Những chảo ăng ten bí ẩn ở ngoại ô Paris

11/12/2014 05:25 GMT+7

Một khu nhà bí ẩn cách thủ đô Paris (Pháp) chỉ khoảng 10 km đang là chủ đề gây nhiều tranh luận tại nước này và Trung Quốc.

 Kỹ thuật viên Trung Quốc tháo lắp ăng ten tại khu nhà - Ảnh: Le Nouvel Observateur
Kỹ thuật viên Trung Quốc tháo lắp ăng ten tại khu nhà - Ảnh: Le Nouvel Observateur

Theo phóng sự điều tra đăng trên tờ Le Nouvel Observateur, khu nhà nói trên tọa lạc trong khuôn viên rộng 1 ha ở thị trấn Chevilly-Larue, thuộc vùng ngoại ô phía nam Paris. Đây là cơ sở trực thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp nên theo các công ước quốc tế, là nơi bất khả xâm phạm và cảnh sát sở tại không có quyền xâm nhập.

Thoạt trông, cơ sở này không khác gì một khu dân cư bình thường với 2 dãy nhà 3 tầng, 1 nhà để xe, 1 sân quần vợt. Tuy nhiên, trên nóc của 1 dãy nhà có lắp đặt 3 hệ thống chảo ăng ten cỡ lớn. Le Nouvel Observateur đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia an ninh, kỹ thuật viễn thông và hầu hết đều cho rằng đây là những thiết bị thu phát sóng hiện đại để phục vụ công tác tình báo.

Hàng xóm bí ẩn

Trả lời Le Nouvel Observateur, một tùy viên báo chí thuộc Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp cho biết cơ sở ở Chevilly-Larue là “khu hậu cần” của cơ quan này và các ăng ten để “phục vụ công tác truyền thông”. Còn người dân sống gần đó hầu như không hay biết gì. “Đó là những hàng xóm bí ẩn, nhưng mọi người đã quen với chuyện đó rồi”, một người nói. Ngay cả Phó thị trưởng Chevilly-Larue là Cyrille Bernardin cũng thừa nhận: “Họ làm gì ở đó à? Tôi chẳng biết gì hết”.

Theo nguồn tin riêng của Le Nouvel Observateur, khu nhà nói trên là một cơ sở trực thuộc Bộ Tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và nhiều khả năng do đơn vị tình báo 61046 chuyên trách châu Âu quản lý. Nguồn tin khẳng định Trung Quốc không chỉ đẩy mạnh xây dựng các trạm thu nhận thông tin để phục vụ công tác tình báo trong nước (quy mô nhất là ở Tân Cương và đảo Hải Nam) mà đã mở rộng ra một số quốc gia ở Đông Nam Á và châu Mỹ, chủ yếu tận dụng các cơ sở ngoại giao. Khu nhà ở Chevilly-Larue là cơ sở đầu tiên thuộc dạng này được thiết lập ở châu Âu. Một chuyên gia giải thích: “Đây là địa điểm lý tưởng: rộng rãi, kín đáo, cách Paris đủ để không phải chịu ảnh hưởng của hiện tượng giao thoa điện từ”.

Theo Le Nouvel Observateur, các chảo ăng ten ở khu nhà Chevilly-Larue được dùng để thu thập thông tin, chủ yếu là kinh tế, từ sóng của các vệ tinh viễn thông Thuraya 2 và Inmarsat. Vệ tinh Thuraya 2 thuộc sở hữu của Tập đoàn Thuraya (UAE), chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại di động vệ tinh cho các doanh nhân khi di chuyển đến những vùng hẻo lánh ở châu Phi hoặc Trung Đông. Một khi bắt được sóng, người ta có thể nghe được cuộc gọi di động, đọc tin nhắn hoặc thư điện tử của các doanh nhân phương Tây khi họ đang đi thực địa để đàm phán với các đối tác. Còn vệ tinh Inmarsat thì “bao quát” khu vực Tây Phi và châu Mỹ La tinh. Những khu vực này đều được Trung Quốc xem là vùng chiến lược để tăng cường ảnh hưởng về kinh tế.

Phản ứng của Trung Quốc

Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, việc lắp đặt 3 ăng ten nói trên được sự đồng ý của chính quyền sở tại. Khi được Le Nouvel Observateur hỏi vì sao bật đèn xanh cho những thiết bị “có nhiều nguy cơ” như thế, Văn phòng Ngoại trưởng Pháp chỉ hồi đáp ngắn gọn: “Miễn bình luận”. Theo một cựu quan chức cấp cao của Paris, đây là chủ đề rất “nhạy cảm” và cho biết thêm: “Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị được lắp đặt ăng ten phục vụ công tác truyền thông vào năm 2010. Tổng cục An ninh nội vụ Pháp lập tức cảnh báo về các nguy cơ đi kèm nhưng khi đó Pháp đang đàm phán một số hợp đồng lớn với Trung Quốc nên muốn bày tỏ thiện chí”.

Không lâu sau khi bài phóng sự được đăng, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định các ăng ten kể trên “là những thiết bị truyền thông chính thức” và việc lắp đặt chúng là “hoạt động bình thường của tất cả các cơ quan ngoại giao trên thế giới, phù hợp luật pháp quốc tế”. Theo ông Hồng, Trung Quốc đã gửi công văn phản ứng đến Le Nouvel Observateur nhưng đến hôm qua, bài phóng sự vẫn tồn tại trên website của tờ báo này và nhiều báo khác của Pháp. Bên cạnh đó, Hoàn Cầu thời báo còn dẫn lời chuyên gia Thôi Hồng Kiến thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc nói: “Một trong những nhiệm vụ chính của tất cả các đại sứ quán là tìm hiểu về tình hình nước sở tại và truyền thông tin về nước nên sự tồn tại của các thiết bị ăng ten là không có gì đáng ầm ĩ”.

Mỹ xét xử nghi phạm đánh cắp bí mật

Ngày 10.12, tòa án bang Connecticut, Mỹ mở phiên xét xử một người quốc tịch Trung Quốc về cáo buộc ăn cắp và mang tài liệu quân sự mật về nước, theo Bloomberg. Vu Long (36 tuổi) từng làm kỹ sư cho một công ty tham gia chương trình chế tạo động cơ máy bay quân sự của hãng United Technologies từ năm 2008 đến đầu năm 2014.

Người này bị bắt hồi tháng 11 tại sân bay ở bang New Jersey cùng hành lý đựng tài liệu về công nghệ sử dụng titan trong chế tạo động cơ máy bay, bao gồm cả chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35. Nhà chức trách Mỹ còn phát hiện bộ hồ sơ cho vị trí làm việc mới tại một tập đoàn Trung Quốc trong hành lý của nghi phạm. Nếu bị tuyên có tội, Vu sẽ phải ngồi tù 10 năm và phạt 250.000 USD.  

Vinh Sơn

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Tình báo Đức bị tố do thám người dân sống ở nước ngoài
>> Biểu tình bạo lực chống cảnh sát ở Pháp
>> Khổ như tình báo Ấn Độ
>> Trung Quốc bắt người ‘do thám’ căn cứ tàu sân bay
>> Gián điệp Nga do thám NATO, chính quyền châu Âu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.