Những câu chuyện ở Nông Sơn

06/09/2021 06:00 GMT+7

Ngày 2.9 vừa qua, cầu Nông Sơn mới được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra và tuyên bố đưa vào sử dụng mà không làm lễ khánh thành như thường lệ do đại dịch Covid .

Đời cầu cùng đời người, Nông Sơn nhắc ta nhớ lại bao câu chuyện của một vùng đất…

Từ ký ức một vùng Duy Tân

Trong các hồi ký, chuyện kể về vùng đất Trung Phước, Nông Sơn của nhiều vị tiền bối mà tôi từng đọc và nghe. Trước hết là mỏ than Nông Sơn.
Mỏ than Nông Sơn góp phần làm thay đổi cuộc sống của cư dân một vùng núi non hiểm trở. Mỏ này hoạt động từ năm 1878 khi triều đình nhà Nguyễn cấp giấy phép cho những thợ người Hoa đến khai thác theo phương pháp thủ công thủ công thô sơ. Sau đó, Công ty Sociéte des Docks et Houilleries de Tourane của người Pháp lãnh thầu đến năm 1906 cũng bỏ. Tiếp đến là các Công ty Brizard rồi Debeaux xúc tiến khai mở và đưa thợ mỏ từ Quảng Ninh vào tiếp tục khai thác. Đến trước năm 1945, vỉa than trên cùng đã cạn, thiếu cả vốn và thiết bị nên không thể mở rộng việc khai thác vào sâu trong lòng đất, mặc dù quân đội Nhật đã đến tiếp quản mỏ này một thời gian trước đó.
Cùng với việc xây dựng khu kỹ nghệ An Hòa vào năm 1957, với sự viện trợ của cơ quan USAID (Mỹ) chính quyền Ngô Đình Diệm đã đầu tư gần 2 triệu USD để khai thác. Theo thống kê từ năm 1961 khai thác được 80 ngàn tấn, dự kiến bình quân sẽ là 150 ngàn tấn mỗi năm để cung cấp năng lượng cho khu kỹ nghệ nói trên và nhu cầu của các tỉnh Trung bộ. Chiến tranh đã khiến dự án ngưng hoàn toàn vào năm 1967.
Trong hồi ký của mình, cố giáo sư Hoàng Châu Ký, cựu Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tại đây xác nhận, nhiều thợ mỏ Quảng Ninh đã lập gia đình, định cư luôn tại đây, cuộc sống công nghiệp đã tác động đến người dân khu vực Trung Phước, Đại Bình lân cận. Nhờ vậy, “Chợ Trung Phước phát đạt hơn, nhiều hiệu buôn tạp hóa, hiệu thuốc bắc, nông thổ sản, kể cả của người Hoa được mở ra, cả bán sỉ và lẻ… Các tiệm hớt tóc, quán cơm, mì Quảng, bánh bèo cũng mở ra. Công nhân viên chức ở Nông Sơn mua thực phẩm hàng tiêu dùng ở chợ này, bồi bếp cho Tây ra đây mua cá, thịt trứng về cho chủ…”. Nhưng cũng chính trong không khí đó, nhiều công nhân thợ mỏ đã bí mật tham gia các phong trào yêu nước.
Trước đó, từ đầu thế kỷ 20, sau khi công cuộc kháng Pháp của bộ ba Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến, Nguyễn Duy Hiệu ở Tân tỉnh tan rã, các nhà Duy Tân xứ Quảng là các chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cũng đã tìm lên đây, vừa cổ động cho phong trào Duy Tân, vừa tìm đất mở Nông hội ở làng Sé thuộc xã Quế Lâm.
“Lúc lắc đò đưa Tí, Sé, Kẽm. Gập ghềnh chân bước Răm, Ri, Liêu” đã được cụ Trần sáng tác trong dịp này, rất được học giới lúc đó yêu thích, kể cả được ghi vào Niên biểu của cụ Phan Bội Châu.
Nhưng có lẽ dấu ấn Duy Tân còn in đậm nét sau này chính là Trường Duy Tân Phú Bình ở xã Quế Lộc, được coi là 1 trong 40 trường Duy Tân trên cả nước hồi đầu thế kỷ 20 dạy các môn văn, toán, cách trí, cả ngoại ngữ là Pháp văn và chữ Hán. Ngoài ra học sinh còn tham dự nhiều cuộc diễn thuyết về văn hóa, xã hội tiến bộ thời bấy giờ để mở mang kiến thức… Trường Phước Bình bị triệt hạ sau biến cố năm 1908, nhiều thầy giáo của phong trào bị kết án và lưu đày ra Côn Sơn, trong đó có cụ Đặng Lãm ở làng Đại Phong, gần đèo Le…

Đến cuộc tản cư vĩ đại và chiến khu Lê Hồng Phong

Sau 1945, ông Trần Tống (1916-1988), nguyên xứ ủy Trung Kỳ, Phó bí thư tỉnh ủy và ủy viên Ủy ban kháng chiến Quảng Nam ký quyết định thành lập đặc khu Hoàng Văn Thụ và giao nhiệm vụ cho ông Hoàng Châu Ký làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tại đây.
Đặc khu Hoàng Văn Thụ gồm 4 xã Tây Viên, Nam Linh, Phước Khánh và Vân Sơn, ngày nay là các xã Quế Lộc, Quế Trung, Quế Lâm và Quế Ninh là một thung lũng dài giữa bốn bề núi hiểm, kéo dài từ phía tây đèo Le đến Hòn Kẽm Đá dừng, có thượng nguồn Thu Bồn chảy dọc, từ đèo Phường Rạnh đến núi Trà Linh, tương ứng với địa giới chiến khu Trung Lộc (Tân tỉnh) của cụ Hường Hiệu xưa kia.
Muốn đến được đặc khu Hoàng Văn Thụ, ngoài đường sông Vĩnh Điện - Thu Bồn còn có con đường đất băng qua đèo Le mà dân gian kể là xây dựng từ tiền bán 12 bằng cửu phẩm của triều đình nhà Nguyễn. Các cụ già kể lại con đường này vì vậy được dân đặt tên là “Con đường 12 thầy cửu”. Công sứ Pháp từ Hội An và quan chức Nam triều sau khi đi ô tô đến chợ Trung Phước để khánh thành con đường, sau đó vài tháng thì nó sạt lở vì mưa lũ. Người dân và quân đội kháng chiến chỉ có thể đi bộ hoặc đi xe đạp. Các nhà thơ, nhà văn xứ Quảng trong kháng chiến như Nguyễn Văn Xuân, Khương Hữu Dụng đã từng mở các quán nước và hớt tóc trên đỉnh đèo, vừa kiếm cơm rượu, vừa để hẹn hò giới văn nghệ kháng chiến đầy lãng mạn…
Giáo sư Ký còn kể với tôi, các nhà văn, nhà thơ tiền chiến lúc đó như Thái Can, Vũ Hân… cũng thường đến Trung Phước theo những chuyến ghe buồm xuôi ngược từ Hội An chở hàng lên đây. Nhưng những chuyện kể của ông gây ấn tượng chính là làn sóng di cư của giới trí thức “tiểu tư sản” từ Đà Nẵng, Hội An và các vùng đồng bằng sầm uất về đây, tuy cực khổ nhưng khó quên.
“Tản cư về Trung Phước có khá đông các vị quan lại trước đây của Nam triều và chính phủ Bảo hộ, cả các Tổng đốc, Án sát, thẩm phán, giáo học, bác sĩ, quản binh và các nhà tư sản từ Đà Nẵng, Duy Xuyên, Hội An, Đại Lộc cũng như các tú tài, trung học, y sĩ, y tá và giáo viên… Họ quây quần ở vùng Phú Gia tạo nên bộ mặt sinh hoạt “tiểu tư sản - thị dân…”, ông Ký kể. Đại đa số người nghèo tản cư đều ở quanh Trung Phước với việc làm nông và buôn bán nhỏ. Nhà nào cũng có người tản cư ở nhờ, không đủ chỗ thì dựng lều ở các khu đất trống bên đường cái… Mọi người sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi cùng nhau…
Dòng người tản cư về Nông Sơn, Trung Phước ở đó chắc là có nhiều gia đình định cư ở lại hẳn. Sau này tôi còn biết gia đình bác sĩ Tín (dầu khuynh diệp nổi tiếng) đã mua hẳn một khu vườn sát bờ sông và đến những năm 1990, con cái ông từ Pháp đã quay về, trùng tu lại để giữ một kỷ niệm đáng nhớ. Trong những lúc thiên tai, con cháu bác sĩ Tín cũng không quên những ân tình cũ.
***
Điều đáng suy ngẫm là có lẽ nếp sống công nghiệp từ mỏ than Nông Sơn, nếp sống thị dân từ đồng bào tản cư từ các đô thị trong nhiều năm sau toàn quốc kháng chiến đã tạo cho vùng Trung Phước một nét văn hóa đặc thù hơn nhiều vùng miền núi, trung du khác.
Tôi có dịp lang thang trong các làng từ khu nhà trong thôn Nông Sơn, đến làng trái cây Nam bộ Đại Bường đến khu phố chợ Trung Phước từ sau đổi mới, đều thấy nhà cửa xây dựng hiện đại, nề nếp nhưng không khoa trương, nếp cư xử văn minh không quá nệ vào hình thức. Một di sản từ Duy Tân đến đặc khu kháng chiến đã tác động đến cuộc sống mới chăng?
Rồi vụ chìm đò khiến 18 học sinh thiệt mạng hồi năm 2008 đến việc xây dựng chiếc cầu “Tình Thương" do sự đóng góp của cả nước, tuy là một vết thương lòng, nhưng đâu đó đã hằn sâu vào tâm thức những cư dân trong vùng một điều gì đó như là niềm rung cảm của cái đẹp trong lòng người? Đến nổi một hôm anh xe thồ khi biết tôi là người làm việc ở một tờ báo đã quyên góp cho việc xây cầu, anh đã xua tay không nhận tiền một cuốc xe gần ba cây số! “Chưa nói được lời cám ơn sao lại đi lấy tiền?”, anh nói - thật giản dị.
Để bây giờ, chiếc cầu Nông Sơn mới và đường dẫn (giai đoạn 1) thuộc dự án cầu Nông Sơn và đường nối từ cầu Nông Sơn đến đường Trường Sơn Đông có tổng mức đầu tư gần 130 tỉ đồng, cho hai làn xe xuôi ngược nhằm thay thế cầu Nông Sơn cũ đã xuống cấp, đã hoàn thành sau gần 2 năm thi công. Đây là công trình quan trọng nằm trên quốc lộ 14H nối đôi bờ thượng nguồn sông Thu Bồn nối với đường Trường Sơn Đông, lại tạo thêm một động lực phát triển cho vùng đất đầy những câu chuyện đáng nhớ suốt nhiều thế kỷ nay…
Việc “tuyên bố đưa vào sử dụng” mà không làm lễ khánh thành vì đại dịch của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, một lần nữa cho thấy, trong niềm vui của người Nông Sơn còn là việc nhìn về cái mới thật tự nhiên, đơn giản mà hiệu quả. Biết đâu, đây cũng là sự kiện mở đầu cho những biểu hiện không cần phải khoa trương của cả nước?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.