TNO

Những bí ẩn không lời giải của Mỹ từ cuộc chiến tranh Việt Nam

08/03/2015 11:25 GMT+7

(Tin Nóng) Ngày 8.3.2015 đánh dấu nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày những lính thủy đánh bộ Mỹ đặt chân lên bãi biển Đà Nẵng, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Cuộc chiến tranh tàn khốc này đã kết thúc, nhưng để lại nhiều bí ẩn mà người Mỹ đến nay chưa tìm ra lời giải đáp.

(Tin Nóng) Ngày 8.3.2015 đánh dấu nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày những lính thủy đánh bộ Mỹ đặt chân lên bãi biển Đà Nẵng, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Cuộc chiến tranh tàn khốc này đã kết thúc, nhưng để lại nhiều bí ẩn mà người Mỹ đến nay chưa tìm ra lời giải đáp.


Chuyên gia rà phá bom mìn Mỹ Daniel Dobb (phải) chỉ cho bà Rose Gottemoeller, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, dấu hiệu có bom mìn tại một địa điểm ở Quảng Trị, trong chuyến thăm của bà Gottemoeller tại Việt Nam đầu tháng 3.2015 để đánh giá các nỗ lực do Mỹ tài trợ nhằm rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh - Ảnh: Reuters

Cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã trở thành một trong những cuộc xung đột gây tranh cãi nhất trong lịch sử cận đại của Mỹ: thời mà những người đàn ông không có sự lựa chọn ngoài việc phải đi chiến đấu ở nước ngoài, với những lý do mà nhiều bạn bè, thậm chí cả gia đình họ cũng không hiểu và chỉ một số người có thể trở về từ cuộc chiến.

Với khoảng thời gian nay đã khá xa, chúng ta có thể nhìn lại vài điều bí ẩn mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời, theo báo chí Mỹ.

Phi công Charles Shelton: Từ mất tích thành tử trận

Đại tá phi công Charles Shelton là người cuối cùng được chính thức xem như một tù nhân trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Mãi đến ngày 20.9.1994, ông mới được thay đổi từ tình trạng “mất tích trong chiến tranh” (MIA - Missing in Action) trở thành “tử trận” (KIA - Killed in Action), sau lời yêu cầu của các con ông.

Năm 1965, máy bay của Shelton bị bắn rơi khi ông đang bay trinh sát trên đất Lào. Lúc đầu, ông vẫn giữ liên lạc vô tuyến với không quân, nhưng sau đó mất liên lạc và đó là lần cuối cùng Shelton được nghe nói đến. Tuy nhiên, có rất nhiều câu chuyện đồn đoán về những gì xảy ra với Shelton. Một số nói rằng ông đã bị bắt làm tù binh và vẫn sống sót qua nhiều thử thách. Vài câu chuyện còn đi xa hơn cho rằng ông đã giết chết kẻ tra tấn, gây ấn tượng cho kẻ thù bằng sự dũng cảm của mình. Gia đình còn nghe những câu chuyện cho rằng ông vẫn còn sống khỏe mạnh tại California nhưng bị cấm tiếp xúc với họ, với sự bảo vệ của chính phủ (?).


Những lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng ngày 8.3.1965, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Việt Nam - Ảnh bìa tạp chí Life


Bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) ngày nay - Ảnh: DPA

Trong những năm 1980, những lính Mỹ nào vẫn còn được xem như tù nhân chiến tranh, được phân loại lại thành dạng “không tìm thấy thi thể” (body not recovered) hay “tử trận” (KIA), ngoại trừ Shelton. Viên đại tá đã trở thành một biểu tượng cho tất cả những người có số phận chưa rõ ràng, nhưng là một phần mất mát cho gia đình ông. Hơn 25 năm sau khi ông mất, do chán nản và kiệt sức sau nhiều thập kỷ không biết sự thật, vợ của Shelton đã tự tử. Sau đó, các con ông đã yêu cầu được chính thức đổi thành “tử trận” và tên ông được thêm vào bia mộ trong nghĩa trang Arlington, nơi vợ ông được chôn cất.

Cuộc tranh luận về súng M16

Năm 1966, lính Mỹ ở Việt Nam được cung cấp loại súng trường tự động M16, được cho là một cuộc cách mạng trong chiến đấu, nhưng thật không may nó hoàn toàn không như dự tính.

Khẩu súng mới đã thất bại thảm hại khi đến tay những người đang chiến đấu. Tài liệu quân đội được giải mật gần đây cho thấy khoảng 80% báo cáo có vấn đề liên quan đến vũ khí. Vấn đề được gọi là “lỗi trích khí”, vỏ đạn đã sử dụng vẫn nằm lại trong buồng đạn sau khi bắn, buộc những người lính - thường phải chiến đấu giữa một địa hình trống trải - phải dùng một thanh kim loại để đẩy ra. Đến năm 1967, các ủy ban của Quốc hội Mỹ còn xem xét các vấn đề khác, phải thử nghiệm, ghi nhận kết quả một cách quan liêu, trong lúc chiến tranh vẫn tiếp diễn.


Bên cạnh nỗi lo về khẩu súng M16, ám ảnh lớn nhất của quân Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam là bị phục kích khi đổ bộ từ trực thăng xuống - Ảnh: Quân đội Mỹ

Trong khi đó, quân đội Mỹ trên chiến trường lại gặp vấn đề khác với khẩu súng trường. Khi nhận súng mới, các binh sĩ đã không được cung cấp các thiết bị lau chùi và bảo quản súng. Trong khi các nhà sản xuất và quân đội nhấn mạnh rằng súng không cần phải làm sạch, những người lính trên chiến trường nhận thấy bên trong nòng súng không những không được mạ crôm như kiểu súng cũ, mà còn rất dễ bị ăn mòn trong điều kiện khí hậu tại Việt Nam.

Sau cùng, các tiểu ban điều tra phát hiện quân đội đã có lỗi vì đã không huấn luyện về vũ khí mới cho binh lính và không thử nghiệm đầy đủ vũ khí, đạn dược trước khi thông qua. Không biết bao nhiêu người lính đã chết do vũ khí mắc lỗi, khi nhiều báo cáo cho biết tìm thấy thi thể  binh sĩ Mỹ bên cạnh khẩu M16 bị kẹt đạn, họ không còn khả năng tự vệ trong khi đang cố làm cho súng hoạt động.

Thật kỳ lạ là vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Qua nhiều thập kỷ sau những tranh cãi ban đầu, súng M16 vẫn được sử dụng và đang bị điều tra về độ thiếu tin cậy. Những người lính và gia đình của họ vẫn tự hỏi tại sao những khẩu súng trường với ‘thành tích’ mang cái chết đến cho nhiều người sử dụng chúng vẫn còn là vũ khí của quân đội Mỹ.

Chiến dịch Marigold

Từ 1965-1968, Mỹ và Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã có những trao đổi liên lạc với sự hỗ trợ của các nhà ngoại giao Ba Lan (gọi là chiến dịch Marigold) và cho rằng nếu thành công, chiến tranh có thể kết thúc trong nhiệm kỳ tổng thống Lyndon B. Johnson. Trong hồi ký của mình, ông Johnson đề cập đến các nỗ lực ngoại giao thất bại, nhưng những gì đã xảy ra vẫn còn đang gây tranh cãi.

Không ai biết chắc gì nhiều về các cuộc đàm phán, bao gồm người đã khởi đầu và vì sao họ kết thúc. Không rõ Mỹ, Bắc Việt Nam, hay các nhà ngoại giao Ba Lan đã khởi xướng việc này. Thậm chí có ý kiến cho rằng nước Ý là người đầu tiên xây dựng nền tảng cho các cuộc đàm phán hòa bình nhưng thất bại vào phút chót.


Vỏ bom Mỹ tại Bảo tàng bom mìn ở tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Reuters

Hầu hết các thông tin có sẵn về Marigold vẫn còn khá mờ mịt, phần lớn lấy từ các bài báo dựa trên những thông tin rò rỉ không chính thức. Các văn bản một thời được xem là tài liệu mật đang dần được công khai: Các bài viết của Jerzy Michalowski, một trong các đặc vụ Ba Lan tham gia vào việc thiết lập cuộc đàm phán hòa bình. Họ ghi lại các cuộc thảo luận giữa Ba Lan và Liên Xô, trong đó Moscow hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình; họ cũng nói đến các chuyến thăm Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc không tham gia vào ý tưởng của cuộc đàm phán. Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu mâu thuẫn với những gì đang được nói về Marigold và sau cùng, nó lại gợi lên nhiều câu hỏi hơn là trả lời.

Thật khó tin rằng chiến dịch Marigold đã gần như kết thúc cuộc xung đột tại Việt Nam. Cuộc họp đã được lên kế hoạch giữa các nhà ngoại giao tại Warsaw, với những điều khoản và điều kiện được nêu ra, các bên đã đồng ý gặp mặt. Tuy nhiên, kể từ đó, mọi thứ đã rối ren: Trình tự thời gian trong tài liệu bị sắp xếp lẫn lộn và thiếu nhiều phần trong các bài tường thuật. Có vẻ như mỗi bên đều đã chờ đợi để tiếp xúc, Ba Lan đã nỗ lực đưa người Mỹ và Việt Nam đến cuộc gặp gỡ trực tiếp. Trong khi đó, quân đội Mỹ vẫn tiếp tục các cuộc tấn công ở Hà Nội và miền Bắc. Cuối cùng, các cuộc đàm phán thất bại và chiến tranh tiếp diễn.

Chuyến bay bí ẩn Flying Tiger 739


Một chuyến bay của hãng Flying Tiger - Ảnh: Tư liệu

Ngày 16.3.1962, chuyến bay Flying Tiger 739 chở 107 người Mỹ đã biến mất đâu đó giữa đảo Guam và Philippines. Tất cả được tuyên bố là đã chết, sau khoảng 2 tháng biến mất cách bí ẩn. Không có dấu vết của bất kỳ mảnh vụn nào được tìm thấy, cũng như biết được những gì đã xảy ra với chuyến bay.

Thành viên gia đình những người trên chuyến bay cho biết họ là những người lính được đưa đến Nam Việt Nam. Không có ghi chép chính thức về chuyến bay có liên quan đến cuộc chiến và cũng không có cơ quan chính phủ nào chính thức thừa nhận các thành viên trên chuyến bay có nhiệm vụ quân sự. Tuy nhiên, gia đình lại cho rằng các thành viên nằm trong danh sách chọn lọc từ các căn cứ quân sự khác nhau trong cả nước để thực hiện nhiệm vụ.

Tài liệu của chính phủ Mỹ cho thấy vài người trong số họ là cố vấn truyền thông, hạ sĩ quan quân nhu và không gì hơn. Vài tài liệu của gia đình đã được biên soạn lại, cho thấy ngoài nhiệm vụ còn có điều gì đó vẫn giữ bí mật trong nhiều thập kỷ.

Theo một báo cáo của Ủy ban Hàng không Dân dụng Mỹ, máy bay đang hướng đến Sài Gòn và không mang theo hàng hóa gì, hành khách gồm 93 người Mỹ, ba thành viên quân đội miền Nam Việt Nam và phi hành đoàn 11 người. Không có cuộc gọi cầu cứu, thông tin liên lạc hay bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có điều bất thường cho đến khi chỉ đơn giản là không nhận được lời hồi đáp. Sau đó, một tàu chở dầu Liberia báo cáo nhìn thấy một vụ nổ trên lộ trình chuyến bay, nhưng không tìm được dấu vết nào.

Những thành viên trong gia đình đang hối thúc để tên người thân của họ được liệt kê trên bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington, nhưng chính phủ vẫn kiên quyết im lặng về vai trò của những người này. Các gia đình tin rằng người thân của họ đã tham gia vào một “chiến dịch đen” và còn nhớ vài người trong số họ nói rằng có linh tính xấu và có thể sẽ không trở về nhà.

Archie Mitchell, Daniel Gerber và Eleanor Ardel Vietti


Ba tình nguyện viên người Mỹ vẫn còn mất tích bí ẩn

Đến cuối cuộc chiến, đã có 17 thường dân Mỹ được chính thức liệt kê là mất tích do chiến tranh. Trong số đó có ba tình nguyện viên người Mỹ đã làm việc tại một bệnh viện phong.

Ngày 30.5.1962, bệnh viện phong ‘Ban Me Thuot Leprosarium’ có 9 nhân viên, bao gồm bác sĩ phẫu thuật Eleanor Ardel Vietti, mục sư Archie Mitchell (nhà truyền giáo và nhân viên hành chính), và Daniel Gerber (tình nguyện viên bệnh viện) đã bị tấn công. Vợ của Mitchell cùng 4 người con cũng ở đó, nhưng họ đã không hề hấn gì và ra đi cùng các y tá người Việt. Sau khi rút lui, nhóm tấn công cùng 3 tình nguyện viên đã biến mất. Trong suốt cuộc chiến, thỉnh thoảng có các báo cáo về nơi ở của 3 tù nhân dân sự, nhưng không thể liên lạc với họ và cũng chẳng ai có thể khẳng định về số phận của họ.

Kỳ lạ thay, đây không phải là lần đầu những bi kịch chiến tranh xảy ra với Archie Mitchell. Gần 17 năm trước khi ông bị bắt cóc ở Việt Nam trước mặt vợ con mình, Mitchell cũng chứng kiến sự kiện bi thảm dẫn đến cái chết của nhiều người trên đất Mỹ trong Thế chiến thứ II.

Trong một thời gian ngắn, Nhật Bản đã tung ra những quả khí cầu chất đầy bom bay qua Thái Bình Dương đến Mỹ. Chỉ vài quả phát nổ, nhưng cũng đủ để Mỹ tổ chức một đơn vị lính dù đặc biệt để đối phó với mối đe dọa này. Đơn vị “Triple Nickles” đã thực hiện 36 nhiệm vụ trong suốt Thế chiến II. Một khí cầu có bom chưa nổ đã giết chết người vợ đầu tiên Elsie Mitchell và 5 người con của ông Mitchell trong một chuyến dã ngoại. Vào lúc một đài tưởng niệm dành riêng cho các nạn nhân tại Mỹ được dựng lên, Archie Mitchell đã ở châu Á.

Thủy quân lục chiến trong sự kiện tàu hàng Mayaguez với Khmer Đỏ

Sự kiện Mayaguez được xem là trận chiến cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Bắt đầu bằng việc lực lượng Khmer Đỏ xông lên tàu hàng SS Mayaguez của Mỹ và kết thúc khi lực lượng không quân và thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện nhiệm vụ giải cứu thủy thủ đoàn con tàu, vào tháng 5.1975.


Lính Mỹ xông lên tàu hàng Mayaguez ở đảo Koh Tang, Campuchia giải cứu thuỷ thủ đoàn, tháng 5.1975 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Cuộc xung đột diễn ra gần đảo Koh Tang trong vịnh Thái Lan trở nên đẫm máu và vẫn không rõ những gì đã xảy ra với vài lính thủy đã chết tại đó. Với tổng cộng 15 người thiệt mạng trong vụ việc cũng cho thấy sự khốc liệt và từ năm 1991, các nhóm tìm kiếm từ Campuchia và Mỹ đã khai quật hòn đảo để tìm hài cốt những người lính còn mất tích.

Ba lính thủy quân lục chiến mất tích, trong đó binh nhất Gary Hall 18 tuổi, bị bỏ lại trong cuộc rút quân hỗn loạn của quân đội Mỹ, tuy gia đình nhận được tin đồn cho rằng anh không còn trên đảo nhưng đã bị đưa vào đất liền và bị hành quyết. Cũng có tin đồn tương tự với chuẩn hạ sĩ Joseph Hargrove và binh nhì Danny Marshall.

Nguồn gốc những tin đồn xuất phát từ Em Sơn, tư lệnh các lực lượng Khmer Đỏ trong trận chiến và câu chuyện của ông đã thay đổi vài lần. Những người lính bị cho là đã lần lượt bị bắt và xử tử trên đất liền hoặc đã sống sót sau trận chiến và bị bắt giữ. Câu chuyện từ người chỉ huy và những người sống sót khác lại cho rằng họ bị giết do đạn lạc, bị Khmer Đỏ đánh đến chết, hoặc bị giam giữ tại một nhà tù… là đề tài vô cùng nhạy cảm và hơn 20 cuộc điều tra chưa làm rõ được điều gì. Thời gian để tìm hiểu những gì thực sự đã xảy ra có thể bị hạn chế, khi nay đã có kế hoạch xây dựng một khách sạn và khu nghỉ mát cao cấp trên bãi biển Koh Tang.

Ai giết hạ sĩ Robert Daniel Corriveau ?


 Hạ sĩ Robert Daniel Corriveau - Ảnh: DoD

Năm 1968, hạ sĩ Robert Daniel Corriveau biến mất khỏi bệnh viện tâm thần Bệnh viện Hải quân Philadelphia và bị cho là đào ngũ. Anh đã trở về từ Việt Nam và bị các triệu chứng nay được gọi là rối loạn stress sau chấn thương. Chỉ đến khi em gái anh bắt đầu đấu tranh và nhấn mạnh rằng anh cô không phải là một kẻ đào ngũ, mà là một phần của sự thật bị phơi bày.

Trong năm 2012, bằng cách sử dụng ADN từ người em của Corriveau, thi thể của anh đã được xác định. Chỉ 3 giờ sau khi anh biến mất khỏi bệnh viện, cảnh sát phát hiện ra một thi thể ngay tại rào chắn và thi thể vẫn mang tên John Doe trong hơn 40 năm qua.

Hiện nay, Corriveau không còn bị xem là một kẻ đào ngũ nhưng là một nạn nhân bị giết với vết đâm vào tim, nhưng không còn gì khác để biết chính xác về những gì đã xảy ra. Thi thể  anh được phát hiện cách bệnh viện khoảng 50 km. Đến một tuần lễ sau, gia đình mới được thông báo về sự mất tích của anh.

Hiện nay Corriveau đã được Mỹ trao tặng huy chương, tưởng thưởng cho sự phục vụ của anh ta tại Việt Nam. Gia đình biết rằng anh không phải là một kẻ đào ngũ và vẫn hy vọng rằng ai đó có thể đứng ra giúp họ giải quyết vụ án giết người này.

Hiệu quả chiến dịch ‘Wandering Soul’ (Oan hồn vất vưởng)

Chiến dịch “Oan hồn vất vưởng” được hoạch định nhằm khai thác niềm tin của người Việt về những người đã khuất. Người chết mà không được chôn cất tử tế, oan hồn của họ được cho sẽ mãi lang thang trên đường, bị kẹt lại, bị dày vò và tìm đến người còn sống.

Trong nỗ lực nhằm gieo sự sợ hãi vào lòng đối phương, nhân viên quân sự Mỹ với sự giúp đỡ của một số tình nguyện viên Việt Nam đã thu lại những âm thanh kỳ quái rùng rợn từ khắp các cánh rừng. Các băng ghi âm này gọi là “Ghost Tape No.10” (băng ma số 10) và được sử dụng rộng rãi, nhưng không ai biết gì về hiệu quả của nó.


Máy bay Mỹ phun chất khai quang diệt lá cây trên rừng núi Trường Sơn trong chiến tranh tại Việt Nam - Ảnh: Không lực Mỹ

Các báo cáo rất khác nhau và sơ sài. Một số nói rằng băng này hoàn toàn không có tác dụng và đối phương dễ dàng nhận ra trò bịp bợm. Báo cáo khác lại cho rằng thành công khi chí ít cũng làm lung lay tinh thần một số quân lính và có báo cáo tuyên bố rằng nó làm kẻ địch sợ hãi, phải rời bỏ hàng ngũ và đầu hàng.

Về mặt nào đó, chiến dịch “Oan hồn vất vưởng” không hoàn toàn kết thúc sau chiến tranh. Tên gọi này được tái sử dụng cho chương trình do Úc và New Zealand khởi động. Sau khi các gia đình Việt Nam hỗ trợ trong việc tìm kiếm và trả lại hài cốt những lính Úc, quân đội Úc và Bảo tàng Cựu chiến binh Việt Nam đã quyết định đáp lại cử chỉ thiện chí. Họ yêu cầu gom góp lại bất kỳ vật kỷ niệm chứng tích nào đã lấy từ Việt Nam, để trao lại quyền sở hữu vào tay các gia đình những người quá cố.

Nghĩa vụ quân sự của tổng thống George W.Bush

Trong năm 2000 và một lần nữa vào năm 2004, những câu hỏi về thời gian nghĩa vụ quân sự của George W. Bush lại được nêu lên. Ban đầu là câu hỏi khá nhẹ nhàng, nhưng sau đó ngày càng có thêm nhiều câu hỏi. Những hồ sơ liên quan có vẻ quá sơ sài, nhiều thiếu sót và mâu thuẫn. Mặc dù hồ sơ trả lương khi ông Bush phục vụ tại căn cứ không quân Ellington năm 1973 khá bình thường, nhưng hồ sơ y tế trong một khoảng thời gian cho thấy ông không có mặt tại đó. Các hồ sơ khác chứng tỏ sự hiện diện của ông tại căn cứ không quân ở Texas còn ít hơn.


Trung uý George W. Bush khi còn ở trong Vệ binh Quốc gia, tránh được tham chiến tại Việt Nam - Ảnh: Không lực Mỹ

Ngoài ra, ông Bush còn bị cáo buộc đã dùng các mối quan hệ của gia đình để tránh tham gia cuộc chiến tranh ác liệt tại Việt Nam khá dễ dàng. Trước đó, vào năm 1968, số điểm đạt được cho thấy ông gần như không đủ điểm tối thiểu để vượt qua kỳ thi phi công theo yêu cầu. Tuy nhiên, với sự nổi tiếng của mình, ông Bush luôn hình có một hồ sơ chỉnh chu với hình ảnh một chàng Bush trẻ trung.

Một câu hỏi chưa được trả lời triệt để: Phải chăng nước Mỹ tự cho rằng vị ông Bush sẽ được ưu tiên thoát khỏi cuộc chiến tồi tệ tại Việt Nam và được học lái máy bay? Những mẫu đơn ông Bush kê khai dường như cũng chỉ ra rằng ông đã xác định không muốn bị gửi đi chinh chiến ở nước ngoài. Sau đó, ông nói đã bị từ chối thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài, nhưng điều này chỉ diễn ra sau hậu trường, nên vẫn chưa rõ ràng.

Năm 2004, ‘xì-căng-đan’ lại nổi dậy khi bản tin ‘60 phút’ của nhà báo Dan Rather có một số tài liệu dường như cho thấy ông Bush đã từ chối mệnh lệnh phục tùng đội Vệ binh Quốc gia và cuối cùng đã bị đình chỉ nhiệm vụ vì không đạt tiêu chuẩn vệ binh. Tuy nhiên, không rõ những tài liệu này xuất phát từ đâu. Sau cùng câu chuyện phải được rút lại và nói lời xin lỗi.

P.Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Hồ sơ: Vì sao UAV Mỹ bị Bắc Việt Nam bắn hạ như sung ?
>> Hồ sơ: Khẩu siêu súng 1.200 nòng của Mỹ phá sản ở Việt Nam
>> Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí Mỹ thăm Việt Nam
>> Mỹ cung cấp tàu tuần tra tốc độ cao nào cho Việt Nam ?
>> Bộ đội tên lửa Bắc Việt Nam trong mắt tạp chí Air & Space (Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.