Những chuyến xe ngựa cuối cùng ở An Giang: Được chở khách là háo hức lắm!

06/12/2020 13:47 GMT+7

Từng là phương tiện phổ biến được đồng bào Khmer ở Bảy Núi sử dụng đại trà, những chiếc xe ngựa với kiểu dáng thô sơ nay chỉ còn vài chiếc, chủ yếu dùng để chuyên chở hàng hóa trong vùng.

Nghề đánh xe ngựa, nài bò có từ bao giờ?

Để được nhiều người thuê các cánh tài xế phải kiêm luôn cả việc bốc vác, khuân hàng hóa lên xe

Ảnh: Thanh Nhã

Nếu đã từng ghé thăm vùng đất Bảy Núi-An Giang ắt hẳn ai cũng bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh những chú ngựa thồ hàng chạy lộc cộc trên đường. Theo những bậc cao niên tại đây, nghề đánh xe ngựa xuất phát từ người Khmer vào thế kỷ trước, khi mà vùng đất này còn hoang sơ, ít phương tiện đi lại. Khi ấy xe ngựa là phương tiện chính giúp người dân di chuyển hoặc chở hàng hóa. Nếu như cách đây vài chục năm, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn có khoảng 200 xe ngựa, thì hiện nay mỗi huyện chỉ còn khoảng chục chiếc tập trung nhiều nhất ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên).
Ông Chau Ya là phu xe với hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết, đa phần cánh tài xế là nam giới, người Khmer. Họ xem đây là công việc mưu sinh nuôi sống bản thân và gia đình nên bất kể trời mưa hay nắng, họ vẫn đều đặn ra bến đợi khách.
Chuyện những chuyến xe ngựa cuối cùng ở An Giang

Trước đây hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn có khoảng 200 xe ngựa, thì hiện nay mỗi huyện chỉ còn khoảng chục chiếc

Ảnh: Thanh Nhã

Nghề kéo xe ngựa dễ kiếm ăn nhưng hơi cực vì phải khuân vác hàng hóa lên xuống cho khách. So với ngày trước thu nhập chỉ còn chừng 200 - 300 ngàn đồng/ngày, tuy ít nhưng ông vẫn hài lòng.
“Tôi bây giờ cũng lớn tuổi, gia đình cũng không có ruộng vườn nhiều làm nghề này mấy chục năm rồi giờ cũng không biết đổi nghề nào khác để sống, giờ mỗi ngày tôi chạy được 2, 3 cuốc xe chuyến cũng được hai trăm mấy ngàn đồng mỗi ngày, cũng đủ lo cho gia đình”, người phu xe già tâm sự.
Chuyện những chuyến xe ngựa cuối cùng ở An Giang

Anh Chau Sóc Tha cùng "chiến mã" của mình

Ảnh: Thanh Nhã

Người cầm cương kiêm thợ đóng móng ngựa

Theo dòng chảy phát triển xã hội, nghề nài ngựa mai một dần. 17 năm gắn bó với chú ngựa và cỗ xe cũ kỹ, anh Chau Sóc Tha tâm sự, với cánh nài ngựa ở đây ngựa không chỉ là cần câu cơm mà còn là người bạn giúp họ thoát nghèo.
Sau mỗi chuyến chở hàng về các chiến mã đều được tắm rửa và ăn uống cẩn thận để phục hồi sức. Để ngựa đi được bền những phu xe cần kiểm tra và thay móng sắt thường xuyên, nhất là đi khu vực bùn lầy móng rất dễ rơi ra. Cô ngựa này được anh đặt tên là Èo anh mua về cũng đã được 3 năm.
Chuyện những chuyến xe ngựa cuối cùng ở An Giang

Sau mỗi ngày chở hàng vất vả, cô ngựa được người chủ chăm sóc rất chu đáo

Ảnh: Thanh Nhã

“Thấy nó nhỏ con vậy thôi chứ nó mạnh lắm chở được tới 500 kí lận, mấy con dốc cao hay đường núi gập ghềnh nó đều chở được hết. Tôi chở hàng đến khoảng 11 giờ hơn thì nghỉ, về nhà ăn cơm trưa rồi cho nó ăn luôn. Ngày nào cũng cho nó uống nước cám để hồi phục sức”, anh Sóc Tha vui vẻ nói.

Gian nan níu giữ nghề

Tuy mới gắn bó với nghề nài ngựa hơn 8 năm nay, thế nhưng cũng nhờ chiếc xe ngựa này mà cuộc sống gia đình anh Nonl Văn Noal cũng bớt nhọc nhằn. Mỗi ngày anh nhận chở hàng hóa đến các khu vực đường núi hoặc trong phum, sóc nơi xe cơ giới khó di chuyển, cứ 1 lượt thồ hàng cũng được 100 - 150 ngàn đồng tùy vào đường xa hay gần.
Chuyện những chuyến xe ngựa cuối cùng ở An Giang
Ngựa được chọn để nài đa phần là ngựa cái vì dễ huấn luyện, ngựa từ trên 1 năm tuổi đã có thể chở hàng, với đặc điểm to khỏe nên con ngựa tui có thể kéo khoảng 6 người hoặc đến 1 tấn hàng hóa.
Thu nhập ít dần là nguyên nhân khiến nhiều người bỏ nghề, nhiều người đã sớm đầu hàng vì không chịu nổi cảnh hết thời của nghề cầm cương ngựa. Chỉ còn vài người cố gắng bám trụ vì 2 chữ “nặng nợ”. Thỉnh thoảng vào dịp lễ hội hay Tết, có khách phương xa đến chơi họ vẫn hay thuê xe ngựa chở đi một đoạn vài cây số tham quan khiến cánh nài ngựa háo hức hẳn ra.
Chuyện những chuyến xe ngựa cuối cùng ở An Giang

Trung bình khoảng 1 tháng, anh Sóc Tha sẽ đóng lại bộ móng sắt mới cho con ngựa của mình, ngựa đi vào các đoạn bùn lầy rất dễ bị rớt móng.

Ảnh: Thanh Nhã

Nhưng quay về các ngày bình thường xe ngựa lại trở về đúng “bổn phận” thồ hàng còn những người như ông Chau Ya, anh Sóc Tha lại âu lo tiếp. Họ chỉ lo nghề này rồi cũng sẽ mai một dần theo thời gian, để hình ảnh những chiếc xe ngựa lộc cộc trên đường chỉ còn trong hoài niệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.