Những bí mật trước giờ G - Kỳ 2: "Đột kích vào Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn"

24/04/2009 22:50 GMT+7

(Tiếp theo Thanh Niên số 114, ngày 24.4.2009) Dinh phó tổng thống thường ngày được đông đúc cảnh vệ canh giữ từ ngoài vào trong trông rất uy nghiêm. Song trưa 29.4, dinh lặng lẽ u ám như đang có tang, bởi nguồn tin đại quân cách mạng đang tiến sát Sài Gòn, khiến không ít lính tráng, kể cả sĩ quan cấp úy, đã trốn đi, bỏ mặc những con chim trắng "thuộc loại chim nhập cảng đắt tiền đang ríu rít mổ những bông cỏ và hạt kê còn sót lại", phải bơ vơ trong lồng.

Dưới thềm đại sảnh của dinh, theo mô tả của hồi ký Nước mắt ngày gặp mặt, còn có con cá sấu to bằng cổ chân đang giương mắt nhìn lên, cô độc. Khi đại tá Tư Cang đến đó, ông kêu gọi số còn lại trong đơn vị cảnh vệ của dinh hãy tập trung ngoài sân, đếm được... 115 người. Ông lệnh các sĩ quan cộng sự của mình chỉ giữ lại viên trung tá chỉ huy trưởng và hai viên thiếu tá chỉ huy phó của đội cảnh vệ, còn bao nhiêu thả cho về với gia đình ngay đêm ấy.

Tuân lệnh ông, sĩ quan Bảy Thanh dùng loa hướng dẫn:

- Các anh hãy sắp hàng dọc, theo cổng chính mà ra.

Theo đó, từng tốp lính Sài Gòn kéo nhau tỏa ra đường Hiền Vương tức đường Võ Thị Sáu ngày nay, để về nhà họ theo nhiều hướng. Nhìn cảnh ấy, Tư Cang không khỏi liên tưởng đến hình ảnh trái ngược mà ông đã bắt gặp ở Bộ Tổng tham mưu cách đó vài tiếng. Đó là hình ảnh phơi phới của các chiến sĩ Z28.

Z28 là đơn vị trực thuộc Lữ đoàn 316 (do Tư Cang làm chính ủy). Đây là đội biệt động nội thành (do Bảy Vĩnh chỉ huy), hoạt động khi ẩn khi hiện với nhiều tay súng như Sáu Ánh, Hiệp, Thông (trong đó có hai trung úy và một thượng sĩ cài trong hàng ngũ binh lính Sài Gòn), lúc nào cũng sẵn sàng nổ súng bảo vệ các điệp viên, hoặc để các tổ tình báo của cách mạng thoát hiểm. Giờ đây, chính họ là những người đầu tiên sắp thực hiện cuộc tấn công chọc thủng Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn sáng 30.4 trước khi đại quân kéo đến. Để làm tròn nhiệm vụ ấy, từ khuya 29, các tay súng của Z28 theo quy ước trước, đã bí mật từng người một tiến về hướng chợ Phú Nhuận và gặp nhau tại nhà ông Sáu thợ mộc. Đến 4 giờ sáng 30.4, họ gồm 14 người có mặt tại địa điểm trên, cởi bỏ quần áo thường dân đang mặc, để thay vào đó những bộ đồ cảnh sát dã chiến nhằm ngụy trang, che mắt đối phương trước khi ra khỏi nhà. 4 lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng may sẵn xếp lại, để gọn trong lồng ngực của 4 người cùng một số vũ khí, đi trước do Bảy Vĩnh dẫn đầu. Ai nấy đều mang theo băng tay cá nhân màu đỏ trong túi áo để làm tín hiệu liên lạc với đơn vị bạn khi cần. Lẽ ra, theo kế hoạch định sẵn, Z28 sẽ được thiết giáp yểm trợ khi đánh vào Bộ Tổng tham mưu. Nhưng họ đợi đến 5 giờ 30, rồi hơn 6 giờ, vẫn chưa bắt liên lạc được với lực lượng yểm trợ. Cuối cùng, họ quyết định xuất phát từ lúc 7 giờ, dàn đội hình hàng dọc rời khỏi nhà ông Sáu thợ mộc ra đường lớn, qua ngã tư nhà thương Cơ Đốc, rẽ trái vào đường Võ Tánh, đến cổng B của Bộ Tổng tham mưu. Vì lệnh phải đánh thẳng vào cổng A, nên Z28 rời cổng B tiếp tục qua khỏi ngã ba Trương Quốc Dung, vừa đi vừa giả bộ cãi vã chửi thề, sừng sộ nhau, y hệt như một đội "cảnh sát dã chiến" thứ thiệt trong giờ hỗn loạn.

 Để đến đó, đội hình của Z28 tiến về khu vực Trung tâm tiếp huyết trên đường Võ Di Nguy, vượt qua cái sân rộng áp sát cổng 4. Cổng này lại đang bị 3 xe thiết giáp khác án ngữ. Bảy Vĩnh truyền lệnh: "Cứ 3 người nhảy lên chiếm một xe tăng". Bỗng một chùm đại bác của đại quân giải phóng "sà xuống kéo theo những tiếng rít kinh hồn. Ầm, ầm!". Đội Z28 vẫn tiến nhanh hơn về phía trước. Đơn vị lính Sài Gòn đang gác cổng nghe tiếng đại bác sợ xanh mặt "hai tay đang còn bịt tai, chưa kịp chụp lấy súng thì nòng tiểu liên AK của các chiến sĩ Z28 đã dí sát ngực", nên tất cả đều đưa cao tay, đầu hàng một lượt. Lúc ấy cả 3 xe thiết giáp cũng đã bị Z28 chiếm. Có vài lính Sài Gòn ngỡ là "trò đùa" của các "cảnh sát dã chiến" nên lên tiếng cãi lẫy này nọ. Bảy Vĩnh liền rút lá cờ giải phóng trong ngực ra phất lên. Ba lá cờ khác cũng được các chiến sĩ Z28 rút ra đưa cao trên 3 chiếc xe tăng. Tới đây toàn bộ lính ở khu vực cổng Bộ Tổng tham mưu trố mắt bàng hoàng, hướng mắt về phía Bảy Vĩnh nghe tuyên bố: "Chúng tôi là quân giải phóng. Chúng tôi không giết các anh đâu. Đằng sau chúng tôi đại quân đang tiến vào. Tất cả các anh hãy bỏ súng xuống, cởi quần áo nhà binh ra, chạy mau về với vợ con. Còn 3 anh lái 3 chiếc xe tăng hãy gấp rút lái đưa chúng tôi vào văn phòng Tổng tham mưu trưởng, sau đó chúng tôi cũng sẽ thả cho cả 3 anh ra về". Nghe vậy, tất cả lính Sài Gòn có mặt ở khu vực cổng số 4 đồng loạt vứt súng xuống đất, cởi bỏ quần áo, chạy ra cổng. Ngược lại, toán xe tăng chở 12 chiến sĩ Z28 ngồi ở trên quay đầu tiến thẳng vào cổng. Đến khoảng sân rộng, cách phòng làm việc của Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn không xa, thấy một xe quân sự gắn sẵn khẩu súng phòng không đang chĩa nòng lên trời và một cụm pháo gồm 4 khẩu 105 ly. Nhưng tất cả đều nằm im, bất động, số lính quanh đó vội ra hàng không sót một người. Chỉ vài phút sau, lá cờ giải phóng từ trên xe tăng được chuyển lên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu bay phấp phới.

Lúc bấy giờ đồng hồ chỉ 9 giờ, sáng 30.4.

Theo hồi ký của cụm trưởng tình báo Tư Cang: "Khoảng hơn 11 giờ trưa, có toán xe thiết giáp do anh Tư Tăng, chỉ huy phó của Lữ đoàn 316, và anh Ba Đen, chỉ huy trưởng Z32 đến đấy. Thấy Z28 đã chiếm xong Bộ Tổng tham mưu, xe thiết giáp của các anh thẳng đường tiến về hướng dinh Độc Lập...". Đứng giữa Sài Gòn đêm 30.4, Tư Cang không khỏi bồi hồi nhớ đến những lần cận kề cái chết bên các đồng đội tình báo của mình. Nhớ đến những "địa chỉ nóng" ở Sài Gòn mà ông đã vẽ bản đồ chi tiết, kèm theo tài liệu mật, cũng như tin tức tình báo liên quan gửi ra chiến khu. Một trong những địa chỉ đó là kho quân cụ của Mỹ và quân đội Sài Gòn thiết lập gần khu vực chùa Việt Nam Quốc tự. Ông lập tức ra xe, lệnh tài xế theo đường Trần Quốc Toản đến địa bàn có kho quân cụ trên và biết từ lúc chập choạng tối các vòi xăng trong kho đã bị mở khóa, xăng chảy tràn lan đe dọa một trận hỏa hoạn bất kỳ. Thình lình một chiếc xe chạy ngược chiều có đề hai chữ to tướng "Cục R" bằng sơn đỏ trên kính chắn gió do một người lạ mặt cầm lái lao về phía ông, đó là ai?

(còn tiếp)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.