng quậy tiếp. Nhận được tin báo của H., trung tá Phạm Công Thành cử trinh sát tới thì các đối tượng không manh động mà chỉ đứng la lối yêu cầu anh H. trả tiền...

Thậm chí nhiều con tin bị băng nhóm của Phan Thị Kim Oanh giam giữ do nợ tiền, khi được công an giải cứu, đều... ca ngợi Oanh. Nạn nhân tên T.T.D ở Q.Bình Tân (TP.HCM) bị Oanh cho đàn em giam từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8 nhưng vẫn luôn miệng kêu “Oanh là người tốt”.

Riêng hai nạn nhân bị chặt tay là Toàn và Tân mặc dù được giải cứu nhưng hiện nay vẫn rất lo lắng, sợ băng của Hạnh tìm tới tận nhà trả thù!

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.