Những cái tên ra đi sau năm 2017 sóng gió tại Nhà Trắng

30/12/2017 07:00 GMT+7

Năm 2017 chứng kiến sự biến động mạnh trong đội ngũ của Tổng thống Donald Trump với hàng loạt quan chức liên tiếp rời Nhà Trắng.

Từ lúc tranh cử cho đến khi nhậm chức, đội ngũ của Tổng thống Donald Trump luôn bị bủa vây bởi những tranh cãi và có nhiều xáo trộn. Sau khi ông nhậm chức vào tháng 1, có không ít cái tên dưới quyền ông phải từ chức hoặc bị sa thải. Sự bất định này bị cho là ảnh hưởng tiêu cực đến tính xuyên suốt và nhất quán trong việc điều hành đất nước của vị tổng thống 71 tuổi.
Bà Sally Yates AFP
Sally Yates - Ngày 30.1
Cái tên đầu tiên bị trảm là quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Q. Yates, chỉ 10 ngày sau khi ông Trump nhậm chức (ngày 20.1). Bà Yates đã yêu cầu các luật sư của Bộ Tư pháp không biện hộ cho lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi và là tâm điểm chú ý sau khi Tổng thống nhậm chức. Sau đó, bà nói với một ủy ban Thượng viện rằng bà coi lệnh cấm này là "trái luật". Nhà Trắng đưa ra tuyên bố nói rằng bà Yates đã "phản bội" Bộ Tư pháp, theo The Hill.
Trước khi bị cách chức, bà Yates đã đưa ra những cảnh báo chấn động về việc Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã nói dối Phó tổng thống Mike Pence và là người "rất dễ bị phía Nga gây ảnh hưởng". Tuy vậy, Nhà Trắng bị cho là bỏ ngoài tai lời cảnh báo này, và việc gì đến cũng đến sau đó mười mấy ngày.
Ông Michael Flynn AFP
Michael Flynn - Ngày 13.2
Ngày 13.2, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức sau khi bị phát hiện khai man về những cuộc trao đổi với đại sứ Nga về lệnh trừng phạt mà Tổng thống Barack Obama áp đặt lên Moscow.
Ông Flynn ngày 1.12 đạt thỏa thuận pháp lý với giới công tố viên khi đồng ý nhận tội khai man các nhà điều tra liên bang về nội dung các cuộc trao đổi giữa ông và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. Ông Flynn sẽ phải chịu mức phạt nhẹ hơn nhiều, đổi lại, ông sẽ hợp tác với công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người chịu trách nhiệm lãnh đạo cuộc điều tra nghi vấn về "quan hệ mờ ám" giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Bà Katie Walsh AFP
Katie Walsh - Ngày 30.3
Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Katie Walsh rời nhiệm sở hồi tháng 3 sau nhiều nỗ lực thất bại trong việc lật ngược đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare để gia nhập tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ chính sách của Tổng thống Trump có tên America First Policies.
Tuy nhiên, sự ra đi của bà Walsh - người được coi là tai mắt của Chánh văn phòng Reince Priebus - được xem như điềm báo cho tương lai của ông Priebus tại Nhà Trắng.
Ông James Comey AFP
James Comey - Ngày 9.5
Sa thải Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey hồi tháng 5 là quyết định cứng rắn nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất của Tổng thống Trump cho đến nay. Tổng thống Trump cho rằng chính cách xử lý không hợp lý của ông Comey trong cuộc điều tra về vụ bê bối thư điện tử của cựu ứng viên Tổng thống Hillary Clinton để làm việc công là lý do sa thải. Ông Comey, trong những ngày cuối trước khi cuộc bầu cử diễn ra, kết luận rằng bà Clinton không thể bị truy tố khiến ông Trump mỉa mai rằng đối thủ tranh cử của ông "được bảo vệ bởi một hệ thống gian lận".
Việc cách chức ông Comey cũng làm dấy lên những tranh cãi vì FBI khi đó đang điều tra nghi án về Nga nói trên. Do đó, quyết định này bị nghi là nhằm gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra. Vụ việc này được giới truyền thông so sánh như sự kiện năm 1973, khi Tổng thống Richard Nixon sa thải công tố viên đặc biệt Archibald Cox giữa lúc ông này đang điều tra vụ bê bối Watergate.
Mike Dubke - Ngày 30.5
Ngày 30.5, Giám đốc truyền thông Mike Dubke từ chức chỉ sau 86 ngày làm việc và chưa để lại được dấu ấn gì. Ông Dubke là người mới trong chính quyền vì không thuộc đội ngũ trợ lý của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Ông cho biết quyết định từ chức là vì "vấn đề cá nhân".
Đến tháng 7, ông Anthony Scaramucci thay thế vị trí này nhưng cũng chỉ trụ lại được vỏn vẹn 10 ngày, được cho là xuất phát từ đấu đá nội bộ Nhà Trắng. Vị trí giám đốc truyền thông bị bỏ trống cho đến giữa tháng 9 khi Tổng thống Trump thăng chức cho trợ lý lâu năm Hope Hicks vào chức vụ này.
Ông Walter Shaub Shutterstock
Walter Shaub - Ngày 6.7
Giám đốc Văn phòng Đạo đức chính phủ (OGE) Walter Shaub từ chức dù đến tháng 1.2018 mới chính thức mãn nhiệm. Ông Shaub có nhiều mâu thuẫn với Tổng thống Donald Trump và từng chỉ trích ông Trump về việc xung đột lợi ích giữa vai trò tổng thống với công việc kinh doanh. Dù vậy, ông Shaub tuyên bố không hề bị ông Trump hay các trợ lý thân cận gây áp lực để đưa ra quyết định từ chức.
Ông Sean Spicer Reuters
Sean Spicer - Ngày 21.7
Thư ký báo chí Spicer thông báo từ chức vào tháng 7 và chính thức rời đi vào ngày 31.8 sau một thời gian làm việc đầy hỗn loạn và thường có những tranh cãi với giới truyền thông. Ông Spicer từ chức được cho là vì không đồng ý với việc ông Scaramucci vào Nhà Trắng.
Michael Short - Ngày 25.7
Cũng như ông Spicer, trợ lý thư ký báo chí Michael Short cũng từ chức vì không đồng ý việc bổ nhiệm ông Scaramucci.
Ông Reince Priebus Reuters
Reince Priebus - Ngày 28.7
Chánh văn phòng Nhà Trắng ra đi không kèn không trống vào ngày 28.7. Chính quyền Trump thông báo đây là quyết định từ chức nhưng truyền thông phương Tây đưa tin rằng ông Priebus đã bị sa thải.
Trong 6 tháng làm việc với những đấu đá nội bộ trong Nhà Trắng, Chánh văn phòng bị những người trung thành với Tổng thống Trump chỉ trích là không giúp lãnh đạo nước Mỹ giành thắng lợi trong việc đưa ra chính sách và không thiết lập trật tự tại Nhà Trắng. Ông John Kelly là người điền vào vị trí bỏ trống này.
Ông Anthony Scaramucci Reuters
Anthony Scaramucci - Ngày 31.7
Đây là quan chức có thời gian tại vị ngắn nhất trong chính quyền Tổng thống Trump tính đến nay với vỏn vẹn 10 ngày. Việc cách chức ông Scaramucci được cho là có sự nhúng tay của ông Kelly, người muốn lập lại trật tự trong Nhà Trắng. Thời gian làm việc của ông Scaramucci dù ngắn ngủi nhưng cũng không thiếu phần kịch tính sau khi ông bị phát hiện trả lời phỏng vấn tờ New Yorker với những lời lẽ đả kích nặng nề nhắm vào ông Priebus và một số quan chức Nhà Trắng khác, được cho là gồm chiến lược gia trưởng Steve Bannon.
Ông Steve Bannon AFP
Steve Bannon - Ngày 18.8
Bị cho là một trong những thành viên gây tranh cãi nhất trong chính quyền, ông Bannon bị sa thải vào tháng 8. Ông Bannon là người giúp định hình chính sách Nước Mỹ trước tiên của Tổng thống Trump từ lúc còn tranh cử. Dù vậy, sự ra đi của ông bị cho là vì những đấu đá với các quan chức khác trong chính quyền như Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster hay những người thân của Tổng thống Trump trong Nhà Trắng.
Bannon tuyên bố rằng ông đã xin từ chức chứ không phải bị cách chức, đồng thời vẫn sẽ tiếp tục "đấu tranh" chống lại những đối thủ của ông Trump tại quốc hội, truyền thông và trong các đoàn thể tại Mỹ.
Ông Sebastian Gorka Ảnh chụp màn hình The Forward
Sebastian Gorka - Ngày 25.8
Ông Gorka là phó trợ lý tổng thống phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia và chống khủng bố. Ông viết đơn từ chức vì cho rằng "Nhà Trắng đã bị xâm chiếm bởi những kẻ không ủng hộ cho lời hứa làm nước Mỹ vĩ đại trở lại". Sau khi từ chức, ông Gorka và ông Bannon đều quay lại làm việc cho trang tin Breitbart, chuyên có những bài viết ủng hộ tư tưởng thiên hữu, theo ABC News.
Ông Tom Price Reuters
Tom Price - Ngày 29.9
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Tom Price từ chức sau những bài báo phanh phui việc ông chi hàng trăm ngàn USD tiền thuế để đi công tác bằng máy bay tư nhân, ngay cả khi có những chuyến bay thương mại rẻ hơn.
Bên cạnh những nhân vật trên, Nhà Trắng cũng nói lời tạm biệt với nữ tổng quản Angella Reid hồi tháng 5 và Phó cố vấn an ninh quốc gia K.T. McFarland hồi tháng 4, người dự kiến chuyển sang làm đại sứ tại Singapore. Ngoài ra, Nhà Trắng hồi đầu tháng 12 thông báo Phó cố vấn an ninh quốc gia Dina Powell cũng sẽ từ nhiệm vào đầu năm 2018 trong khi ngày càng có nhiều đồn đoán về việc Ngoại trưởng Rex Tillerson sắp ra đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.