Những chiêu lừa bạc tỉ

01/02/2010 23:57 GMT+7

Thủ đoạn lừa trong những câu chuyện mà chúng tôi lần lượt kể đến rất muôn hình vạn trạng, diễn ra âm thầm trong cuộc sống hằng ngày và vẫn khiến nhiều người “sập bẫy”, phải tán gia bại sản mà nhiều khi không biết kêu ai! Nghe đọc bài

Mất hàng triệu USD vì tin môi giới đất đai

Nôn nóng muốn đầu tư bất động sản tại VN, cặp vợ chồng doanh nhân Việt kiều đã “sập bẫy” một nhóm người môi giới, để rồi bỏ cả doanh nghiệp ở nước ngoài về VN lây lất đòi nợ hàng triệu USD.

Dự án “vịt trời”

Bà Nguyễn Thị Vân (Việt kiều Úc) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đầu tư vào các dự án bất động sản ở VN với gương mặt thiểu não, thất thần. Bà Vân lấy chồng, định cư sống ở Úc vào những năm 70 của thế kỷ trước. Công việc kinh doanh phát đạt, kiếm được khá nhiều tiền, nên hai vợ chồng bà quyết định về đầu tư bất động sản ở VN. Biết được ý định này của vợ chồng bà, một người quen ở Hà Nội đã giới thiệu bà với ông Q., là người có thể tìm kiếm được các dự án tốt để đầu tư.

Một thời gian ngắn sau, ông Q. giới thiệu cho bà Vân dự án rất hoành tráng tại số 538 đường Láng, Hà Nội, có diện tích 5.145,3m2, hai mặt tiền. Điều đặc biệt là “dự án” ông Q. giới thiệu cho bà Vân đều chỉ là lời nói chứ không có bất kỳ bản sao văn bản pháp lý nào chứng minh (Quyết định của các cơ quan có thẩm quyền, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận đầu tư...). Dù vậy, do nóng lòng muốn đầu tư, nên khi tham quan thấy tuyến đường quá sầm uất, bà Vân đồng ý đổ tiền vào “dự án”.

Công ty bất động sản U. nhanh chóng được thành lập với ba cổ đông, trong đó có vợ chồng bà Vân, ông Q. và một cổ đông khác. Theo hướng dẫn của ông Q., bà Vân đã chuyển số tiền 1 triệu USD (đặt cọc) cho ông Đ. để “mua” 70% cổ phần của dự án, đồng thời chi cho Q. 100.000 USD tiền chi phí để có dự án.

Sau đó, vợ chồng bà Vân phát hiện trên mảnh đất mình đầu tư có người xây dựng. Hỏi ra mới biết ông Đ. chỉ là người đứng ra gom đất nhưng không gom được. Dự án này coi như bất thành.

Tiền đầu tư “biến mất”

Trải qua một vài dự án không thành công tại Hà Nội, vợ chồng bà Vân vẫn quyết tâm tìm cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại VN, nên khi nghe ông Q. giới thiệu dự án xây dựng Khu kinh doanh phức hợp tại 122 Pasteur, Q.1, TP.HCM (hiện đang là chùa Ấn Giáo), vợ chồng bà đồng ý tham gia bởi “khu đất đắc địa nằm ngay giữa trung tâm thành phố, khó có nhà đầu tư nào có thể từ chối được”.

Tin lời ông Q. là Công ty P. có thể thu xếp được các giấy phép cần thiết để thực hiện dự án, nên vào khoảng cuối năm 2007 vợ chồng bà Vân chuyển 250.000 USD đặt cọc cho Công ty P. Nhưng từ đó đến nay, các thủ tục “dự án” vẫn giậm chân tại chỗ, mà số tiền đặt cọc thì biệt tăm tích.

Cuối tháng 5.2008, ông Q. liên lạc với vợ chồng bà Vân thông báo tình hình Công ty P. không thể thực hiện được dự án và hiện ông đã “tiếp xúc” được với một nhóm người có “quyền thế” ở VN để có thể “lấy” được dự án 122 Pasteur. Ông Q. đưa ra rất nhiều thông tin “chắc cú” như: giá thuê đất trong 50 năm vẫn là 11.000 USD và “chúng ta có thể sở hữu 80% dự án nếu muốn”. Lần này, số tiền đặt cọc đã tăng lên 2.500.000 USD cho Công ty M. và phải được trả trong vòng 3 ngày, nếu không sẽ mất cơ hội.

Sức hút của vị trí đắc địa này quá hấp dẫn nên ngày 1.6.2008, Công ty U. do ông Q. làm đại diện ký hợp đồng đặt cọc với Công ty M. Vợ chồng bà Vân chuyển vào tài khoản cho ông C.M.S (Giám đốc Công ty M.) 1.000.000 USD, 1.000.000 USD còn lại ông Q. chuyển cho ông S. từ số tiền đặt cọc của dự án 538. Theo Hợp đồng đặt cọc, thì trong thời hạn 3 tháng Công ty M. phải hoàn tất các thủ tục liên quan đến dự án 122 Pasteur (hợp đồng thuê đất, các giấy phép cần thiết)... Nhưng cũng như các dự án trước mà Q. giới thiệu, đối tác lần này của vợ chồng bà Vân sau khi nhận tiền đặt cọc cũng im hơi lặng tiếng.

Tháng 8.2008, khi thấy vợ chồng bà Vân nản chí, muốn rút lại 2.000.000 USD đã đặt cọc thì ông Q. từ Hà Nội vào TP.HCM mang theo bản Thỏa thuận nguyên tắc đã được ký vào ngày 28.8.2008, trong đó xuất hiện thêm một công ty mới là Công ty Đ.V. Công ty Đ.V sẽ đại diện cho Công ty M. để ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty U. Lần này, ông Q. yêu cầu vợ chồng bà Vân chuyển thêm 150.000 USD cho bà L. (Tổng giám đốc Công ty Đ.V) để trả cho chùa Ấn Giáo nhằm ký được hợp đồng thuê đất sớm. Bà L. còn hứa “chắc như đinh đóng cột” là hợp đồng thuê đất sẽ được ký trong vòng 24 giờ. Tưởng rằng lần này sẽ xong và cũng để chứng minh với các đối tác về thực lực tài chính, nên ngay lập tức vợ chồng bà Vân chuyển giao tiền theo yêu cầu. Thực tế “bổn cũ soạn lại” và không có dự án nào được triển khai như lời hứa và cam kết của đối tác đối với vợ chồng bà Vân.

Cực chẳng đã, vợ chồng bà Vân phải tìm đến văn phòng luật sư và cơ quan công an để nhờ giúp đỡ. Tại đây, vợ chồng bà mới vỡ lẽ ra rằng không hề có dự án ở 122 Pasteur (TP.HCM)... Tất cả chỉ là những chiếc bánh vẽ do một số người dựng lên để đưa vợ chồng bà Vân rơi vào vòng xoáy đầu tư dự án bất động sản. Đến nay, tổng cộng số tiền bà Vân bị mất qua các dự án là hơn 2 triệu USD.

Chưa hết, sau khi không thực hiện dự án nữa, vợ chồng bà Vân phải bỏ cả công ty bên Úc, về VN sống lây lất để chầu trực đòi tiền từ đối tác, nhưng quả là không dễ dàng chút nào vì vợ chồng bà không biết tiền thật sự đang nằm ở đâu. Đến tháng 1.2010, vợ chồng bà Vân cho biết mới nhận lại được 200.000 USD và vẫn đang tiếp tục hành trình đòi nợ đầy chông gai phía trước.

Phải kiểm tra, xác minh trước khi quyết định đầu tư

Đã từng có nhiều năm tư vấn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong các dự án bất động sản tại VN, chúng tôi nhận thấy phần lớn các tranh chấp trong lĩnh vực này phát sinh từ sự tin tưởng vào "mối quan hệ" của đối tác mà thiếu sự kiểm tra, xác minh những tài liệu pháp lý có liên quan đến dự án. Thông thường, khi muốn đầu tư góp vốn, mua lại cổ phần của dự án thì cần phải có Văn bản chấp thuận, Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận đầu tư...

Khi nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các dự án bất động sản ở VN thì nên liên hệ với Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở QH-KT... để tiếp cận chính thống với các dự án sẽ được triển khai trên địa bàn. Trong trường hợp có người chào mời hợp tác vào các dự án nào đó thì nhà đầu tư cũng nên đến các cơ quan trên để tìm hiểu, kiểm tra tính xác thực của các văn bản (nếu có) hoặc kiểm tra xem thực tế có dự án đó hay không trước khi quyết định đầu tư. Nhà đầu tư không nên nghe lời "rao" quen biết ông này, ông kia, "chạy" được dự án để tránh tiền mất, tật mang.

Luật sư Lê Thành Kính (TP.HCM)

 Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.