Những chức vụ then chốt trong tân nội các Obama

11/11/2008 00:26 GMT+7

Không chỉ công chúng Mỹ mà người dân nhiều nơi trên thế giới cũng quan tâm đến việc Tổng thống đắc cử Barack Obama sẽ chọn ai vào các vị trí then chốt trong tân chính phủ ở Washington.

Nhân vật "quyền lực số 2"

Có thể nói, bất cứ vị tổng thống tân cử của Mỹ nào mới được bầu thì người đầu tiên mà họ chọn là Chánh văn phòng Nhà Trắng. Đây là người đứng đầu bộ tham mưu và từ đó, sẽ bàn đến việc bổ nhiệm các chức vụ khác.

Thế nên, nhiều chính khách xem vị này là nhân vật "quyền lực số 2" ở Washington. Vì sao? Chánh văn phòng Nhà Trắng chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của bộ tham mưu cao cấp nhất ngành hành pháp Mỹ, giám sát mọi hoạt động trong Nhà Trắng, sắp xếp chương trình làm việc của tổng thống, quyết định ai được phép gặp tổng thống…

Ông Obama đã chọn một người cùng ở Illinois vào Nhà Trắng với mình. Đó là dân biểu Rahm Emanuel, chính khách 48 tuổi người Mỹ gốc Do Thái từng làm cố vấn cho Tổng thống Bill Clinton, rành đường đi nước bước ở thủ đô Mỹ và có quan hệ tốt với Quốc hội. Nhìn các bức ảnh trên báo chí những ngày qua, độc giả cũng đủ thấy sự thân mật, gần gũi giữa Chánh văn phòng Emanuel và Tổng thống đắc cử Obama. Ông sẽ là người gặp mặt ông Obama thường xuyên nhất. Thông thường, mọi nhân vật dù cao cấp đến đâu, muốn gặp Tổng thống Mỹ cũng đều phải qua Chánh văn phòng. Ở vị trí này, ông Emanuel cũng sẽ thường xuyên bắt tay các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế… đến thăm Mỹ và được Tổng thống Mỹ tiếp kiến.

Trong cuộc họp báo đầu tiên của ông Obama ngày 7.11 qua, nhìn tư thế của dân biểu Emanuel - đứng ngay phía sau, bên trái  Tổng thống đắc cử Obama, còn bên phải là Phó tổng thống đắc cử Joe Biden - đủ biết tầm quan trọng của vị dân biểu Illinois trong tân chính quyền ở Washington như thế nào.

"Siêu bộ" là bộ nào?

Trước đây, khi lập Bộ An ninh nội địa sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 thì nhiều người xem đây là một "siêu bộ" để nói lên tầm quan trọng của nó trong giai đoạn đối phó khủng bố.

Nay theo các thăm dò thì kinh tế là vấn đề mà công chúng Mỹ quan tâm hàng đầu với tỷ lệ 69%, bỏ xa các vấn đề chiến tranh Iraq với chỉ 9% và khủng bố với tỷ lệ tương tự. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính lan rộng, Bộ Tài chính Mỹ hẳn được xem là "siêu bộ". Thế nên có thể nói mọi sự chú ý đều dồn vào việc ông Obama chọn nhân vật nào cầm chịch Bộ Tài chính. Do tình hình cấp bách phải tiếp nhận Bộ Tài chính trong khi kế hoạch cứu nguy 700 tỉ USD đang được tiến hành, ông Obama sẽ sớm bổ nhiệm người vào chức danh này, chắc chắn ngay trước cuộc họp thượng đỉnh G-20 tổ chức ở Washington vào ngày 14 và 15.11 tới.

Danh sách ứng viên cho chức vụ này phải kể đến: Timothy Geithner - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang khu vực New York; Lawrence Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính; Paul Volcker - cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang; Laura Tyson - cựu cố vấn của ông Clinton… Toàn những nhân vật nòng cốt từng giúp ông Clinton đưa kinh tế Mỹ vào thời kỳ hưng thịnh. Thế nên, sẽ không có gì lạ nếu như thấy quanh Tổng thống đắc cử Obama toàn những nhân vật thời Bill Clinton.

Quay lại cuộc họp báo hôm 7.11, ông Obama đã giới thiệu một đội ngũ cố vấn kinh tế mà hầu hết là những người đã từng phục vụ trong chính phủ Clinton. Họ đứng hàng ngang sau ông Obama, Biden và Emanuel. Ông Obama muốn tìm sự "chắc ăn" qua việc sử dụng những nhân tài đã qua thử thách trong 8 năm cầm chịch thành công về kinh tế của ông Clinton.

Cam kết lập “nội các lưỡng đảng”

Những nhân vật được đề bạt nắm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hay thành viên Hội đồng An ninh quốc gia vẫn có thể là người của đảng Cộng hòa, như lời hứa của ông Obama là sẽ thành lập một "nội các lưỡng đảng".

Ông Robert Gates có thể được ông Obama đề nghị lưu nhiệm trong chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng để tiếp tục chiến lược quân sự ở Afghanistan theo kiểu "Afghanistan hóa chiến tranh". Theo một nguồn tin riêng của hãng thông tấn AP thì trong một cuộc rà soát lại chính sách chiến tranh ở Afghanistan, chính quyền Bush sẽ đề nghị với tân chính phủ của ông Obama là tăng cường và mở rộng quân đội Afghanistan, coi đó là con đường tốt nhất để Mỹ có thể rút khỏi Afghanistan. Theo đề nghị của chính quyền Bush, chính phủ sẽ cung cấp cho tướng David McKiernan, tư lệnh Mỹ tại chiến trường Afghanistan, số tăng quân lên đến 20.000 người. Từ đó, quân đội Mỹ sẽ trợ lực để quân đội Afghanistan dần đảm nhận cuộc chiến ở nước họ. Ông Gates tuần rồi đã khẳng định đó là giải pháp lâu dài cho vùng này.

Ông Obama có thời gian hơn 2 tháng để lập nội các. Tuy nhiên, ông không muốn cập rập như thời tổng thống mới được bầu Bill Clinton, khi nhiều vị trí then chốt chỉ được bổ nhiệm 5 ngày trước khi tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Ông Obama muốn có đội ngũ nhanh chóng hơn để đối phó với nhiều vấn đề cấp bách. Sau khi đàm đạo với Tổng thống Bush vào hôm thứ hai (theo giờ Mỹ), có thể ông sẽ lần lượt công bố thành phần nội các với khoảng 30 chức vụ cần được Thượng viện chuẩn thuận.

Có điều là ông Obama đang có lợi thế vì đảng Dân chủ nắm thế đa số ở Quốc hội.

Tổng thống đắc cử Obama gặp Tổng thống Bush tại Nhà Trắng vào chiều thứ hai 10.11 (sáng thứ ba 11.11 giờ VN) để bàn việc chuyển giao quyền lực. Các cố vấn hàng đầu của Tổng thống đắc cử Obama cho hay ông có thể sử dụng sắc lệnh hành pháp (executive order) ngay từ những ngày đầu cầm quyền để nhanh chóng bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ một số sắc lệnh cũ do ông Bush ban hành. Trưởng ban tiếp nhận chuyển giao quyền lực John Podesta cho biết, có thể ông Obama sẽ vô hiệu hóa một số lĩnh vực mà ông Bush đã ban hành để nhanh chóng đưa đất nước đi theo lộ trình mới, trong đó có vấn đề nghiên cứu tế bào gốc, cải thiện việc chăm sóc sức khỏe và việc khai thác dầu khí.  Ông cũng dự định đưa về Mỹ xét xử những nghi can khủng bố đang bị giam giữ ở Guantanamo (Cuba).

Lê Đình Bì (từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.